Các doanh nghiệp của Ủy ban phải tiếp tục là đầu tàu kinh tế
Đó là khẳng định của Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) Nguyễn Hoàng Anh trong Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 diễn ra sáng 12/7.
Tham dự hội nghị có sự hiện diện của ông Y Thanh Hà Niê Kdăm - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng - Bí Thư Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh, các Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Phú Hà, Hồ Sỹ Hùng, lãnh đạo các Vụ chức năng, Trung tâm Thông tin, Văn phòng, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc cùng toàn thể cán bộ, viên chức của Ủy ban.
Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cho biết, ngay sau khi tiếp nhận 19 tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban đã làm việc với từng tập đoàn, tổng công ty về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh
Qua đó, Ủy ban đã sát sao đồng hành cùng doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả kinh tế, bảo toàn và phát triển nguồn vốn và nguồn lực nhà nước giao. Kết quả sau 6 tháng đầu năm 2019, 80% tập đoàn, tổng công ty kinh doanh có lãi, hoàn thành ở mức trên 50% kế hoạch năm.
“Ngay từ những ngày đầu thành lập, Ủy ban xác định vai trò không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ giám sát, kiểm soát và thực hiện quyền chủ sở hữu vốn nhà nước mà có trách nhiệm làm cầu nối giữa doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan lập pháp, soạn thảo ban hành các chính sách, chiến lược phát triển; tạo môi trường kinh doanh minh bạch, sáng tạo và hiệu quả để sử dụng tốt nhất các nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng thể, vai trò của doanh nghiệp nhà nước là những đầu tàu kinh tế góp phần điều tiết và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực trong từng giai đoạn một cách hợp lý, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển doanh nghiệp nói riêng” - Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh khẳng định.
Theo Chủ tịch, Ủy ban đã xác định năm 2019 là năm tổng kết đánh giá và chuẩn bị nội dung xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới để trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các doanh nghiệp của Ủy ban phải tiếp tục là các đầu tàu kinh tế đóng góp vào việc hoàn thành các mục tiêu Chiến lược và Kế hoạch phát triển của cả nước.
“Với phương châm hành động "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá" được Chính phủ xác định tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019, Ủy ban và các tập đoàn,tổng công ty cùng cam kết nỗ lực ở mức cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao” - người đứng đầu Ủy ban nhấn mạnh.
Áp dụng cơ chế quản lý hiện đại
Báo cáo sơ kết tình hình nhiệm vụ của Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, Ủy ban tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức, cán bộ; hoàn thành quy chế, quy định quản lý nội bộ; bảo đảm công tác hành chính, quản trị và thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thuộc Chính phủ theo quy định tại Nghị định 131/2018/NĐ-CP.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng
Theo Phó Chủ tịch, nhiệm vụ kiện toàn cơ cấu tổ chức cơ bản đã hoàn thành. Theo đó, Ủy ban đã hình thành đầy đủ cơ cấu tổ chức theo quy định, với 9 đơn vị trực thuộc. Ủy ban đã ban hành các Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng đơn vị. Bên cạnh đó, Ủy ban đã ban hành 31 quy chế, quy định quản lý nội bộ.
Về công tác hành chính, quản trị và ứng dụng công nghệ thông tin, Ủy ban đã thực hiện đồng bộ với việc triển khai trục liên thông văn bản điện tử của Chính phủ, phần mềm bộ chỉ số, hệ thống internet, Cổng thông tin điện tử. Trong đó, phần mềm bộ chỉ số đã triển khai và vận hành ổn định từ tháng 4/2019, thực hiện kết nối với 19 tập đoàn, tổng công ty để cập nhật thông tin, dữ liệu giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Nền tảng công nghệ này sẽ là một trong những công cụ quan trọng để Ủy ban hiện đại hóa quản lý nhằm tăng cường tính minh bạch, kịp thời theo xu thế của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Về công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, Ủy ban đã phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tập trung xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác này. Theo đánh giá, công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đã được thực hiện theo đúng quy định pháp luận, công khai minh bạch; tuy nhiên, tiến độ còn chậm so với kế hoạch.
