Chủ tịch Petrolimex Sài Gòn với khát vọng 4.0

Thúy Hà

09:38 SA @ Thứ Hai - 22 Tháng Mười, 2018

4.0 là gì, hình hài của nó ra sao, nó chung chung hay là một cái gì đó cụ thể? Tạp chí Công Thương xin được tiếp tục giới thiệu cùng Quý vị bạn đọc thông qua câu chuyện ATG từ 01/10/2018 tại Tổng kho Xăng dầu (TKXD) Nhà Bè - Công ty Xăng dầu Khu vực II (Petrolimex Sài Gòn).

ATG bước đi lịch sử

Xăng dầu là mặt hàng lỏng. Ở đó, đòi hỏi sự quản lý toàn diện & nghiêm ngặt về an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và đặc biệt là số lượng & chất lượng.

Bên cạnh các quy định về pháp luật, của các cơ quan quản lý nhà nước; bản thân các doanh nghiệp còn có các nội quy, quy chế, quy định, quy trình với mức độ chi tiết & nghiêm ngặt hơn thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.


Hội nghị giao nhận xăng dầu 2018 Petrolimex Sài Gòn tổ chức tại TKXD Nhà Bè lịch sử

ATG là chương trình đo bồn tự động. Khi chưa áp dụng ATG thì hàng ngày công nhân xăng dầu phải trèo lên từng cái bể trụ đứng, đem theo thước dây thả vào trong bồn để đo và ghi chép chiều cao xăng dầu thực có trong mỗi bể. Tiếp đó, tra ba-rem từng bể để xác định lượng xăng dầu là bao nhiêu m3/tấn (FO).

Quy trình đo bể này cũng áp dụng sau mỗi ca xuất bộ (xuất cho ô tô xi téc/xe bồn) và mỗi lần xuất/nhập bằng đường thủy (khi xuất cho xà lan/tàu dầu nhỏ và khi nhập từ các tàu dầu lớn).

Quy trình truyền thống vừa tăng chi phí nhân công lao động, vừa vất vả & vừa mất thời gian, kéo dài thời gian chờ đợi của khách hàng.

ATG sẽ thay thế toàn bộ các tác nghiệp thủ công đó. Giờ đây, ngồi ngay tại Trung tâm điều hành Tổng kho - cán bộ nghiệp vụ đã biết được chính xác với độ tin cậy cao về các thông số liên quan của mỗi bể, mỗi mặt hàng, mỗi nghiệp vụ xuất nhập hàng hóa.


Phòng điều hành Trung tâm TKXD Nhà Bè - Petrolimex Sài Gòn

Vậy nên, có thể nói ATG là 4.0 bởi nó tự động đo chiều cao, tra ba-rem, tính toán khối lượng xăng dầu, lưu trữ thông tin và kết xuất ra các số liệu làm chứng từ pháp lý cho giao nhận xăng dầu cũng như kiểm kê báo cáo tồn kho cuối ca, cuối ngày, định kỳ & đột xuất; kết nối với ERP - phần mềm quản trị nguồn lực doanh nghiệp.

Chi phí nhân công giảm thì năng suất lao động tăng, thời gian tác nghiệp nhanh thì đem lại thuận tiện cho khách hàng nhận & trả xăng dầu tại Tổng kho, vòng quay qua kho tăng thì hệ số & hiệu quả khai thác kho bể tăng. Và, điều quan trọng hơn là giảm các yếu tố tác động không mong muốn nhưng có thể xảy ra từ nhân tố con người.

Vậy nên, ATG đúng là một bước đi lịch sử của Petrolimex Sài Gòn, của TKXD Nhà Bè lịch sử.

ATG mới là khởi đầu

Để ATG chính thức được áp dụng, có rất nhiều việc phải làm. Nguồn vốn đầu tư trang thiết bị, khoa học công nghệ, công nghệ phần mềm và kết nối là một chuyện.

