Giá dầu sẽ xuống 33 USD hay lên mức 200 USD?
05/07/2009 | 11:54:00
(Ảnh: xaluan.com) |
Các nhà kinh tế hiện đang tranh cãi và đưa ra nhiều dự báo khác nhau về triển vọng giá nhiên liệu. Trong mỗi xu hướng, có nhiều yếu tố được đưa ra để biện giải, trong đó phải kể đến hoạt động đầu cơ, diễn biến của suy thoái kinh tế toàn cầu và những bất ổn chính trị gần đây ở Trung Đông và châu Phi.
Sau chuỗi tăng giá kéo dài 54 ngày theo đà tăng của giá dầu, giá xăng đảo chiều trong ngày 23/6, xuống mức 2,69 USD/gallon, giảm 0,3 xu/galon so với phiên trước. Giá nhiên liệu này bắt đầu tăng từ tháng 4/09, khi đang ở mức trung bình 2,05 USD/gallon, do giá dầu tăng lên hơn 70 USD/thùng từ mức 35 USD/thùng hồi tháng 12/2008.
Hầu kết các nhà kinh tế đều cho rằng chính hoạt động đầu cơ trên thị trường là nguyên nhân đẩy giá dầu lên. Các nhà đầu cơ thường là các nhà đầu tư thuộc các tổ chức lớn đã đổ tiền vào các loại hàng hóa như dầu khi thị trường chứng khoán tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo nhà kinh tế Mark Weisbrot, Giám đốc một Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách ở Washington, đây cũng là nguyên nhân kéo giá dầu vọt lên mức đỉnh 147 USD/thùng hồi năm ngoái.
Các nhà đầu cơ tính toán rằng suy thoái kinh tế toàn cầu có thể đã chạm đáy và bắt đầu bước vào thời kỳ phục hồi mạnh mẽ. Điều này sẽ làm tăng nhu cầu và đẩy giá dầu lên, cơ hội để họ hái ra tiền.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế lại cho rằng sự lạc quan này có thể là một sai lầm bởi gói kích thích của Chính phủ không đủ mang lại sự tăng trưởng kinh tế thực sự. Sự phục hồi yếu ớt sẽ không thể thúc đẩy nhu cầu năng lượng và giá dầu có thể giảm xuống 33 USD/thùng.
Một số ý kiến cho rằng tương quan cung-cầu vẫn là nhân tố hàng đầu thúc đẩy giá dầu. Nhà phân tích Matt Simmons ở Simmons & Co. dự đoán giá dầu sẽ tiếp tục tăng và có thể tăng gấp 3 lần trong năm tới.
Theo ông Simmons, khi giá dầu lao thẳng xuống mức dưới 50 USD/thùng từ mức kỷ lục hồi năm ngoái, nhiều mỏ dầu đã ngừng hoạt động, khiến nguồn cung bị thắt chặt và sắp tới, các nhà sản xuất sẽ chưa thể tăng nguồn cung theo kịp đà tăng nhu cầu. Điều này có thể đẩy giá dầu lên mức 200 USD/thùng trong năm tới.
Nhà phân tích Allen Good ở Morningstar, một cơ quan nghiên cứu độc lập, cũng cho rằng nguồn cung vẫn bị thắt chặt, khi các nhà máy lọc dầu đang cắt giảm công suất để bảo dưỡng và nâng cấp cơ sở sản xuất.
Trong khi đó, một số người cho rằng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Mỹ yếu sẽ làm giảm nhu cầu dầu và khiến giá dầu đi xuống.
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, biến động giá USD là yếu tố then chốt tác động đến giá dầu và giá khí đốt. Theo ông Good, khi đồng tiền xanh yếu, giá dầu có xu hướng tăng và ngược lại.
Ngoài ra, các sự kiện địa chính trị cũng đang thu hút sự chú ý của các nhà giao dịch những tháng gần đây. Ở Nigeria - nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất châu Phi, bạo loạn đang leo thang ở khu vực phía nam, khi các lực lượng chống đối Chính phủ yêu cầu một thị phần lớn hơn trong nguồn thu từ dầu mỏ của đất nước.
Còn ở Iran, nhiều người đã tổ chức tuần hành trên đường phố lớn để phản đối kết quả cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua. Theo các chuyên gia, bất ổn ở những nước này có thể dẫn tới sự gián đoạn nguồn cung, khiến giá dầu và khí đốt tăng trở lại.
Giá dầu biến động mạnh sẽ tác động đến các quốc gia theo nhiều cách khác nhau. Nhà nghiên cứu Ken Green ở American Enterprise Institute cho rằng các nước như Canada và Mỹ, với mật độ dân cư thưa thớt, sẽ bị thiệt hại lớn, đặc biệt là với các ngành công nghiệp phụ thuộc vào xăng dầu như vận tải, bởi các phương tiện cần một lượng nhiên liệu lớn để vận chuyển hàng hóa giữa những địa điểm rất xa nhau. Trong khi đó, những nước có dân cư đông đúc hơn như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tránh được điều này.
Biến động giá xăng chắc chắn cũng sẽ tác động đến túi tiền của người tiêu dùng, gây tác động lan truyền đến nền kinh tế. Theo ông Good, giá xăng dầu cao sẽ khiến người Mỹ, với xe hơi là phương tiện đi lại chính, giảm những chi tiêu khác. Vì thế, lượng khách đến các nhà hàng sẽ giảm cũng như số người đi nghỉ ở các khu nghỉ dưỡng cũng sẽ ít hơn, dẫn tới tăng trưởng kinh tế suy giảm và tình trạng sa thải nhân công. Đây là điều ít có khả năng xảy ra với Trung Quốc và Ấn Độ, những nước có số người sử dụng xe hơi ít hơn.
Thậm chí, hầu hết các nhà kinh tế tin tưởng vào chiều hướng tăng của giá dầu và khí đốt cũng tỏ ra thận trọng khi đưa ra những dự báo kinh tế.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Desmond Lachman ở American Enterprise Institute, điều quan trọng là không thổi phồng những tác động của việc giá dầu tăng, bởi gần đây giá nhiên liệu vẫn chưa tăng tới các mức năm ngoái./.
(TTXVN/Vietnam+)