Công tác thu hút, đào tạo, sử dụng và chế độ đãi ngộ nhân lực chất lượng cao tại Tập đoàn
Bí thư Chi bộ Phòng Tổ chức Nhân sự Nguyễn Trí Thiện trình bày tham luận tại Đại hội
Trong bối cảnh sự hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, nền kinh tế đất nước đang trên đà hồi phục và phát triển bên cạnh những thuận lợi thì cũng xuất hiện những thách thức mới đối với công tác thu hút, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ nhân lực chất lượng cao, cụ thể:
- Hội nhập quốc tế sẽ dẫn đến chuyển dịch lao động nhiều hơn, điều này vừa thuận lợi trong thu hút lao động, nhưng nguy cơ mất nguồn nhân lực chất lượng cao cũng lớn hơn.
- Mặt trái của kinh tế thị trường sẽ tác động sâu rộng hơn tới đời sống kinh tế - xã hội cũng như đối với doanh nghiệp, đòi hỏi phải đánh giá, lựa chọn kỹ càng hơn trong tuyển dụng và sử dụng nhân lực chất lượng cao.
- Khi Tập đoàn JX Nippon Oil and Energy (JX NOE) trở thành đối tác chiến lược của Tập đoàn, thì nhu cầu về lao động chất lượng cao trong lĩnh vực lọc hóa dầu của Tập đoàn sẽ rất lớn, trong khi nguồn cung tại các trường đào tạo trong nước là rất hạn chế cả về số lượng và chất lượng cũng gây khó khăn cho Tập đoàn trong lựa chọn, tuyển dụng lao động ở lĩnh vực này.
- Và cuối cùng, quan trọng nhất, là thách thức trong chuyển biến tư duy, từ mô hình công ty Nhà nước sang mô hình công ty cổ phần trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh ngày cằng gay gắt đòi hỏi phải thay đổi trong tư duy xây dựng và thực hiện chính sách bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trước những thuận lợi và thách thức đặt ra, công tác thu hút, đào tạo, sử dụng và chế độ đãi ngộ nhân lực chất lượng cao tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho 5 năm tới và tầm nhìn đến năm 2030 cần thực hiện đồng bộ các định hướng sau:
Thứ nhất, rà soát chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, phòng/ban/bộ phận; rà soát, điều chỉnh, xây dựng chức trách, nhiệm vụ cụ thể cho từng công việc, chức danh công việc; xây dựng và thực hiện các quy trình làm việc hợp lý để tổ chức lao động theo hướng tinh giản, hiệu quả nhằm nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc; bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao để sử dụng, phát huy hết khả năng, trình độ của người lao động.
Thứ hai, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động theo hướng gắn chặt nhu cầu tuyển dụng với yêu cầu của từng vị trí công việc, quản lý sử dụng lao động linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế để khai thác tốt nhất năng lực, sở trường của người lao động.
Thứ ba,xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch đào tạo, quan tâm hơn nữa tới lực lượng lao động chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài của Tập đoàn như: i) xây dựng Chương trình đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý đối với đội ngũ Giám đốc các đơn vị, đối với Trưởng/phó phòng/ban Tập đoàn, đối với đội ngũ cán bộ quản lý cấp trung; ii) đào tạo chuyên sâu đối với đội ngũ cán bộ làm công tác Marketting, Tài chính kế toán, Kỹ thuật xăng dầu, lọc hóa dầu … iii) đào tạo đội ngũ Cửa hàng trưởng Petrolimex ; iv) Đẩy mạnh hợp tác với đối tác đào tạo nước ngoài có tiềm năng như: JCCP, Idemitsu Kosan, CHLB Đức …
Thứ tư,hoàn thiện cơ chế trả lương và thưởng theo hướng khuyến khích được các đơn vị gia tăng hiệu quả SXKD, khuyến khích được người lao động phát huy hết sở trường, năng lực để nâng cao NSLĐ, chất lượng, hiệu quả công việc; đồng thời áp dụng, vận dụng các chế độ đãi ngộ ngoài lương phù hợp với quy định của nhà nước và điều kiện thực tế của Tập đoàn để thu hút và giữ nguồn nhân lực chất lượng cao.