Tất cả các trang thiết bị và công nghệ cần phải được vận hành thử nghiệm kiểm tra, đánh giá nhiều lần trên thực tiễn. Nghĩa là, tiến hành đồng thời bằng phương pháp thủ công và ATG để đối chiếu, đánh giá.

Tiếp đó là thực hiện các thủ tục pháp lý để thừa nhận vận hành và thay thế phương pháp thủ công, ban hành các quy trình quy phạm mang tính pháp lý để vận hành.

Khi ATG đã hội tụ đủ điều kiện cần & đủ để áp dụng từ 01.10.2018; Ban lãnh đạo Petrolimex Sài Gòn lại chuẩn bị bắt tay vào nhiều công việc khác.

Ví như, khâu xuất thủy hiện nay các van vẫn mở thủ công bằng tay thì tới đây sẽ được thay thế bằng hệ thống van điều khiển từ xa và điều hành tập trung.

Với đề án phát triển TKXD Nhà Bè tầm nhìn 2030; Ban lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) & Petrolimex Sài Gòn hướng tới hoàn thiện TKXD Nhà Bè ở tầm hiện đại nhất trên thế giới xét về khoa học & công nghệ.

Trước mắt, Petrolimex Sài Gòn đặt ra mục tiêu nhập - xuất 7 triệu m3/tấn xăng dầu trong năm 2020, áp dụng công nghệ định danh điện tử & giảm thời gian lưu tàu thêm 20% ngay trong năm 2019 (6T2018 xuất - nhập đạt 3,1 triệu m3/tấn, thời gian lưu tàu giảm 15% so với 2017, hao hụt thực tế thấp hơn định mức được giao trong KH).

Khát vọng của ông Chủ tịch

Chia sẻ với chúng tôi và các đại biểu đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, khách hàng, lãnh đạo & các phòng chức năng Petrolimex; ông Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch Công ty say sưa với 4.0 nói lên khát vọng của CBCNV-NLĐ Petrolimex Sài Gòn.

Trong kỷ nguyên khoa học công nghệ phát triển như vũ bão - chúng ta nói đi đôi với làm; mà đã làm thì làm quyết liệt, làm “đến nơi đến chốn” để tạo ra những đột phá, thay đổi về chất - Ông Cảnh nói.

Thứ nhất, như vậy nó nâng cao hiệu quả dòng vốn đầu tư. Thứ hai, nó nâng cao năng suất lao động & hiệu quả kinh doanh (giảm chi phí về nhân công & về hao hụt). Thứ ba, bảo đảm an toàn, chính xác, công khai minh bạch trong giao dịch thương mại với khách hàng cũng như trong quản trị doanh nghiệp.

Tất cả sẽ tiến tới tự động hóa toàn bộ các tác nghiệp tại Tổng kho, tất cả đều được điều hành từ Phòng điều hành trung tâm của Tổng kho - ông Cảnh nói.

Ông cũng cho biết: Thẳng thắn mà nói, TKXD Nhà Bè hiện nay chưa đạt 4.0. Để ở mức 4.0 còn rất nhiều việc phải làm và làm theo lộ trình, có bài bản, bám sát xu hướng phát triển của khoa học công nghệ & tự động hóa về kho bể xăng dầu. Chúng tôi đã có đề án tổng thể và các bộ phận sẽ lên kế hoạch cụ thể, triển khai quyết liệt.

TKXD Nhà Bè là lịch sử và chúng tôi vinh dự tự hào với truyền thống cách mạng của Tổng kho bằng quyết tâm bắt nhịp cùng thời đại để sánh vai với các kho xăng dầu hiện đại nhất trên thế giới. Chúng tôi cam kết đem lại sự chính xác, minh bạch, thuận tiện và văn minh thương mại cho tất cả khách hàng; môi trường làm việc chuyên nghiệp, khoa học và xứng tầm thương hiệu nổi tiếng Petrolimex ” - Chủ tịch Petrolimex Sài Gòn chia sẻ.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội