Xăng dầu lan tỏa nơi đất Mũi
Mũi Cà Mau - mảnh đất cực Nam Tổ quốc, sông nước mênh mông, rạch, ngòi chằng chịt. Nơi đây, người dân vừa dùng xuồng, ghe làm nơi trú ngụ, vừa buôn bán, kinh doanh. Từ nhu cầu thiết thực của đời sống, hàng chục cửa hàng xăng dầu của Công ty Xăng dầu Cà Mau (Petrolimex Cà Mau) đã hình thành, gắn liền với sông nước, mang “hơi ấm” đến cho mọi nhà.
CôngThương -Khẳng định vị thế cực Nam Tổ quốc
Do đặc điểm vùng đất Mũi, ba bề bốn bên giáp biển, sông nước mênh mông, người Cà Mau bao đời nay dùng xuồng, ghe làm nơi trú ngụ, vừa là nhà ở, phương tiện tránh lũ và kiếm sống. Và khi phương tiện đường thủy chạy máy được sử dụng nhiều thì nhu cầu xăng dầu rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu, các cửa hàng xăng dầu có mặt ở khắp mọi nơi trên các triền sông ở Cà Mau, vươn tới những nhánh kênh rạch xa nhất, để mọi người dân đều có thể tiếp cận được.
Trong số các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, với bề dày lịch sử của mình, Petrolimex Cà Mau là thương hiệu được nhiều người dân đất Mũi tin dùng. Ông Châu Phước Liêm - Phó giám đốc Petrolimex Cà Mau - nhớ lại: Trước năm 2000, do đường bộ không có nên hầu hết các cửa hàng xăng dầu “ngụ” trên sông. Đến nay, đường bộ dần được hình thành nhưng lượng cây xăng trên sông vẫn chiếm đa số.
Đơn cử như tại công ty, với 45 cửa hàng kinh doanh xăng dầu thì 38 cửa hàng (chiếm 85%) phục vụ nhu cầu vận tải thủy. Sản lượng xăng dầu tiêu thụ qua các cửa hàng trên sông chiếm khoảng 80%. Công ty có kho trung chuyển xăng dầu với sức chứa 3.400 m3, luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Hàng năm, công ty thuộc top đầu nộp ngân sách nhà nước tại tỉnh với hàng chục tỷ đồng.
Trong chiến lược kinh doanh, không giống như các doanh nghiệp khác, Petrolimex Cà Mau thực hiện chính sách bán hàng không phát triển nóng, tăng nhanh sản lượng hay cạnh tranh qua việc tăng thù lao, tăng định mức nợ, mà chỉ áp dụng mức thù lao phổ biến trên thị trường có chọn lọc từng vừng thị trường, từng khách hàng theo thời điểm, trạng thái kinh doanh. Điều này khiến uy tín của doanh nghiệp ngày một tăng trong điều kiện ngày càng nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu “xâm nhập” đất Mũi.
Petrolimex Cà Mau tiếp tục định vị lại thị phần và xác lập thị phần tối ưu đồng thời thực hiện tốt Nghị định 104/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong kinh doanh xăng dầu cũng như các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương, tập đoàn; chấm dứt hợp đồng đại lý và thu hồi thương hiệu với 8/56 đại lý do không đảm bảo các yêu cầu theo quy định và đòi hỏi các ưu đãi bất hợp lý về thù lao, công nợ.
Với phương châm “Kinh doanh phải an toàn, an toàn để phát triển kinh doanh”, Ban giám đốc công ty luôn coi trọng và quan tâm chỉ đạo sâu sát công tác an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Hiện nay, Petrolimex Cà Mau có 1 đội PCCC chuyên trách gồm 14 thành viên. Lực lượng này thường xuyên được tham gia tập luyện các thao tác chữa cháy để kịp thời ứng phó khi có tình huống cháy, nổ xảy ra.
Thương hiệu Petrolimex đã “ăn sâu” vào tiềm thức người tiêu dùng vùng sông nước Cà Mau. Từ lâu, mỗi CBCNV tại cửa hàng xăng dầu là những người “giữ lửa”, làm ấm lòng khách hàng mỗi khi ghé qua.
Biểu tượng chữ P lan tỏa
Ấn tượng nhất đối với chúng tôi trong chuyến công tác Cà Mau là việc kinh doanh xăng dầu từ bến Năm Căn (huyện Năm Căn) đến mũi Cà Mau. Tuyến đường bộ chỉ dừng đến Năm Căn, muốn tới Đất Mũi phải đi thêm 60 kilômet đường sông. Đây là tuyến đường sông thể hiện rõ nhất hoạt động kinh doanh xăng dầu nơi đây.
Chiếc canô khởi hành từ bến tàu ở Năm Căn lướt nhanh trên sông Cái Lớn lao vào vùng nước mênh mông. Dù đã chứng kiến nhiều con sông lớn nhưng có lẽ ít dòng sông nào rộng và có sóng lớn như sông Cái Lớn, vì khu vực này gần cửa biển, có đoạn rộng vài kilômet. Trước mặt, màu xanh rừng đước nối tiếp nhau, nhà nối tiếp nhà. Hàng quán hai bên sông cũng san sát không khác gì trên đất liền: cửa hàng điện thoại di động, shop thời trang, quán nhậu, vựa cá, trại thu mua tôm… Nhà nào cũng như nhà nào đều có cửa chính quay mặt ra sông, giống như nhà trên phố quay mặt ra đường cái.
