Luôn thực tiễn với khát vọng lớn lao
Tạp chí Công Thương xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc gương mặt doanh nhân Nguyễn Văn Đức - Tổng giám đốc Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC).
Ông Nguyễn Văn Đức - Tổng giám đốc Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC)
Ông là người hơn 30 năm nay gắn bó với doanh nghiệp: Đã từng làm việc tại Xưởng Tái chế dầu mỡ nhờn nay là Tổng giám đốc một ngành hàng lớn mạnh của Petrolimex. Tác phong ông: Bình dị, tự tin, trò chuyện với ông cũng thật thú vị. Ông là con người sâu sát trong công việc, sâu sắc trong cuộc sống; con người của trách nhiệm nhiệt huyết đến đam mê.
Tạp chí Công Thương xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc gương mặt doanh nhân Nguyễn Văn Đức - Tổng giám đốc Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC).
Khởi nghiệp từ phòng Vilas
- PV: Thưa ông, trước hết, trân trọng cảm ơn ông đã nhận lời trả lời phỏng vấn Tạp chí Công Thương về đề tài gương mặt doanh nhân. Xin ông vui lòng cho biết: Ông khởi nghiệp ở đâu, làm ở PLC từ bao giờ?
Ông Nguyễn Văn Đức: Cảm ơn chị và Tạp chí Công Thương. Tôi khởi nghiệp ở Petrolimex tháng 10/1983.
Ngày làm việc đầu tiên của tôi là ở Phòng Thử nghiệm hay còn gọi là Phòng Vilas (PV: Phòng Vilas chuyên phân tích về chất lượng xăng dầu, các sản phẩm hóa dầu) thuộc Phòng Kỹ thuật Công ty Xăng dầu Khu vực I (Petrolimex Hà Nội).
Chị biết đấy, Phòng Vilas có vị trí quan trọng, không thể thiếu trong hoạt động sản xuất - kinh doanh (SX-KD) xăng dầu nói chung, dầu mỡ nhờn nói riêng.
Vậy nên, có thể nói: Sự nghiệp của tôi bắt đầu từ Phòng Vilas và tôi đã gắn bó với Petrolimex, với PLC liên tục từ tháng 10/1983 đến nay.
Luân chuyển liên tục, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành
- PV: Xin ông vui lòng kể về chặng đường từ một anh kỹ sư khởi nghiệp ở Phòng Vilas Petrolimex Hà Nội cho đến khi trở thành vị Tổng giám đốc PLC. Chắc hẳn đó là một hành trình với nhiều điều mà ông tâm huyết?
Ông Nguyễn Văn Đức: Vâng, thưa chị. Làm ở Phòng Vilas mấy tháng thì tôi được lãnh đạo Petrolimex Hà Nội điều động về Phòng Kỹ thuật, năm 1987 thì được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng Kỹ thuật (phụ trách về chất lượng).
Lúc bấy giờ, Petrolimex Hà Nội có một xưởng rất nhỏ gọi là “Xưởng tái chế dầu mỡ nhờn”.
Ngày xưa, dầu mỡ nhờn cũng như xăng dầu sáng đều do Liên Xô (cũ) giao theo Hiệp định và Nghị định thư Chính phủ.
Xăng dầu quý như máu. Dầu mỡ nhờn cũng vậy.
Chúng ta vừa phải sử dụng ngay cho các nhu cầu thiết yếu, vừa phải bảo quản dự trữ cho các nhu cầu lâu dài; đặc biệt, là cho an ninh quốc phòng.
Khí hậu Việt Nam mình thì khắc nghiệt đối với xăng dầu và dầu mỡ nhờn, nhất là độ ẩm lớn. Vậy nên, dù được bảo quản đúng cách nhưng nhiều lô dự trữ lâu ngày bị xuống cấp về chất lượng. Nếu cứ thế sử dụng thì rất nguy hiểm bởi nó sẽ phá hỏng máy móc, thiết bị - lúc bấy giờ cũng rất quý.
Nhiệm vụ của Xưởng là tái chế số dầu mỡ nhờn bị xuống cấp đó.
