Internet đã thay đổi cách điều hành, quản trị thế nào ở PLX?

Thúy Hà (thực hiện)

10:27 SA @ Thứ Bảy - 12 Tháng Giêng, 2019

Nhân 20 năm Internet xuất hiện tại Việt Nam, Tạp chí Công Thương đã phỏng vấn ông Trần Ngọc Năm - Ủy viên HĐQT - Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex/PLX) về vai trò của internet đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh tại đơn vị. Trân trọng giới thiệu cùng Quý vị bạn đọc.

Thưa ông, tháng 11/2017 đánh dấu mốc tròn 20 năm internet xuất hiện tại Việt Nam. Xin ông cho biết những ảnh hưởng của internet đối với các mặt hoạt động của PLX?

20 năm internet xuất hiện tại Việt Nam đã làm thay đổi sâu sắc, tích cực đời sống kinh tế - xã hội và cuộc sống của người dân, giúp làm ngắn đi khoảng cách về thông tin, kiến thức của Việt Nam so với thế giới.

Đối với Petrolimex, với đặc thù lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc từ nhập khẩu và hoạt động tái xuất sang các nước Lào, Campuchia nên đã ứng dụng internet từ rất sớm.

Petrolimex đã ứng dụng kết nối Internet để quản trị điều hành nội bộ, trao đổi thông tin trong và ngoài doanh nghiệp.

Có rất nhiều ứng dụng, dịch vụ của Petrolimex đã sử dụng kết nối Internet, điển hình như các ứng dụng: ERP (quản trị nguồn lực doanh nghiệp), EGAS (quản trị cửa hàng xăng dầu),eOffice (văn phòng điện tử), Email (thư điện tử), Website, ứng dụng tự động hóa trong quản lý hàng hóa tại các kho bể, cửa hàng xăng dầu… và gần đây nhất, cũng trên cơ sở nền tảng của internet, Petrolimex đã đưa bản đồ về hệ thống cửa hàng xăng dầu Petrolimex trên Google map, hay triển khai dự án hóa đơn điện tử cũng như giải pháp phần mềm kết nối, lắp đặt hệ thống camera giữa Petrolimex và cơ quan hải quan để đảm bảo đủ điều kiện kiểm tra, giám sát toàn bộ quá trình nhập xuất xăng dầu tại các kho xăng dầu của Petrolimex theo quy định của Nhà nước.

Các ứng dụng này đã góp phần tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của Petrolimex và hơn nữa chính là những thông tin kịp thời, công khai, minh bạch, tin cậy không chỉ cho nội bộ Petrolimex mà còn đối với tất cả các đối tượng đã, đang và sẽ quan tâm đến mọi mặt hoạt động của Petrolimex.

Tôi còn nhớ, trước đây khi chưa có internet, các đơn vị thành viên đã phải mất rất nhiều công sức, thời gian và chi phí để thực hiện việc truyền dữ liệu về Tổng công ty (nay là Tập đoàn), chất lượng dữ liệu thấp, có khi phải trực ngoài giờ để truyền dữ liệu nhiều lần mới thành công. Vì thế, công tác tổng hợp báo cáo trên phạm vi toàn Petrolimex cũng mất nhiều công sức, thời gian thực hiện phải kéo dài.

Đến nay, nhờ có kết nối internet:

Chúng tôi có thể dễ dàng có được dữ liệu từ mức chi tiết đến tổng hợp từ nguồn dữ liệu tập trung mà không phải đợi đến khi các đơn vị báo cáo, giúp lãnh đạo Tập đoàn hoặc đơn vị thành viên có được những quyết định chỉ đạo điều hành kinh doanh kịp thời; Công tác tổng hợp báo cáo, công bố thông tin của Petrolimex luôn đảm bảo đáp ứng theo đúng yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước trong điều kiện Petrolimex là một công ty đại chúng quy mô lớn đã được niêm yết trên Sàn chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE).

Công tác trao đổi thông tin nội bộ được thực hiện tốt hơn, thông qua internet và các ứng dụng dịch vụ quản trị nội bộ, cán bộ và lãnh đạo của Petrolimex có thể trao đổi, báo cáo, chỉ đạo hoặc nhận chỉ đạo điều hành kinh doanh 24/24. Cũng nhờ hệ thống quản trị kinh doanh, kế toán, mà trình độ và kỹ năng, ý thức kỷ luật, tinh thần cộng tác chia sẻ của cán bộ trong ngành được nâng cao.

Công tác truyền thông với công chúng được thực hiện tốt hơn, Petrolimex đã sử dụng hệ thống Website là cổng thông tin chính thức để giao tiếp với đối tác và khách hàng. Hệ thống Website của Petrolimex đã đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin theo nhu cầu của người dân, cơ quan quản lý, điển hình là các chuyên mục “minh bạch xăng dầu”,“thông cáo báo chí”,“nhà đầu tư”,“hướng dẫn tiêu dùng”...

Như vậy, internet đã và đang thay đổi mạnh mẽ cách điều hành, quản trị của PLX.

Với tư cách là Chủ tịch Piacom, ông đánh giá như thế nào về vai trò vị trí của Piacom đối với hoạt động của PLX cũng như với tư cách là một doanh nghiệp độc lập hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT)?

Theo yêu cầu quản trị ngày càng cao, năm 1995 Petrolimex đã hình thành Trung tâm Công nghệ thông tin và Tự động hóa với tên gọi là Piac.

Đến năm 2003, Trung tâm được cổ phần hóa thành Công ty Piacom, hoạt động chuyên doanh lĩnh vực công nghệ thông tin và tự động hóa. Gần 20 năm qua, hoạt động của Piacom luôn gắn liền với quá trình phát triển của Petrolimex.

Sản phẩm dịch vụ của Piacom góp phần nâng cao chất lượng hệ thống quản trị của Petrolimex, nâng cao năng suất lao động và minh bạch hóa hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Các sản phẩm của Piacom cung cấp cho PLX có thể kể đến là Dịch vụ vận hành hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp SAP_ERP; Giải pháp phối trộn nhiên liệu sinh học xăng E5; Giải pháp quản lý hệ thống cửa hàng xăng dầu (EGAS); Các hệ thống tự động hóa kho xăng dầu, cửa hàng xăng dầu. Các sản phẩm này đã cùng PLX bước vào kỷ nguyên của cuộc cách mạng 4.0 của thế giới.

Không chỉ hoạt động trên địa bàn PLX, ngày nay Piacom đã phát triển thị phần đến các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trên cả nước và xuất khẩu ra thị trường nước bạn Lào.

Piacom đã và đang giữ vững vị trí doanh nghiệp công nghệ thông tin và tự động hóa ngành xăng dầu hàng đầu Việt Nam.

PLX đã triển khai dự án thanh toán thẻ của liên minh Napas khi khách hàng mua xăng dầu tại các CHXD PLX, đồng thời, đang triển khai dự án hóa đơn điện tử. Xin ông cho biết kết quả dự án 1 & tiến trình của dự án 2?

Petrolimex đã phối hợp với Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) chấp nhận thanh toán thẻ ATM từ ngày 01/8/2017 tại tất cả các CHXD trực thuộc. Sau 4 tháng đi vào hoạt động, kết quả hết sức lạc quan.

Tính đến hết ngày 26/11/2017, số lượng giao dịch thẻ ATM ngân hàng khác đạt 38.273 giao dịch với tổng doanh số giao dịch đạt gần 44 tỷ đồng. Tăng trưởng hàng tháng bình quân 10% doanh số.

Đối với dự án hóa đơn điện tử, chúng tôi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn cung cấp giải pháp để thực hiện theo đúng lộ trình đã được xác lập, cụ thể: Từ 01/01/2018, Petrolimex sẽ triển khai thí điểm tại 4 đơn vị (Công ty mẹ, Công ty Xăng dầu B12, Hà Sơn Bình và Tây Nam bộ), dự kiến từ ngày 01/4/2018 sẽ triển khai đồng loạt tại 40 công ty xăng dầu thành viên còn lại.

Như vậy có thể nói, PLX luôn đi tiên phong áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất của mình; đã khai thác internet từ rất sớm và chứng minh được tính hiệu quả của việc khai thác internet.

Cán bộ và người lao động trong PLX sẽ tiếp tục khai thác các giá trị đích thực của internet phục vụ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, học tập nâng cao trình độ hiểu biết; và cũng phải biết cách đề kháng, tránh xa các cạm bẫy, mặt trái tiêu cực có trên internet (thông tin lừa đảo, thất thiệt, tung tin đồn nhảm chống phá chế độ, kích động bạo lực, chia rẽ tôn giáo, chủ nghĩa dân tộc cực đoan…).

Ngày nay, internet đang tiếp tục tạo ra nhiều hình thức kinh doanh mới, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, giúp năng suất lao động cao hơn, giảm giá thành sản phẩm và dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp; vì vậy đẩy mạnh ứng dụng internet trong hoạt động kinh doanh sẽ là xu thế chủ đạo trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội