Đề nghị xử lý hơn 1.000 tỷ đồng bù lỗ kinh doanh xăng dầu
Cập nhật: 15:15:00 2/12/2009
Thực tế số nộp ngân sách từ kinh doanh xăng dầu vẫn lớn hơn số bù lỗ của Nhà nước cho các doanh nghiệp |
Đó là kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước sau khi thực hiện chuyên đề kiểm toán cấp bù lỗ tại các đầu mối nhập khẩu xăng dầu giai đoạn 2006- 2008, vừa được công bố trong sáng hôm nay (2/12).
CôngThương - Trong đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị thu hồi số tiền cấp bù lỗ mặt hàng dầu 2 năm 2006, 2007 nộp ngân sách hơn 87 tỷ đồng; giảm quyết toán, giảm cấp bù lỗ từ NSNN các mặt hàng dầu gần 938 tỷ đồng.
Số tiền bị đề nghị xử lý lớn nhất là của Tổng công ty ty dầu Việt Nam (PV Oil): trên 455 tỷ đồng, tiếp đến là Công ty TNHH một thành viên dầu khí TP. HCM trên 129 tỷ đồng; Công ty TM kỹ thuật đầu tư (Petec): 120 tỷ đồng, Công ty Xăng dầu Quân đội: trên 115 tỷ đồng; Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex): 70 tỷ đồng…
Lúng túng cấp bù do… cơ chế
Qua thực tế kiểm toán cho thấy, thực hiện các quy định kinh doanh xăng dầu và cơ chế cấp bù lỗ giai đoạn 2006- 2008 có những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến hoạt động của các đầu mối nhập khẩu, sản xuất chế biến kinh doanh xăng dầu. Đó là khi giá thế giới liên tục biến động nhưng việc điều chỉnh giá trong nước tại một số thời điểm chưa kịp thời. Điều 26 Nghị định số 55/2007/NĐCP ngày 6/4/2007 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu quy định nguyên tắc giá bán xăng dầu theo cơ chế thị trường (theo lộ trình đến hết năm 2008) có sự quản lý của Nhà nước, do thương nhân kinh doanh xăng dầu quyết định sau khi nộp các loại thuế, phí theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, trong triển khai áp dụng, một số quyết định về giá bán quy định không rõ ràng, làm khó cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiểu và thực hiện.
Minh chứng là Điều 2, Quyết định 57/2008/QĐ-BTC ngày 21/7/2008 của Bộ Tài chính quy định giá bán thống nhất trong cả nước đối với dầu diezen, dầu hỏa, mazut với hiệu lực thi hành từ 10 giờ ngày 21/7/2008. Nhưng tại Điều 3 của quyết định này lại hướng dẫn: “Sau lần điều chỉnh giá xăng, dầu theo quyết định này, giá bán lẻ xăng, dầu hỏa, mazut do thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu hoặc thương nhân sản xuất, chế biến xăng dầu quyết định thực hiện theo cơ chế giá thị trường”. Vì vậy, không rõ sau 10 giờ ngày 21/7/2008, các thương nhân kinh doanh xăng dầu được quyết định giá bán hay đến khi Nhà nước công bố hết hiệu lực của quyết định này thì các DN mới được “thực hiện theo cơ chế giá thị trường” (thực tế, trong năm 2008, giá bán các mặt hàng dầu giai đoạn sau 21/7/2008 đến 31/12/2008 vẫn tiếp tục do Bộ Tài chính quyết định).
Hay như Điều 2, Quyết định 78/2008/QĐ-BTC ngày 16/9/2008 của Bộ Tài chính về giá bán các loại xăng dầu quy định: Sau 11 giờ ngày 16/9/2008, giá bán dầu diezen do thương nhân kinh doanh xăng dầu quyết định thực hiện theo cơ chế giá thị trường, nhưng tại Điều 1 của Quyết định 78 đã ấn định mức giá bán lẻ thống nhất trong cả nước, điều đó thể hiện mẫu thuẫn về nội dung hướng dẫn thi hành. Theo hướng dẫn đó, các DN kinh doanh xăng dầu chỉ có thể áp dụng một trong 2 nội dung, không thể áp dụng đồng thời hướng dẫn tại Điều 1 và Điều 2. Giả định, trường hợp các thương nhân kinh doanh nhập khẩu dầu diezen áp dụng quy định “thực hiện theo cơ chế giá thị trường” tại Điều 2 để xin điều chỉnh tăng, giảm giá bán, không chấp hành mức giá quy định tại Điều 1 thì các cơ quan chức năng cũng không thể căn cứ vào Quyết định 78 của Bộ Tài chính để xác định hành vi vi phạm pháp luật về.
Kiểm toán Nhà nước cũng đưa ra bất cấp trong chính sách về thùu lao đại lý, tổng đại lý theo Quyết định 0676/2004/QĐ-BTM của Bộ trưởng Bộ Thương mại được áp dụng trong một thời gian dài (từ tháng 6/2004 đến khi thay bằng Quyết định 32/2008QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 23/9/2008) với mức thù lao không đổi, trong khi các yếu tố giá cả, lãi suất ngân hàng, tiền lương, chi phí kinh doanh biến động tăng… là không phù hợp. Vì thế, các DN đã phải áp dụng nhiều hình thức để tăng thù lao cho đại lý, tổng đại lý như cước vận chuyển, chiết khấu thanh toán, chi thù lao bổ sung… Mỗi DN áp dụng một hình thức khác nhau nên Nhà nước khó kiểm soát được các chi phí hỗ trợ thù lao cho các đại lý, tổng đại lý nên không đảm bảo tính cạnh tranh công bằng giữa các DN. Sau khi chuyển sang kinh doanh theo cơ chế thị trường đối với các mặt hàng dầu chính, chính sách thù lao cho đại lý, tổng đại lý được thay thế bằng Quyết định /2008QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 23/9/2008, các DN không bị khống chế thù lao nên liên tục nâng mức thu lao đại lý nhằm thu hút khách hàng dẫn đến chi phí thực tế của DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu tăng cao. Tuy nhiên, khi Nhà nước thống nhất cấp bù mức thù lao đại lý, tổng đại lý cho các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối lại áp dụng theo mức của Quyết định 0676/QĐ-BTM (?).
Hay như việc hướng dẫn tiết kiệm 5% chi phí quản lý năm sau so với năm trước khi quyết toán cấp bù tiêu thức không nhất quán. Quyết toán năm 2006-2007 theo tiêu thức chi phí quản lý/đơn vị sản phẩm, nhưng năm 2008 lại theo tiêu thức chi phí quản lý/doanh thu. Việc tiết giảm 5% chi phí quản lý khi Bộ Tài chính quyết toán cấp bù trong khi các khoản chi phí không hợp lý đã được các cơ quan thanh tra, kiểm toán loại khỏi chi phí làm cho các đơn vị gặp khó khăn trong cần đối nguồn bù đắp từ hoạt động kinh doanh khác hoặc phải theo dõi là khoản lỗ không được bù đắp làm giảm vốn kinh doanh.
Thời gian cấp bù lỗ quá chậm
Qua kiểm toán cho thấy, Công tác kiểm tra, phê duyệt quyết toán cấp bù do Cục Tài chính doanh nghiệp thực hiện cơ bản chưa kịp thời, còn một số trường hợp quyết toán cấp bù chậm làm khó khăn cho DN. Có khoản cấp bù, quyết toán, tạm ứng đầu kỳ kinh doanh của DN đầu mối kéo dài. Như ngày 27/3/2008 mới cấp bù lỗ năm 2006 cho Petrolimex gần 200 tỷ đồng; ngày 23/10/2008 mới cấp tạm ứng số bổ sung ngoài tỷ lệ 95% của năm 2007 cho Petrolimex số tiền 150 tỷ; ngày 8/6/2009 cấp bù lỗ năm 2007 số tiền 131,571 tỷ đồng; ngày 30/6/2009 cấp bù lỗ năm 2007 cho PV Oil 61,804 tỷ đồng, cho Công ty dầu khí MeeKoong 16,378 tỷ đồng. Lý do mà Cục Tài chính doanh nghiệp đưa ra là phải chờ kết quả thanh kiểm tra của các cơ quan Thanh tra tài chính, cơ quan Thuế…
Ngược lại, Cục Tài chính doanh nghiệp lại chưa có biện pháp xử lý triệt để, kịp thời đối với Công ty Thương mại xăng dầu đường biển (PMT) khi phát hiện việc tạm ứng cho đơn vị này trong năm 2008 vượt mức 95% theo quy định của Bộ Tài chính; vượt 15,79% so với số lỗ PMT đề nghị nàh nước cấp bù.
Định mức hao hụt xăng dầu… quá lạc hậu
Theo Kiểm toán Nhà nước, cho đến nay chưa có một quyết định nào thay thế Quyết định 758/VT-QĐ của Bộ Vật tư (nay là Bộ Công Thương) ban hành từ ngày 13/3/1986 về định mức hao hụt xăng dầu. Trong khi nhiều năm nay, một số đơn vị như Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, Công ty thương mại kỹ thuật và đầu tư, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty CP dầu khí MeeKong… đã nhiều lần điều chỉnh hệ thống định mức hao hụt theo hướng giảm dần cho phù hợp với tiến bộ khoa học kỹ thuật và trình độ quản lý thì vẫn còn 2 DN đầu mối là Công ty Thương mại xăng dầu đường biển và Công ty Thương mại dầu khí Đồng Tháp vẫn áp dụng định mức “cũ kỹ”. Tuy nhiên, do Quyết định 758 vẫn còn hiệu lực nên Kiểm toán Nhà nước vẫn chấp nhận việc bù mức hao hụt theo quyết định trên. Điều này chưa đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa các DN, không khuyến khích các DN áp dụng những tiến bộ khoa học vào quản lý.
Theo ông Lê Minh Khái- Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước: Từ thực tế trên, Kiểm toán Nhà nước đề nghị kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân phụ trách mảng công việc này chưa làm tròn trách nhiệm dẫn đền tình trạng Nhà nước phải phù lỗ theo thực tế cho các DN vẫn sử dụng định mức hao hụt cũ.
Thu ngân sách từ xăng dầu vẫn lớn hơn phần bù lỗ
Từ kết quả kiểm toán cho thấy, thu ngân sách từ xăng dầu vẫn là cân đối lớn của Nhà nước. Cụ thể, trong 3 năm 2006- 2008, Công ty CP dầu khí MêKông nộp ngân sách trên 1.800 tỷ đồng, nhưng cấp bù chỉ gần 1.700 tỷ đồng; Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam nộp gần 40.000 tỷ đồng nhưng đề nghị cấp bù 21.620 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV phải nộp ngân sách 311 tỷ đồng nhưng được cấp bù 172,255 tỷ đồng… Như vậy, số nộp ngân sách nhà nước của các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu vẫn lớn hơn phần nhà nước phải bù.
Vì thế, Kiểm toán Nhà nước đề nghị: Nhà nước cần có chính sách phù hợp với các cam kết quốc tế về thuế nhập khẩu, chỉ điều chỉnh thuế nhập khẩu khi thật sự cần thiết. Vì đồng thời với việc thu thuế nhập khẩu (tính vào giá vốn xăng dầu) Nhà nước lại thực hiện chính sách cấp bù lỗ kinh doanh các mặt hàng dầu sẽ gây ra những khó khăn, bị động trong điều hành thu và kiểm soát cấp bù. Qua đó, Nhà nước có thể sử dụng công cụ thuế để điều tiết chính sách giá, giảm mức cấp bù cho DN. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, kiến nghị trên cũng không còn tác dụng khi kinh doanh xăng dầu đã thực sự chuyển sang cơ chế thị trường, Nhà nước không còn thực hiện bù giá cho kinh doanh xăng dầu.
Thanh Hương