Kỷ niệm đầu đời không thể nào quên

Cẩm Tú

MC

02:58 CH @ Thứ Ba - 15 Tháng Chín, 2015

Là sinh viên năm thứ 3 Khoa Báo chí truyền thông - Đại học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, chưa một lần xa nhà; được cô giáo Minh Diệu chọn làm MC 3 tập Petrolimex ký sự tại miền Tây Nam Bộ, lòng tôi đầy tự hào và lo âu.

Hiện dẫn ghi hình Petrolimex ký sự tại Đất Mũi Cà Mau, ngày 26.8.2015 (ảnh: Minh Diệu)

1.

Chuyến đi này như chuyến đi gia đình, anh em trong đoàn như người nhà cả…” - Câu nói ấy của cô Minh Diệu đã khích lệ tôi thêm dũng khí bước lên xe 15 chỗ ngồi của Petrolimex Sài Gòn do bác Định làm tài xế, phía sau chất đầy hành lý và thiết bị làm phim để bắt đầu hành trình “Petrolimex ký sự” từ sáng sớm tinh mơ ngày 19/8 - cái ngày đầy ý nghĩa thiêng liêng trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Đây sẽ là chuyến trải nghiệm nghề báo đầu tiên của cuộc đời tôi. Tôi đã không biết trước rằng câu nói ấy của cô Minh Diệu đi theo tôi đến tận ngày về Thành phố, cho tới tận hôm nay …

2.

Hành trang của tôi đến khi với Petrolimex ký sự chẳng có gì nhiều ngoài kiến thức lý thuyết đã được các thầy cô dạy bảo trong 3 năm qua và sự tự tin hồn nhiên của lứa tuổi học trò.

Với một bộ phim thể loại ký sự đã lên sóng được 9 tập, đã được duyệt chờ phát sóng 3 tập và 2 tập đang làm hậu kỳ thì hành trang của tôi chỉ là một con số 0 tròn trịa, một con số 0 đúng nghĩa của nó: Không kinh nghiệm, không kiến thức thực tiễn về ký sự,không hiểu biết về xăng dầu ngoài việc khi gần hết xăng thì thấy chỗ nào có cây xăng là ghé vô đổ đầy rồi đi tiếp, chẳng biết 92, 95 là gì, cây xăng nào là của ai...Ngay cả cái tên của một tập đoàn kinh tế nhà nước lớn và nổi tiếng là “Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex” cũng quá đỗi xa lạ với tôi. Và, tôi cũng chưa hề biết đến men say của rượu bia của những anh Hai Lúa miền Tây chiều nào cũng nhậu, cũng dzô để quây quần bên nhau “cháy hết mình”,…

Trên xe là một ekip làm phim tinh túy nhất của SCTV - những con người nhiều thành tích, nhiều đam mê đến mức như có thể “sống chết vì nghề”; ví như “anh quay phim” Đức Long và “chàng phụ quay” Tiếng Sáng cứ phải ghi cho được cảnh cái mái chèo ngược sóng trên Sông Tiền cho dù đã hơn 2 giờ chiều rồi mà cả đoàn vẫn chưa được nghỉ để ăn trưa. Tôi bỡ ngỡ hỏi, anh Đức Long trả lời: “Đấy là hình ảnh về sự nỗ lực - sự nỗ lực của con người với khát vọng “để tiến xa hơn” nên phải đặc tả nó bằng ngôn ngữ của báo hình". Đạo diễn Ngọc Châu lúc nào cũng chăm chú vào việc ghi hình, khẩu lệnh của Đạo diễn ngắn gọn mà đầy uy quyền, cương quyết: “sẵn sàng !”, “bắt đầu !”, “tới” (tiến lên), “tốp !” (stop), “lại !” (làm lại), “xong !” (kết thúc)… - câu nào cũng chỉ 1-2 từ và phải có chấm than, thế nhưng được tất cả mọi người vui vẻ thực hiện.

Tôi là thành viên mới nhất, nhỏ tuổi nhất, non nớt nhất của hành trình này và được “lọt mắt xanh” của 2 cô giáo Mai Lan và Minh Diệu từ khi nào chẳng biết. Tôi làm MC 3 tập 15, 16, 17 Petrolimex ký sự là bởi cơ duyên như vậy đó.

Đây thực sự là một may mắn đầu đời lớn nhất mà tôi có được. Tôi tự nhủ với lòng mình sẽ nỗ lực để xứng đáng với nhiệm vụ quan trọng này, xứng đáng với hình ảnh của Petrolimex.

3.

Lần đầu tiên tôi xa gia đình, lần đầu tiên tôi rời khỏi vòng tay Ba Má, lần đầu tiên tôi được đặt chân đến những miền quê tươi đẹp của Tổ quốc mình, để được gặp các anh “Hai Lúa Petrolimex” chuyện trò, phỏng vấn ghi hình các vị lãnh đạo. Sự háo hức của tuổi trẻ trước những điều mới lạ, trước trọng trách MC và vinh dự sẽ được lên hình SCTV đã nâng đỡ bước chân tôi lên đường.

Hành trình Petrolimex ký sự đã cho tôi một gia đình mới, một gia đình thứ hai lớn hơn - nơi đây tôi lại có ba, có má, có cả ông, cả “cụ”, cả chú, cả anh và cả chị.

Tôi có “cụ” Đức chăm lo cho cả đoàn phim như người ông chăm sóc cho đàn cháu nhỏ của mình. Tuy đã được nghỉ hưu theo chế độ, nhưng tinh thần và sức khỏe của cụ lại rất “thanh niên” trong công việc và chỉn chu trong sự lo toan. Chẳng thế mà cụ lại là thần tượng của cả đoàn làm phim chúng tôi.

Tôi có ba Xuân Hoài lặn lội cùng cả đoàn trong suốt hành trình với giọng cười hào sảng đầy chất Nam Bộ không lẫn vào đâu được. Ba Xuân Hoài của tôi đi công tác hơn 10 ngày chỉ với 1 cái cặp nhỏ gọn nhẹ nhàng trong đó có 2 cây thuốc lá Thăng Long bao cứng (Ba bảo: “Hành lý gọn nhẹ “để tiến xa hơn”), để rồi “cháy” mỗi đêm duyệt bài cho anh Bằng sáng ra lại có một “tác phẩm” mới cho cả đoàn ngóng đọc.

Tôi có chú Ngọc Châu, một đạo diễn rất “kỹ” khi làm việc. Nhưng sau giờ làm, chú dễ thương hơn bao giờ hết, và nụ cười hài lòng của chú - là điều tôi luôn mong muốn được thấy mỗi ngày.

Tôi có chị Mai Lan, người chị lớn sẵn sàng chỉ dạy cho em gái mọi điều ở bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu.

Tôi có thêm những người anh trai: anh Long vui tính, anh Sáng thiệt thà, anh Tài dịu dàng với nụ cười hiền dịu nhẹ nhàng và anh Bằng với sự quan tâm lặng lẽ từ những điều nhỏ nhất mà cô em gái nào cũng mong có được từ anh trai.

Và, tôi có được má Minh Diệu, là người mạnh mẽ nhất nhưng cũng lại là người làm tôi yếu lòng nhất. Để thành hình bao nhiêu tập phim Petrolimex ký sự, má Minh Diệu cũng đã bấy nhiêu lần sát cánh với đoàn làm phim. Từ Bắc chí Nam, nơi đâu in dấu chân của đoàn phim Petrolimex ký sự là nơi đó in giọt mồ hôi của má. Sức khỏe phi thường của người phụ nữ này khiến người ta nể phục, nhiều khi còn bảo má nam tính nữa cơ. Nhưng nụ cười của má Diệu là thứ duy nhất phản bác nhận định ấy, vì má có nụ cười nữ tính biết bao. Và nụ cười đó đã dạy tôi lớn lên, dạy tôi yêu nghề, yêu người, yêu đời - yêu như má vậy…

Vậy đấy mà tôi có cả một gia đình lớn. Một gia đình cùng ăn, cùng ngủ, cùng chăm sóc nhau khi đau ốm, cùng lênh đênh trên những con sông dài, cùng lướt qua những “cánh đồng bất tận”, cùng chứng kiến sự phát triển của Petrolimex khắp miền Nam thân yêu ruột thịt, cùng hò reo khi ca nô lướt sóng, như những người trẻ phấn khởi tìm được lý tưởng của đời mình.

4.

Chuyến đi của chúng tôi chính xác là đã kéo dài trong 13 ngày, nhưng tôi lại thích gọi là nửa tháng. Vì trong từ điển của riêng tôi, “ngày” và “tháng” là hai khái niệm cách xa nhau. Và nếu sự gắn bó đã được đo lường bằng đơn vị “tháng”, ắt hẳn cái tình đã phải sâu, phải đậm hơn nhiều so với đơn vị tình bằng “ngày”.

Nhớ ngày đi, tôi đếm ngược đến ngày về. Nhưng ngày về, tôi lại muốn mình được đếm ngược ngày đi. Dường như ngày càng trôi thì thời gian càng chạy, mà thời gian vốn dĩ là thứ không tuân thủ mệnh lệnh của con người. Ta càng mong nó chậm, nó càng chạy đi nhanh. Và khi 13 ngày của chuyến hành trình chúng tôi điểm đến ngày cuối, nỗi khao khát mãnh liệt được quay lại những ngày đầu tiên, hay chí ít là làm thời gian dừng lại, dâng trào trong chúng tôi. Nhưng có lẽ cũng vì cái định luật “không tuân thủ” ấy của thời gian mà người ta lớn lên. Và những gì thời gian tạo dựng hay lấy mất, suy cho cùng cũng để lại cho con người những thứ mà chúng ta gọi là “kỷ niệm”…

Petrolimex ký sự đã đi gần đến tập cuối cùng. Người ta vẫn gọi tập cuối là tập kết thúc. Nhưng với chúng tôi, tập cuối của “Petrolimex ký sự” là sự khởi đầu của một điều gì đó lớn lao hơn.

Nói về Petrolimex, về văn hóa, về sức mạnh của một tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam gần 60 năm tuổi - có thêm vài chục, mấy trăm tập phim Petrolimex ký sự thì cũng là không đủ.

Hành trình 3 tập Petrolimex ký sự dừng chân, tôi thầm mong sẽ mở ra những hành trình khác. Và cứ thế, những “đứa con của Petrolimex ký sự” nói riêng và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nói chung sẽ tiếp tục lớn lên hùng mạnh hơn, sẽ lại tiếp nối thế hệ đi trước, sẽ lại viết tiếp truyền thốngvăn hóa “Ở đâu cũng là một” của Petrolimex, và sẽ lại lên đường, mang theo trong mình những tinh hoa Petrolimex biết mấy yêu thương.

5.

Đã mấy ngày trôi qua kể từ khi tôi kết thúc chuyến hành trình về miền Tây Nam Bộ cùng đoàn phim Petrolimex ký sự, tôi như thấy mình vẫn còn đang dập dềnh lênh đênh sông nước, vẫn đang “hành quân” cùng cô chú, cùng anh chị trong đoàn phim; vẫn đang được cụng ly cùng các anh Hai Lúa Petrolimex để ngấm cái men say của tình người - một chút của Công tử Bạc Liêu với một chút của Nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu.

Tôi nhớ…

Tôi trân trọng kỷ niệm đầu đời mà tôi vô cùng may mắn có được khi được tham gia đại gia đình SCTV & Petrolimex.

Và, tôi mong …

Tôi mong tập 15, 16, 17 Petrolimex ký sự sớm được lên sóng; để tôi được nhìn thấy tôi trưởng thành như thế nào trên màn ảnh nhỏ, để mỗi lần xem tôi như được gặp lại tất cả thành viên đoàn làm phim qua mỗi khung hình mà phải nỗ lực rất nhiều mới có được, để được nhìn thấy các anh Hai Lúa Petrolimex mà tôi đã gặp và rất đỗi tự hào về đất nước mình có những người như họ; để tất cả kỷ niệm lại như con nước nổi ào về trong tôi, làm say đắm lòng người như những ly rượu nồng miền Tây lần đầu tiên tôi được uống trong đời.

Nỗi nhớ cũng cứ thế mà lênh đênh trong tôi trên những con chữ, câu từ tuôn ra; cũng bởi thế mà thành hình bài viết này làm lời tri ân với các thầy cô của tôi, với SCTV, với Petrolimex, với những con người mà tôi đã được vinh dự đồng hành, gặp gỡ, thực hiện phỏng vấn trong hành trình Petrolimex ký sự tại miền Tây Nam Bộ.

Kỷ niệm đầu đời không thể nào quên của tôi chắc chắn sẽ là hành trang theo tôi đi suốt cuộc đời.

Phỏng vấn Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Cà Mau Dương Tiến Dũng, ngày 27.8.2015 (ảnh: Nguyễn Bằng)

Phỏng vấn Anh hùng Lao động Petrolimex Nguyễn Thị Ngọc Thu - nguyên Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Petrolimex Tiền Giang, ngày 30.8.2015 (ảnh: Nguyễn Bằng)

Phỏng vấn Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xăng dầu Tây Nam Bộ Võ Thái Sơn, ngày 29.8.2015 (ảnh: Nguyễn Bằng)

Phỏng vấn anh Huỳnh Dũng Nhân - Cửa hàng trưởng CHXD số 18 Petrolimex Cà Mau, ngày 26.8.2018 (ảnh Nguyễn Bằng)

Đoàn làm phim Petrolimex ký sự - Gia đình thứ hai của MC Cẩm Tú tại cột Mốc tọa độ GPS số 0 - Đất Mũi Cà Mau, ngày 26.8.2015 (ảnh và chú thích ảnh: Nguyễn Bằng)

MC Cẩm Tú của Petrolimex ký sự tại miền Tây Nam Bộ (ảnh: Minh Diệu & Nguyễn Bằng)

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội