Khai trương “Trục liên thông văn bản Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp”
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, ngày 18/11, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đã tổ chức Hội nghị “Xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số của doanh nghiệp” và “Khai trương Trục liên thông văn bản Ủy ban Quản lý vốn”. Ông Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì hội nghị.
Tham dự Hội nghị và chứng kiến lễ khai trương có đại diện Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Cơ yếu Chính phủ; lãnh đạo Ủy ban và các Vụ, đơn vị; đại diện 19 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc và phải thực hiện theo đúng chủ trương, chỉ đạo tại Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây vừa là nhiệm vụ, nhưng cũng là giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Ủy ban với trách nhiệm của mình, sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp và thực hiện việc xây dựng chính phủ điện tử của Ủy ban theo Mô hình kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0; tăng cường kết nối với doanh nghiệp về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu quản trị, điều hành và đẩy nhanh tiến độ xử lý công việc, nâng cao chất lượng thông tin giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh phát biểu khai mạc Hội nghị
Những năm gần đây, khi cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bùng nổ, công cuộc chuyển đổi số là xu hướng tất yếu đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các lĩnh vực của xã hội như truyền thông đại chúng, y học, khoa học… Chuyển đổi số trở thành cơ hội, đồng thời cũng là thách thức, đòi hỏi các các quốc gia, doanh nghiệp trên thế giới phải thực hiện thay đổi mạnh mẽ để phù hợp với sự tiến bộ của công nghệ, khoa học kỹ thuật.
Nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, đồng thời giúp các doanh nghiệp trực thuộc nâng cao năng lực, sức cạnh tranh trên thị trường, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, với vai trò xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình cho các đơn vị thành viên, sẽ là tác nhân hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong chuyển đổi số.
Hiện nay, 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đang nắm giữ những nguồn lực lớn và trọng yếu trong nền kinh tế đất nước như: Nông nghiệp, giao thông vận tải và Logistics, năng lượng, sản xuất công nghiệp, đầu tư và kinh doanh tài chính, công nghệ thông tin và viễn thông… Do đó, việc xây dựng nền kinh tế số quốc gia sẽ hiện thực hóa được nếu đẩy mạnh chuyển đổi số ở các Tập đoàn, Tổng công ty này.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Ngọc Cảnh đã xác định 2 vai trò chính của các doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Thứ nhất, các Tập đoàn, Tổng công ty phải nhanh chóng tiến hành chuyển đổi số và khẳng định vai trò dẫn dắt của mình trong chuyển đổi số nền kinh tế. Thứ hai, các doanh nghiệp công nghệ trực thuộc Ủy ban phải thực hiện chuyển đổi số cho Chính phủ hoặc chính quyền địa phương và các doanh nghiệp khác (trong đó có các doanh nghiệp thuộc Ủy ban). Cùng với đó, Ủy ban đã đặt ra những định hướng chuyển đối số trong giai đoạn tiếp theo. Theo đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao nhận thức và quyết tâm về việc chuyển đổi số. "Đi nhanh, đi trước sẽ chiếm ưu thế, nếu đi chậm, đi sau thì sẽ giảm năng lực cạnh tranh và mất thị trường"- Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh nhấn mạnh.
Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt về năng lực số như hạ tầng số, phát triển sản phẩm giải pháp số theo lĩnh vực cũng như xây dựng nguồn nhân lực có chuyên môn cao; trong đó, xác định rõ chuyển đổi số là phương thức để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh doanh của mỗi doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung, muốn vậy phải coi khách hàng, người dân là trung tâm để phục vụ tốt hơn; qua đó, mở rộng được thị trường, tăng doanh thu, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Các Tập đoàn, Tổng công ty trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025 phải có nội dung về thực hiện chuyển đổi số, xác định rõ các nhiệm vụ và kinh phí thực hiện, phù hợp với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; trong đó, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số của Công ty Mẹ, cơ quan đầu não doanh nghiệp, từ đó tạo lực kéo tiến trình chuyển đổi số trong toàn bộ các đơn vị thuộc Tập đoàn, Tổng công ty.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tăng cường triển khai nền tảng dùng chung nhằm tối ưu chi phí đầu tư, đẩy nhanh quá trình triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Ủy ban và của các Tập đoàn, Tổng công ty. Nếu như con người và quy trình gắn với đặc thù của doanh nghiệp, thì chúng ta có thể bắt đầu nền tảng dùng chung ở lĩnh vực hạ tầng, nền tảng, chia sẻ dữ liệu, ứng dụng. Ngoài ra, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cũng được xác định là vấn đề then chốt trong quá trình chuyển đổi số. Khi mà hoạt động sản xuất, kinh doanh được gắn liền với số hóa thì an ninh mạng được ví như sinh mạng của mỗi doanh nghiệp.
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp nhà nước
Ông Phạm Đức Long - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Đức Long - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, trong những năm qua, kinh tế số Việt Nam đã và đang có sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Đảng và Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tạo hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế số còn chưa đồng đều giữa các lĩnh vực kinh tế khác nhau, giữa các vùng miền khác nhau, nhận thức về kinh tế số chưa tương xứng trong xã hội và chủ thể kinh doanh. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Nhà nước được Đảng và Chính phủ giao trọng trách đầu tàu, hướng dẫn, dẫn dắt các thành phần khác trong chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số doanh nghiệp và chuyển đổi số xã hội, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng và phát triển của kinh tế số.
“Nhận thức được tầm quan trọng và quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề Chuyển đổi số, VNPT cam kết sẽ triển khai tích cực nội dung chỉ đạo của lãnh đạo Ủy bản và các Bộ, ngành; tham gia với vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, cùng đồng hành hỗ trợ để có những đóng góp thiết thực cho quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và Chuyển đổi số các doanh nghiệp thuộc Ủy ban” – ông Phạm Đức Long khẳng định.
Ông Trần Công Hòa – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp)
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Công Hòa – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin chia sẻ, trên cơ sở kết quả khảo sát với 19 Tập đoàn, Tổng công ty về chủ trương xây dựng Trục liên thông văn bản của Ủy ban, Trung tâm Thông tin đã phối hợp với VNPT nghiên cứu xây dựng Đề án Trục liên thông từ tháng 7/2019. Qua tổng hợp, tiếp thu ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin đã chủ trì tổ chức thử nghiệm kết nối kỹ thuật đối với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Sau quá trình thử nghiệm này, Trung tâm Thông tin cũng đã tiếp tục hoàn thiện Đề án và các Quy chế cần thiết, gửi toàn văn các Dự thảo Quy chế và Đề án, Lộ trình triển khai xin ý kiến của doanh nghiệp và các đơn vị thuộc Ủy ban.
Theo ông Trần Công Hòa, sau 3 tháng triển khai thử nghiệm diện rộng với các Tập đoàn, Tổng công ty, “Trục liên thông văn bản Ủy ban Quản lý vốn” đã thực hiện việc gửi, nhận hơn 100.000 văn bản điện tử các loại được gửi, nhận giữa Ủy ban, các Tập đoàn, Tổng công ty và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan hành chính trong cả nước, đem lại lợi ích lớn cho Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty.
"Bên cạnh các lợi ích trực tiếp về kinh tế thông qua việc rút ngắn tối đa thời gian gửi, nhận văn bản, tiết kiệm kinh phí hành chính và nhân lực, cải cách hành chính, đề án Trục liên thông văn bản Ủy ban đã đem lại các hiệu quả gián tiếp như hiện thực hóa quyết tâm của Ủy ban và người đứng đầu Ủy ban trong đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin, từng bước xây dựng văn phòng không giấy tờ. Bên cạnh đó, tạo sự lan tỏa, góp phần thay đổi nhận thức và hành động của các cấp trong Tập đoàn, Tổng công ty; làm tiền đề để hình thành mạng chuyên dùng và truyền số liệu theo quy định; thực hiện công khai, minh bạch, tăng tính hiệu lực và hiệu quả, góp phần đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới nền kinh tế số, xã hội số" - ông Trần Công Hòa nhận định.
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty đã trình bày thực trạng quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp. Trong đó, những khó khăn, bất cập, đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp là vấn đề được nhiều doanh nghiệp đề cập.
Trong phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh đánh giá cao nỗ lực của các Tập đoàn, Tổng công ty trong việc chủ động, tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, cũng lưu ý lãnh đạo các doanh nghiệp, đơn vị cần nâng cao hơn nữa nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số và nâng cao vai trò của người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức mình phụ trách. “Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Ủy ban sẽ hỗ trợ cơ chế, chính sách để giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhưng cũng sẽ gia tăng các yêu cầu và áp lực nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp theo đúng quy định, chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - người đứng đầu Ủy ban khẳng định.
Nhân dịp này, Ủy ban đã chính thức khai trương “Trục liên thông văn bản Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp”
Trục liên thông văn bản Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hệ thống do Trung tâm Thông tin thuộc Ủy ban phối hợp với Tập đoàn VNPT xây dựng và phát triển.
Trục được xây dựng theo định hướng mô hình mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II, kết nối vào “Trục liên thông văn bản quốc gia”. 19 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thông qua Trục liên thông văn bản Ủy ban để kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia; qua đó, liên thông với Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành 4 cấp hành chính trên quy mô toàn quốc. Hệ thống này sẽ giải quyết được bài toán gửi nhận văn bản, đặc biệt là công việc điều hành điện tử xuyên suốt giữa Ủy ban, các Vụ, đơn vị và doanh nghiệp trực thuộc. Qua đó, tiết kiệm ngân sách, rút ngắn thời gian lưu chuyển văn bản, giảm chi phí hành chính, tạo tác động lan tỏa đối với các Tập đoàn, Tổng công ty trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào xây dựng văn phòng không giấy tờ.
Tập đoàn VNPT cũng là đơn vị xây dựng hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia, nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử. Thành quả này tiếp tục khẳng định sự phát triển vững mạnh của doanh nghiệp nhà nước với vai trò tiên phong trong dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số quốc gia.