Nổi bật trên sông là màu đặc trưng biển hiệu chữ P cửa hàng xăng dầu thuộc Petrolimex Cà Mau. Những cửa hàng trên sông với nhãn hiệu chữ P được ví như những giọt xăng dầu rực rỡ, lan tỏa khắp một vùng sông nước Cà Mau. Mỗi CBCNV nơi đây là người giữ dòng xăng dầu Petrolimex lan tỏa đến tận Đất Mũi.
Từ 5 - 6 giờ sáng, xuồng, ghe, vỏ lãi.. đã chạy vè vè trên sông, mua bán, trao đổi hàng hóa. Kể từ lúc này, các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex Cà Mau bắt đầu nhộn nhịp. Người ít mua chục lít xăng dầu đổ vỏ lãi chạy, người nhiều mua hàng chục lít chứa vào can trữ chạy dần hoặc đem về nhà chạy máy nổ. Anh Châu Vĩnh Em - khách hàng quen thuộc của Cửa hàng Xăng dầu số 18 trên sông Cái Lớn - tâm sự: “Tuần nào tôi cũng ghé qua đây đổ dầu. Giá thì nhà nước quy định rồi, được cái mua ở đây tui yên tâm về chất lượng, số lượng. Mua trôi nổi thì giá rẻ nhưng sợ dầu pha nước lắm”.
Cũng tại cửa hàng này, anh Huỳnh Dũng Nhân - Cửa hàng trưởng - cho rằng, kinh doanh xăng dầu trên sông nước “sướng” hơn trên đường bộ do các phương tiện đường thủy luôn mua nhiều hơn, không nhỏ lẻ như khách trên bộ. Xăng dầu bán nhiều nhất vào khoảng 6h sáng và 12h trưa. Sáng là thời điểm mà thuyền, ghe đi mua hải sản, buổi trưa là những chiếc ghe thuyền này trở về nhà.
Trao đổi với chúng tôi, anh Huỳnh Thọ - Cửa hàng trưởng Cửa hàng Xăng dầu số 29, ấp Cái Nai, điểm khởi đầu đi đất Mũi - cho biết, với đặc thù kinh doanh xăng dầu trên sông nước có nhiều điểm khác với kinh doanh trên đường bộ. Trước hết, dây dẫn xăng dầu thường dài hơn bình thường (khoảng 5 - 10m) để “vươn” tới từng chiếc ghe.
Được biết, dù thời gian bán hàng chỉ đến 18 giờ nhưng ngoài giờ, có khách, các cửa hàng xăng dầu Petrolimex Cà Mau trên tuyến đường sông này vẫn bán hàng cho khách. “Xuồng, ghe gặp sóng lớn mà hết xăng dầu thì sẽ… trôi ra cửa biển!”, anh Huỳnh Thọ cho hay.
Mặt sông cũng giống như mặt đường trên bộ - kinh doanh bất kể mặt hàng gì, kể cả xăng dầu cũng cần có địa điểm đẹp. Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, ngoài những thủ tục như cửa hàng xăng dầu trên đất liền, Petrolimex Cà Mau cũng phải kỳ công trong việc xây dựng hạ tầng, đảm bảo an toàn phòng cháy. Mỗi cửa hàng xăng dầu trên sông còn nhiệm vụ như một cảng nhỏ để có thể tiếp nhận xăng dầu vào kho chứa. Mực nước, cầu, điểm neo thuyền chở xăng dầu trọng tải lớn được tính toán kỹ trước khi xây dựng nhằm đảm bảo an toàn nhất cho người dân và môi trường
Do khả năng ô nhiễm môi trường lớn, vốn đầu tư cao và cực kỳ nguy hiểm khi xảy ra sự cố của loại hình cửa hàng nổi trên sông. Trước thực tế trên, tại các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex Cà Mau, mỗi CBCNV là “chiến sĩ” trên mặt trận sản xuất kinh doanh nhưng đồng thời cũng là chiến sĩ chống giặc lửa. Cửa hàng phải có phao quây để phòng chống sự cố tràn xăng dầu…nhằm đảm bảo an toàn giao thông, chống cháy nổ và ô nhiễm môi trường. Theo anh Huỳnh Dũng Nhân: “Việc nhập xăng dầu, bán xăng dầu chỉ một sơ sảy thôi, mức độ ô nhiễm theo dòng nước sẽ để lại hậu quả khôn lường. Do đó, các anh em cửa hàng xăng dầu đêu luôn sẵn sàng mức cao nhất, đảm bảo việc nhập hàng được diễn ra an toàn”.
Ngoài ra, để giữ cho dòng xăng dầu Petrolimex lan tỏa, công ty đã áp dụng chế độ đặc biệt đối với CBCNV tại cửa hàng xăng dầu trên sông. Ông Châu Phước Liêm “bật mí”: Công ty tạo điều kiện cho vợ con của nhân viên ở cùng cửa hàng xăng dầu. Điều này khiến cho mỗi CBCNV họ yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý trong công việc.