Về kết quả thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng đã công bố những số liệu khả quan. Theo đó, sau 6 tháng đầu năm, có 16/19 doanh nghiệp có lãi; có 5/19 doanh nghiệp đạt hoặc vượt 50% mức kế hoạch năm về doanh thu; có 7/19 doanh nghiệp đạt hoặc vượt 50% mức kế hoạch năm về lợi nhuận trước thuế; và có 4/19 doanh nghiệp đạt hoặc vượt 50% mức kế hoạch năm về nộp ngân sách nhà nước.
Trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2019, 6 tháng cuối năm 2019 và thời gian tới, Phó Chủ tịch đã chỉ ra 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm liên quan tới công tác kiện toàn bộ máy tổ chức và cán bộ; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và các tập đoàn, tổng công ty trong quản trị doanh nghiệp, giám sát vốn đầu tư nhà nước, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai tài chính, công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và niêm yết trên thị trường chứng khoán...
Con người là nhân tố quyết định
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Cảnh Toàn - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đã trình bày tham luận về nội dung công tác tổ chức cán bộ tại Ủy ban.
Ông Nguyễn Cảnh Toàn - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Theo Vụ trưởng Nguyễn Cảnh Toàn, về cơ bản, công tác cán bộ, tiền lương, thi đua, khen thưởng, công tác Đảng đã được triển khai thực hiện kịp thời, đảm bảo yêu cầu. Với phương châm “con người là nhân tố quyết định”, Ủy ban xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ công chức và nâng cao năng lực đội ngũ người quản lý doanh nghiệp, đại diện vốn nhà nước để có đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế giỏi, đây là yếu tố then chốt để thực hiện tốt nhiệm vụ quản trị dòng vốn nhà nước. Ủy ban đã triển khai việc tuyển dụng trên nguyên tắc thận trọng, nhân sự tuyển dụng đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện, phù hợp vị trí việc làm đã xây dựng.
Để giải quyết các tồn tại, vướng mắc tại các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Ủy ban đã thành lập Tổ tái cơ cấu thưc đẩy, sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả do các bộ ngành chuyển giao về Uỷ ban. Ủy ban đã bổ sung nhân sự từ các tập đoàn, tổng công ty tham gia Tổ công tác, nhưng chỉ với cơ chế kiêm nhiệm nên gặp nhiều khó khăn; nguồn nhân sự kế cận tại các doanh nghiệp còn hạn chế, công tác đánh giá nhân sự khi bổ nhiệm còn khó khan. Dó đó, thời gian tới, Ủy ban sẽ có chủ trương đối với bộ phận đại diện vốn nhà nước theo quy định của pháp luật về luân chuyển, điều động, bổ nhiệm lại các chức danh Ban Tổng giám đốc, Kế toán trưởng công ty mẹ, Chủ tịch, Tổng giám đốc/giám đốc, người đại diện vốn tại các doanh nghiệp thành viên có quy mô lớn.
Cầu nối để doanh nghiệp tham gia xây dựng luật
Tại Hội nghị, lãnh đạo của các tập đoàn, tổng công ty cũng đã có những tham luận, ý kiến đóng góp và kiến nghị lên Ủy ban. Ý kiến của đai diện các doanh nghiệp đều cho rằng, công tác quản trị của Ủy ban bước đầu đã cho thấy sự hiệu quả, giải quyết nhanh gọn những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, tạo đà cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, những cách thức quản lý mới, cụ thể là công cụ phần mềm bộ chỉ số của Ủy ban là giải pháp tiên phong, mang lại hiệu quả tích cực trong công tác quản trị doanh nghiệp.
Ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)
Ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)
Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty đồng tình về quan điểm cần có sự đổi mới trong tư duy quản trị doanh nghiệp. Bởi trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đặc thù như ở Việt Nam, các doanh nghiệp nhà nước vẫn phải đối mặt với những biến động không ngừng và nguy cơ rủi ro trong quá trình kinh doanh. Ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã đưa ra dẫn chứng tại VNPT, khi duy trì sự tự chủ và “tạm ứng niềm tin” cho các doanh nghiệp con mới có thể giúp VNPT đủ sức cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường.
Ông Dương Trí Thành - Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)
Ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG)
Theo ông Dương Trí Thành - Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines):"Nguyên tắc minh bạch thông tin trong công tác quản trị doanh nghiệp, công khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh hay quy hoạch cán bộ… cũng là chìa khóa cho thành công bền vững tại các doanh nghiệp".
Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
Tham gia điều hành Hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Phú Hà chia sẻ, Ủy ban mong muốn được lắng nghe đề xuất, kiến nghị của đại diện các tập đoàn, tổng công ty. Thời gian qua, các lãnh đạo Ủy ban cũng như các Vụ chức năng đã rất nỗ lực triển khai các công việc của doanh nghiệp một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, có những việc cần thực hiện theo quy định của pháp luật, đặc biệt về phân cấp, phân quyền. Với những vướng mắc về quy định pháp luật, Ủy ban đang tiếp tục tập hợp các đề xuất của doanh nghiệp để kiến nghị Quốc hội.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Thị Phú Hà
Ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)
Lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty cũng chia sẻ quan điểm cho rằng, với mục tiêu bảo toàn vốn đầu tư nhà nước cần phải có cái nhìn tổng thể và dài hạn, từ đó tạo ra sự yên tâm cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Ông Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cùng chung quan điểm khi đưa ra kiến nghị cơ chế quản trị của Ủy ban nên dựa trên đặc thù của từng lĩnh vực và từng doanh nghiệp cụ thể.
Ông Đặng Thanh Hải - Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV)
Ông Phan Xuân Quế - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1)
Ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)
Lãnh đạo các doanh nghiệp cũng đồng tình về quan điểm kiến nghị Ủy ban về công tác phân cấp ủy quyền, sớm ban hành quy chế cụ thể để các tập đoàn, tổng công ty có căn cứ để triển khai. Từ đó tạo ra động lực, sự linh hoạt, tính năng động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh hoan nghênh các ý kiến đóng góp của lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty. Theo Chủ tịch, các ý kiến sẽ được tiếp thu nghiêm túc, bổ sung vào báo cáo sơ kết và bổ sung chi tiết trong báo cáo trình Thường trực Chính phủ.“Ủy ban sẽ là cầu nối để 19 tập đoàn, tổng công ty nói lên tiếng nói đóng góp xây dựng các dự thảo luật liên quan tới doanh nghiệp” - Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh khẳng định và cho biết, vì thời gian thành lập chưa lâu, khối lượng công việc lớn, Ủy ban gặp những khó khăn không nhỏ trong xử lý công việc tại Ủy ban cũng như những vấn đề tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, với sự phối hợp nhịp nhàng giữa Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty trong thời gian qua, Chủ tịch tin tưởng, Ủy ban sẽ sớm hoàn thiện quy chế nội bộ và trình Chính phủ.
Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh yêu cầu 19 tập đoàn, tổng công ty trong thời gian tới tập trung hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đã đề ra, qua đó bảo toàn và gia tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Chủ tịch cũng chỉ đạo các doanh nghiệp liên quan cần xử lý dứt điểm các dự án kém hiệu quả, đảm bảo tiến độ của công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Chủ tịch cũng gợi ý các doanh nghiệp cần nhanh chóng hoàn thiện áp dụng cơ chế quản lý hiện đại, từ đó nâng cao tính hiệu quả, minh bạch và giảm thiểu rủi ro trong công tác quản trị doanh nghiệp.