Xưởng được áp dụng cơ chế “khoán sản phẩm”. Nhân tiện, tôi cũng nói luôn: Đây là mô hình “khoán” đầu tiên của Petrolimex Hà Nội.
Thế rồi, do những biến động của lịch sử, năm 1989 Liên Xô ngừng cung cấp xăng dầu và dầu mỡ nhờn, Xưởng được giao thêm nhiệm vụ tái chế các loại dầu thải (PV: Dầu đã qua sử dụng).
Tiếp đó, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (nay là “Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam” - Petrolimex) giao nhiệm vụ cho Petrolimex Hà Nội: “Phải tự sản xuất bằng được các loại mỡ thông dụng để phục vụ các nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế, sản lượng tối thiểu 1.000 tấn/năm”. Đó là một mệnh lệnh. Tự sản xuất dầu mỡ nhờn - đến thời điểm đó - thực sự vẫn là một ước mơ mà doanh nghiệp Việt mình chưa biến thành hiện thực được.
Năm 1989, tôi được đề bạt làm Quản đốc Xưởng trong bối cảnh như thế.
Năm 1992, Xưởng được nâng cấp lên thành Xí nghiệp, tôi được bổ nhiệm làm Quyền Giám đốc Xí nghiệp.
Năm 1993, tôi được điều động và bổ nhiệm làm Giám đốc Tổng kho Xăng dầu Đức Giang nhận bàn giao từ anh Trần Văn Thịnh (hiện nay là Tổng giám đốc Tập đoàn) được điều động vào làm Giám đốc Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè.
Tháng 10/1993, tôi được cử đi học Trường Đảng (hệ cử nhân tập trung 2 năm), tháng 7/1995 tốt nghiệp.
3 ngày sau khi nhận Bằng Cử nhân chính trị, Tôi được điều động về Công ty Dầu nhờn Petrolimex (PLC) - nay là Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex giữ chức vụ Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật, giúp việc anh Bùi Ngọc Bảo lúc bấy giờ là Giám đốc PLC (hiện nay là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn).
Từ tháng 7/1998-3/2000, anh Bảo giao nhiệm vụ cho tôi kiêm Giám đốc Chi nhánh PLC tại TP. Hồ Chí Minh, Tôi vào làm việc tại TP. Hồ Chí Minh.
Tháng 4/2000, anh Bảo được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Petrolimex, tôi được giao nhiệm vụ nhận công việc của anh Bảo, làm Giám đốc PLC.
Đấy, hành trình của tôi là như vậy. Nó gắn chặt với sự phát triển của PLC và ngành hàng dầu mỡ nhờn của Petrolimex; và dường như tôi có duyên với dầu mỡ nhờn nhiều hơn là với xăng dầu sáng.
Chị có thể thấy, tôi được Lãnh đạo các cấp luân chuyển liên tục. Giờ nhìn lại, tôi thấy nhiệm vụ nào được giao, tôi cũng chấp hành nghiêm túc và đã luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ đó một cách tốt nhất.
Tôi luôn nghĩ rằng, khi cấp trên giao cho mình nhiệm vụ gì đó; nghĩa là các anh Lãnh đạo tin tưởng, rèn luyện mình để mình trưởng thành. Chính vì vậy mà tôi luôn chấp hành và luôn nỗ lực để xứng đáng với sự tin cậy của tổ chức.
Luôn nỗ lực, nhiều may mắn
- PV: Cảm ơn ông, tôi có một tò mò muốn hỏi: Trong hành trình vừa kể có thất bại nào không, ông có thể chia sẻ được không?
Ông Nguyễn Văn Đức:Tôi cảm thấy mình luôn gặp may. Điều may mắn đầu tiên và quan trọng nhất, theo tôi, đó là được làm đúng nghề.
Tôi được làm đúng nghề tại Petrolimex & PLC liên tục từ khi còn là một anh kỹ sư “tập tễnh vào nghề” (PV: Kỹ sư Hóa dầu - Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho đến nay.
Con đường phát triển của Tôi thì gắn chặt với Petrolimex và PLC. Đây là một tiến trình của sự nỗ lực, từ thấp lên cao, từng bước vững chắc, ngày càng được giao trọng trách cao hơn.
Cái may mắn, theo tôi, còn ở chỗ: Petrolimex đào tạo cán bộ bằng cách luân chuyển đã cho tôi nhiều trải nghiệm quý báu để giờ đây tôi cùng các đồng nghiệp, đội ngũ cán bộ quản lý và đông đảo cán bộ công nhân viên - người lao động (CBCNV-NLĐ) tiếp tục phát triển vị thế của PLC trong giai đoạn mới.
Tôi rất thích câu các cụ nhà mình thường nói: “Gái có công - chồng không phụ”. Tôi nghĩ rằng, doanh nghiệp cũng vậy. Mọi sự nỗ lực đều sẽ được ghi nhận bằng cách này hay cách khác, không sớm thì muộn. Sự trung thành sẽ luôn được tưởng thưởng.
Cái gọi là “may mắn”, theo tôi, phần nhiều có nguồn gốc sâu xa từ sự “nỗ lực” và ”trung thành”.
Lấy ví dụ về 2 năm tôi ở TP. Hồ Chí Minh trực tiếp điều hành Chi nhánh PLC tại TP. Hồ Chí Minh.
Tôi thấy mình may mắn được tiếp xúc với anh chị em ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ, ….. Họ đã cho Tôi trải nghiệm quý báu về cuộc sống và con người.
Khi cùng ăn ở, cùng trò chuyện tâm tình, cùng nhau vượt khó - chúng ta sẽ hiểu nhau hơn, tin cậy nhau hơn.
Khi ai đó đã trải nghiệm với mình rồi, thừa nhận mình rồi thì họ sẽ ủng hộ mình thôi.
Ủng hộ với tư cách cá nhân con người nhưng lại là vì sự phát triển của cả một doanh nghiệp, của cả một ngành hàng lớn, của cả một “thế trận lòng dân” để PLC tiến xa hơn.
Hai năm đó thật là quý giá và hạnh phúc đối với tôi. Nó đóng vai trò rất quan trọng trong sự trưởng thành của tôi và sự thành công của PLC sau này.
Tôi thấy được trải nghiệm ở cơ sở là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Ở đó - ta sẽ thực tiễn hơn, hiểu cuộc sống hơn, hiểu con người hơn.
Thực tiễn cơ sở cho ta những điều quan trọng, cho ta chất liệu thực tế không thể thiếu để làm hành trang đời người, cho sự trưởng thành.
Chị biết đấy ở PLC có tất cả: Sản xuất và lưu thông; đầu tư và thương mại; thị trường nội địa và nước ngoài; trên đất liền và trên biển; các đối tác, bạn hàng Việt Nam và quốc tế; các vùng địa lý và các nền văn hóa.
Suy cho cùng đó là mối quan hệ giữa con người với con người thông qua hợp tác, phát triển; thông qua sản phẩm của PLC.
Khi tôi hiểu được lời ăn tiếng nói, cách sống, các mối quan hệ thì các điều đó đan quyện vào nhau thành mối quan hệ tổng hòa cho việc cùng anh em xây dựng, phát triển PLC & Petrolimex.
“Trung đoàn năm xưa nay đã thành Sư đoàn”
- PV: Thưa ông, PLC được thành lập năm 1994 nay đã trở thành một Tổng công ty vững mạnh làm tôi liên tưởng đến lời bài hát “Trung đoàn năm xưa nay đã thành Sư đoàn”. Xin ông vui lòng nói thêm về sự phát triển của PLC?
Ông Nguyễn Văn Đức: Tôi cũng thích hình ảnh này khi nói về PLC.
Đúng là từ những nguồn lực của Petrolimex, từ một cái Xưởng tái chế đơn sơ tại Hà Nội của một thời khói lửa; từ một mảnh đất chứng kiến nhiều chiến công oanh liệt của Miền Bắc trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ tại Tổng kho Xăng dầu Thượng Lý (TP. Hải Phòng) - cái nôi truyền thống Ngành Xăng dầu Việt Nam; từ các địa điểm còn nhiều ngổn ngang tại Kho Xăng dầu Nại Hiên (TP. Đà Nẵng), tại Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè (TP. HCM) và Kho Xăng dầu Trà Nóc (TP. Cần Thơ); giờ đây PLC có cả ngành hàng hóa dầu lớn mạnh: Dầu mỡ nhờn - có, Nhựa đường - có, Hoá chất - có; với các Kho, Nhà máy hiện đại; có đội ngũ CBCNV-NLĐ chuyên nghiệp cao, gắn bó với doanh nghiệp.
PLC vững vàng trên đôi chân mình, tự tin sánh vai với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới cùng lĩnh vực.
PLC đã cổ phần hóa, là công ty đại chúng, niêm yết công khai tại Sàn giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
PLC là 1 trong 30 doanh nghiệp minh bạch nhất HNX, UNESCO trao PLC danh hiệu “Doanh nghiệp văn hóa”, API (Tổ chức chứng chỉ chất lượng Hợp chủng quốc Hoa Kỳ) trao chứng chỉ về chất lượng Dầu nhờn Petrolimex,…
Được người khác thừa nhận mình, đặc biệt là các tổ chức quốc tế là điều không phải cứ muốn là có được.
Sự minh bạch cũng vậy. Minh bạch là phải đủ thông tin chính xác để nhà đầu tư gửi gắm đồng vốn của họ vào mình, góp phần làm cho mình phát triển, kinh doanh hiệu quả, sinh lời để cổ đông hưởng thành quả xứng đáng với sự lựa chọn của họ.
Có thể nói PLC luôn là người tiên phong trong việc tiếp cận khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại, phương pháp quản lý tiên tiến, hiện thực hóa các chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ.
Và, chúng tôi luôn thành công. Thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, PLC nộp thuế bình quân 1 tỷ đồng/người/năm.
Sự thành công nói trên không phải ngẫu nhiên mà có. Nó bắt đầu từ những ngày xưa ấy, nó kết tinh của nhiều sự nỗ lực, nghĩ suy và hành động của rất nhiều người. Nó bắt đầu từ cái thủa “hàn vi” đã biết nuôi ước mơ tự sản xuất được dầu mỡ nhờn thương hiệu Việt.
Cái minh bạch và quản trị doanh nghiệp tiên tiến nó bắt nguồn từ những buổi sơ khai của ISO (năm 1998), từ những ngày tiên phong cổ phần hóa (năm 2003), từ khát vọng dựng xây, trưởng thành của biết bao con người, bao thế hệ.
Quan điểm của tôi là phải có thực lực, phải có nhà máy. Mà đã có nhà máy thì nhà máy phải hiện đại, công nghệ phải tiên tiến. Đó chính là “Đi tắt đón đầu“.
Có nhà máy rồi thì phải quản trị nhà máy, quản trị công nghệ, quản trị sản phẩm, quản trị cả quá trình sản xuất và lưu thông.
Không chỉ mấy anh sản xuất mới phải ISO. Mỗi con người, từng bộ phận từ sản xuất đến quản lý, lãnh đạo đều phải ISO. Phải ISO con người. Đó chính là tính chuyên nghiệp của một đội ngũ. Tôi tự hào về đội ngũ CBCNV-NLĐ PLC.
PLC đón nhận giấy chứng nhận về hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008
Trong đầu tư, tôi luôn chú trọng đến an toàn và hiệu quả. Quan điểm của tôi là: Cái gì chưa cần mà mình làm thì gây ra lãng phí. Cái gì cần rồi mà mình chưa vươn tới thì là lạc hậu.
Cổ phần hóa cũng vậy. Công ty mẹ, công ty con cũng vậy. Chúng tôi đều tiên phong. PLC cổ phần xong là chúng tôi “Mẹ - con” ngay. Hai công ty con của PLC là Nhựa đường Petrolimex và Hóa chất Petrolimex cũng đang trên đường phát triển vững vàng.
Quản lý, điều hành sao cho sản xuất, kinh doanh, hình ảnh, con người không bị phân tán, không đánh mất đi bản sắc của riêng mình. Đó mới là điều quan trọng. Tôi tự hào PLC đã làm được điều này.
PLC “Trung đoàn năm xưa nay đã thành Sư đoàn” đúng là nhờ sự “định hướng đúng, quản trị tốt” và sự nỗ lực liên tục, không mệt mỏi của rất nhiều người.
Tự hào thương hiệu Việt và đối tác tin cậy của bạn hàng quốc tế
- PV: Vâng. PLC vừa sản xuất sản phầm mang thương hiệu Petrolimex vừa hợp tác với các doanh nghiệp khác trên thế giới trong cùng lĩnh vực. Xin ông vui lòng làm rõ việc này được không, tôi cứ nghĩ cùng một lĩnh vực thì cạnh tranh với nhau - làm sao mà PLC vui vẻ hợp tác được?
Ông Nguyễn Văn Đức:Lần trước gặp chị, tôi đã nói: Dầu nhờn Petrolimex có chất lượng sánh vai với các thương hiệu dầu nhờn hàng đầu thế giới. Hôm nay tôi khẳng định lại điều này.
Dầu nhờn Petrolimex là thương hiệu Việt.
Người tiêu dùng tin yêu Dầu nhờn Petrolimex. Dầu nhờn Petrolimex cũng xứng đáng với sự tin yêu ấy của người tiêu dùng.
Bản thân tôi là Tổng giám đốc PLC; nhưng đồng thời tôi cũng là một khách hàng tiêu dùng sản phẩm của PLC. Tôi là người Việt Nam - Tôi tiêu dùng hàng Việt Nam. Tôi rất tự tin và tự hào về điều này.
Sản lượng dầu mỡ nhờn chúng tôi bán ra luôn tăng cao. Đó là một thực tế.
Người tiêu dùng chọn dầu nhờn Petrolimex vừa vì chất lượng (cao), vừa vì giá cả (thấp hơn so với dầu ngoại cùng loại, cùng chất lượng).
Người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn Dầu nhờn Petrolimex |
Khách hàng công nghiệp cũng vậy. Họ yêu cầu chất lượng cao lắm. Họ hiểu và họ chọn sản phẩm của PLC. Nếu chất lượng không cao thì làm sao dám đổ vào những cái xe trị giá 18 tỷ đồng, vào máy móc mấy chục tỷ đồng của khách hàng?. Từ bao nhiêu năm đến nay họ vẫn lựa chọn PLC làm nhà cung cấp dầu mỡ nhờn. Đó là một thực tế.
Hai nhà máy của chúng tôi tại Thượng Lý và Nhà Bè chạy hết công suất 3 ca 4 kíp mới kịp để giao hàng đúng hạn. Chúng tôi đang mở rộng quy mô của nhà máy để nâng công suất lên gấp đôi công suất hiện nay. Tất cả đang được gấp rút thi công để bảo đảm tiến độ, hiệu quả đầu tư.
Dầu nhờn Petrolimex không chỉ tiêu thụ tại Việt Nam. Chúng tôi còn đem thương hiệu này ra nước ngoài. Bạn hàng của PLC tại Lào, Campuchia, Hồng Kông, Đài Loan…. đang đón chào sản phẩm của chúng tôi. 18% doanh thu của chúng tôi là từ xuất khẩu. PLC nhập dầu gốc và phụ gia bằng ngoại tệ mạnh, xuất khẩu đi để thu lại ngoại tệ mạnh. Thế là tự cân đối được phần nào cho chu kỳ sản xuất tiếp theo, giảm bớt được lo lắng về sự biến động của tỷ giá, về việc mua hay vay ngoại tệ.
Sự tự tin của PLC là dựa trên thực lực của PLC và nhờ có thế trận lòng dân mà Petrolimex gây dựng được.
PLC làm việc với Lubrizol
Nói về sự hợp tác, tôi rất thích câu dân gian ta thường nói: “Được mùa chớ phụ ngô khoai”. Dù có sản phẩm riêng mạnh như vậy nhưng PLC vẫngia công (pha chế thuê)dầu nhờn cho các thương hiệu nước ngoài: dầu nhờn Honda, dầu nhờn Yamaha, dầu nhờn Suzuki,….
Về bản chất là chúng tôi ký hợp đồng gia công, pha chế thuê cho các đối tác nước ngoài bên cạnh việc tự sản xuất sản phẩm của chính mình.
“Pha chế thuê” cho chúng tôi thực tế sản phẩm để so sánh, đánh giá, tạo ra sản phẩm như vậy. “Pha chế thuê” còn cho biết các thông tin về xu hướng phát triển của sản phẩm.
“Pha chế thuê” đã cho chúng tôi thực tiễn để nói rằng mình đang sánh vai cùng các hãng hàng đầu thế giới mà không hề thua kém.
Nhưng để được “Pha chế thuê” cũng không dễ. Mình phải có sự tin cậy, phải có đẳng cấp thì họ mới chọn mình, mới thuê mình.
Khi đã có thương hiệu thì các đối tác mới quan hệ với mình. Mình ở đẳng cấp cao thì các đối tác đẳng cấp cao mời mình “ngồi chung chiếu”. “Buôn có bạn, bán có phường” là ở chỗ đó.
Khi có sự tự tin và chủ động thì chúng ta đứng vững, tiến nhanh, cạnh tranh thành công, hội nhập cũng thành công và đương nhiên là chúng ta không sợ cạnh tranh (PV: Một cách lành mạnh, sòng phẳng).
Trở thành doanh nghiệp hàng đầu về dầu mỡ nhờn và để tiến xa hơn
- PV: Khát vọng thủa “hàn vi” đã làm PLC trở thành một Tổng công ty lớn mạnh - “Niềm tự hào của Petrolimex”. Vậy khát vọng của Ông và PLC hiện nay là gì?
Ông Nguyễn Văn Đức: Khát vọng của PLC là rất lớn. Về sản lượng tại Việt Nam, hiện tại chúng tôi chỉ đứng sau Công ty Castrol BP Petco.
Nhưng, Castrol BP Petco không phải là doanh nghiệp thuần Việt. Đây là liên doanh mà Petrolimex có tham gia.
Mục tiêu của PLC là trở thành doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất và kinh doanh dầu mỡ nhờn tại thị trường Việt Nam.
Tôi cho rằng: 10 năm tới dầu nhờn sẽ cạnh tranh rất quyết liệt. Đã qua rồi những thuận lợi của 20 năm trước. Nhận định đúng tình hình - đó là để chủ động tiến lên.
Tôi tin vào năng lực PLC, tin vào Petrolimex. Năm 2013 chúng ta đã chứng kiến nhiều phong trào sâu rộng kiến tạo hệ thống phân phối dầu nhờn Petrolimex. Nhiều ý tưởng tốt, cách làm hay, nhiều sáng kiến, nhiều điển hình tiên tiến, nhiều thành tích đã được ghi nhận, tôn vinh.
Chúng tôi đã chủ động tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ chủ chốt các đơn vị “tai nghe, mắt thấy” quy trình sản xuất dầu nhờn Petrolimex để mọi người tự trải nghiệm sử dụng, so sánh đánh giá, chia sẻ thông tin kiến thức kinh nghiệm cho nhau.
Khi mình thấy tin, thấy yêu rồi sẽ sử dụng cho mình, cho gia đình và người thân của mình.
Sự tin yêu đó tự thân nó có sức lan tỏa đến người tiêu dùng.
Kết quả của nó là: Cả hệ thống Petrolimex luôn vui lòng đem Dầu nhờn Petrolimex đến với người tiêu dùng tại Việt Nam và ở nước ngoài & người tiêu dùng luôn vui vẻ đón nhận.
Đó chính là sự khác biệt mà không phải hãng dầu nhờn nào trên thế giới cứ muốn là có được. Đó là thế trận lòng dân của Petrolimex, của PLC. Nó được xây dựng từ “màu cờ sắc áo”, từ tinh thần “trách nhiệm - nhiệt huyết - lạc quan - tin cậy” của Petrolimex & PLC, từ lòng yêu nước của mỗi người dân Việt để đất nước mình tiến xa hơn.
“Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, thế hệ sau phải hơn thế hệ mình
- PV: Khi tiếp xúc với ông, anh em PLC và Petrolimex tôi thấy có một điểm rất giống nhau là sự vững vàng về nghiệp vụ và rất nhiệt huyết, bản lĩnh. Đây là nhân tố con người. Ông có thể “bật mí” về cách đào tạo rèn luyện đội ngũ ở PLC được không?
Ông Nguyễn Văn Đức: Khi máy móc thiết bị công nghệ, vật tư vật liệu như nhau thì điều tạo lập lên sự khác biệt là ở con người.
Ở PLC, con người có một vai trò vô cùng quan trọng. Ban lãnh đạo PLC luôn dành sự coi trọng đặc biệt đối với con người từ khâu tuyển dụng, đào tạo, giao nhiệm vụ, rèn luyện, chế độ làm việc và thù lao.
Tính chuyên nghiệp cao, gắn bó với doanh nghiệp, tận tụy với công việc - đó là đặc điểm nổi bật của CBCNV-NLĐ PLC. Khi đã đạt đến đội ngũ như vậy thì công tác quản trị doanh nghiệp đỡ vất vả hơn.
Quan điểm của tôi là một doanh nghiệp mạnh - phải có nhiều người giỏi.
Một người giỏi có thể tạo ra năng suất, chất lượng bằng 10 người, thậm chí 20 người bình thường. Các cụ nói “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa” là như vậy.
Ông Nguyễn Văn Đức chia sẻ về cách đào tạo rèn luyện đội ngũ CB-NLĐ ở PLC
Ở PLC cũng giống như ở nhiều doanh nghiệp khác, có nhiều thế hệ về độ tuổi: trẻ có, già có; mới vào nghề có, thâm niên lâu có. Đối với người có thâm niên, có kinh nghiệm, có độ tuổi - Tôi trân trọng quá trình công hiến của họ, sử dụng vào những việc phát huy kinh nghiệm của họ truyền đạt lại cho thế hệ nối tiếp. Đối với người mới vào nghề, PLC tạo điều kiện thuận lợi để họ học hỏi, cống hiến, khẳng định năng lực và giá trị của mình trong thực tiễn công việc. Điều cốt lõi là tạo lập sự hài hòa.
Học hỏi và làm việc là tinh thần chung của PLC.
Cán bộ của PLC hiện nay cấp lãnh đạo là đầu 7 (sinh trong những năm 70 của thế kỷ 20), còn cấp quản lý (lãnh đạo phòng) là đầu 8. Thế hệ sau phải hơn thế hệ mình thì doanh nghiệp mới tiếp đà phát triển được. Đó chính là di sản quý báu của người đứng đầu doanh nghiệp để lại cho đời, để lại cho thế hệ kế tiếp. Tôi nghĩ như vậy.
Tôi nghiệm ra rằng: Những con người có trí tuệ, có đạo đức; vừa giỏi vừa mẫn cán với công việc ở Petrolimex thì đều được các cán bộ lãnh đạo tin dùng. Tôi vẫn thường chia sẻ điều mình tâm đắc ấy với anh chị em PLC. Tôi yêu quý và gắn bó với Petrolimex & PLC hơn 30 năm nay cũng là ở cái nhẽ đó. Nếu cho tôi làm lại từ đầu thì tôi vẫn làm như vậy. Ở Petrolimex không có sự phức tạp, đan chéo, chòng chành.
Tôi có niềm tin sâu sắc rằng: Thế hệ sau phải hơn thế hệ mình. Tôi tin tưởng đội ngũ CBCNV-NLĐ PLC.
Nếu chị thấy có thể gọi đó là “bí mật” thì tôi đã “bật mí” rồi đấy.
Yêu nước bằng hành động thiết thực
- PV: Thưa ông, khi chúng ta đang thực hiện cuộc phỏng vấn này, ngoài kia - biển đảo Việt Nam đang dậy sóng. Tôi muốn hỏi ông một câu mang tính thời sự: PLC đã làm gì hướng về biển đảo yêu quý của Tổ quốc Việt Nam và cá nhân ông nghĩ gì?
Ông Nguyễn Văn Đức: PLC vừa trích170.000.000 đồngchuyển về tài khoản Quỹ Xã hội Petrolimex. Số tiền này hình thành từ sự đóng góp của tất cả CBCNV-NLĐ PLC mỗi người 1 ngày lương thực tế - hưởng ứng phong trào “Petrolimex với biển đảo Tổ quốc Việt Nam” do Lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cùng Công đoàn Xăng dầu Việt Nam phát động ngày 16.5.2014.
Chủ quyền biển đảo Tổ quốc là thiêng liêng, dứt khoát chúng ta phải bảo vệ, giữ gìn. Tôi tin vào quan điểm và giải pháp đấu tranh sáng suốt mà Đảng, Chính phủ đang tiến hành. Tôi tin tưởng sự bền bỉ dũng cảm của lực lượng chấp pháp Việt Nam đang làm nhiệm vụ, sự kiên trì bám biển của ngư dân. Tôi tin vào sức mạnh của Hải quân Nhân dân Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam, sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam. Chúng ta có chính nghĩa. Bên cạnh đó, chúng ta có triệu triệu trái tim nhân loại yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới ủng hộ Việt Nam.
Về phần PLC, bên cạnh việc hưởng ứng phong trào, tập thể CBCNV-NLĐ chúng tôi luôn đồng lòng nỗ lực xây dựng PLC phát triển, vững mạnh.
PLC phát triển thìnộp ngân sách ngày càng được nhiều hơn. PLC cùng các doanh nghiệp Việt vững mạnh thì đất nước mình ngày càng mạnh hơn. Chúng ta phải có thực lực.
Từ khi có chuyện Biển Đông, tôi lại càng đánh giá cao các sáng kiến của anh em trong hệ thống Petrolimex đã có nhiều hoạt động sâu rộng hỗ trợ bà con ngư dân: “Petrolimex cùng ngư dân ra khơi”, “Dầu nhờn Petrolimex cùng ngư dân ra khơi”,…. Đây không phải là khẩu hiệu. Đây là sự hỗ trợ thực tế để bà con ngư dân ta thêm sức mạnh bám biển để chăm lo cho cuộc sống gia đình mình, làm giầu cho đất nước và góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Như vậy, yêu nước thì có nhiều cách làm. Ở vị trí nào - cũng nỗ lực, cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ; tất cả là vì đất nước, vì Tổ quốc, vì sự ấm no hạnh phúc của con người, của nhân dân.
Tập thể CBCNV-NLĐ PLC luôn tự hào đứng trong đội ngũ CBCNV-NLĐ Petrolimex cùng cả nước hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc bằng những hành động thiết thực.
Một ngày làm việc của ông Tổng giám đốc
- PV: Trước khi chia tay, xin hỏi ông câu cuối cùng, bạn đọc muốn ông chia sẻ một chút riêng tư về cuộc sống, công việc hàng ngày của một Tổng giám đốc?
Ông Nguyễn Văn Đức: Một ngày làm việc bình thường của tôi: Sáng: 6 giờ dậy, 7 giờ đến trụ sở PLC. Trưa: Ăn xong không ngủ. Chiều: Làm việc đến 6, 7 giờ tối thì về nhà.
Tôi luôn đúng giờ. Đi công tác, tôi thích mang ba lô (vì tiện dụng).
Cuối tuần và các ngày nghỉ lễ, tôi thường dành thời gian quây quần bên gia đình hoặc đưa vợ cùng các con đi chơi.
PV: Trân trọng cảm ơn ông.