13/3 là Ngày truyền thống Ngành Xăng dầu Việt Nam

Petrolimex

08:00 SA @ Thứ Tư - 13 Tháng Ba, 2024

Lịch sử hoạt động ngành hàng Xăng dầu Việt Nam gắn liền với phong trào công nhân xăng dầu, từ vùng lên đấu tranh chống áp bức, bóc lột mà khởi đầu là sự kiện Cuộc bãi công của công nhân Sở dầu Thượng Lý (Hải Phòng) ngày 13.3.1928.

Từ một lực lượng công nhân xăng dầu nhỏ bé đầu tiên làm ở Sở dầu Thượng Lý, kho dầu Nhà Bè thời Pháp thuộc đến các “chiến sĩ - công nhân xăng dầu” thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc, chi viện miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và ngày nay đã phát triển thành đội ngũ lớn mạnh cả về quy mô lực lượng, trình độ kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, tập hợp trên 26 ngàn đoàn viên công đoàn, CNVC-LĐ hoạt động trên mọi vùng miền của Tổ quốc.

Trên cơ sở tập hợp các sự kiện có ý nghĩa lịch sử, chính trị tiêu biểu của ngành đối với đất nước đồng thời tiếp thu ý kiến của: Đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam; Thành ủy Hải Phòng, Công đoàn Công Thương Việt Nam; Các cán bộ lão thành, Anh hùng Lao động; các đ/c nguyên Lãnh đạo Đảng, chính quyền, Công đoàn TCTy qua các thời kỳ; BCH Đảng ủy, thành viên HĐQT, Ban Tổng giám đốc TCTy, Ủy viên BCH Công đoàn, Hội cựu chiến binh, BCH Đoàn Thanh niên TCTy đương nhiệm; Đảng ủy, Lãnh đạo và BCH Công đoàn các công ty trực thuộc; Đông đảo cán bộ, CNVC-LĐ đã, đang công tác tại Văn phòng TCTy và các công ty trực thuộc TCTy,... Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã xây dựng Đề án về Truyền thống ngành Xăng dầu Việt Nam.

Ngày 15.02.2011, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 13 tháng 3 hàng năm là "Ngày truyền thống của ngành Xăng dầu Việt Nam".

Để các thế hệ cán bộ, CNVC-LĐ ôn lại và tự hào về thành tích vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam; thông qua đó giáo dục truyền thống, động viên phong trào thi đua lao động sản xuất vì sự phát triển của ngành, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Ban biên tập websitewww.petrolimex.com.vn trân trọng giới thiệu Đề án:

TRUYỀN THỐNG NGÀNH XĂNG DẦU VIỆT NAM

I- Sự xuất hiện hoạt động cung cấp xăng dầu và hình thành đội ngũ công nhân xăng dầu đầu tiên ở Việt Nam

Năm 1858, quân đội Pháp đánh phá Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến xâm lược Việt Nam, cùng với đó là cuộc khai thác thuộc địa lần thứ I (1897-1914) của thực dân Pháp ở nước ta; xăng dầu và những mặt hàng kỹ thuật tinh xảo khác của văn minh phương Tây đã có mặt ở Việt Nam. Kể từ đó đã xuất hiện đội ngũ những người làm nghề khai mỏ, xi măng, trồng cao su, dệt vải, hỏa xa và xăng dầu trên đất nước Việt Nam.

Từ năm 1898, tư bản xăng dầu phương Tây đã đến Cảng Nhà Bè, Cảng Hải Phòng và lựa chọn địa điểm Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè và Tổng kho Xăng dầu Thượng Lý (ngày nay thuộc PETROLIMEX) làm lãnh địa để hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Sự có mặt của các hãng dầu SHELL, CALTEX, ESSO đã xuất hiện hoạt động cung cấp xăng dầu và những người làm nghề xăng dầu ở Nhà Bè, Thượng Lý đã hình thành đội ngũ công nhân xăng dầu đầu tiên ở Việt Nam.

II- Khái quát về lịch sử phát triển ngành Xăng dầu Việt Nam và vai trò của công nhân xăng dầu Việt Nam

1- Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược Việt Nam

Hơn nửa thế kỷ dưới thời Pháp thuộc, sự có mặt của các hãng dầu trước hết nhằm cung cấp xăng dầu cho cuộc chiến xâm lược, phục vụ cho quân đội viễn chinh Pháp và đời sống của bọn thực dân. Một phần nhỏ tuy có phục vụ cho sự phát triển của nền công nghiệp thuộc địa và sinh hoạt của nhân dân, nhưng cơ bản vẫn là một ngành kinh doanh của giới tư bản, kiếm lợi nhuận tối đa bằng cách bóc lột sức lao động của người bản địa. Công nhân xăng dầu phải làm việc trong điều kiện lao động hết sức vất vả, khắc nghiệt và nguy hiểm; họ thường xuyên bị đánh đập, cúp phạt tiền lương và đe dọa sa thải. Đội ngũ này bước đầu có ý thức giai cấp và dân tộc, chính vì vậy những người cộng sản đã cử cán bộ ưu tú đến với công nhân xăng dầu (ở ngoài Bắc, các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Lương Khánh Thiện, Nguyễn Cộng Hòa đã đến với Sở dầu Thượng Lý; ở trong Nam, các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương làm thợ Hãng dầu Nhà Bè). Từ khi có hoạt động của những người cộng sản và tổ chức Đảng, tại Kho dầu Thượng Lý và Nhà Bè luôn nổ ra các cuộc đấu tranh của công nhân xăng dầu, tiêu biểu là:

- Ngày 13.3.1928, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh Chủ tịch Công hội đỏ, Bí thư Đảng bộ Hải Phòng đầu tiên; đồng chí Lương Khánh Thiện Bí thư Liên khu B; đồng chí Nguyễn Cộng Hòa, công nhân Sở dầu sau này là Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thanh Bình, công nhân Sở dầu sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và nhiều đồng chí khác đã lãnh đạo cuộc bãi công của 422 trong số 500 công nhân Sở dầu Thượng Lý chống lại chủ sở, đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Cuộc bãi công thắng lợi và được xem như một dấu son mở đầu truyền thống bất khuất của công nhân xăng dầu. Cuộc đấu tranh của công nhân Sở dầu Thượng Lý có tiếng vang lớn khảng định vai trò tam giác công nghiệp (Xi măng - Cảng - Sở dầu) ở Hải Phòng, một trung tâm của phong trào công nhân Việt Nam khi đó.

Năm 1929, Chi bộ Đảng Sở dầu Thượng Lý là một trong 14 Chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Hải Phòng được thành lập; nhiều chiến sĩ cộng sản lớp đầu tiên hoạt động trong các cơ sở xăng dầu đã trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng.

- Ngày 31.01.1931, công nhân Sở dầu Thượng Lý đấu tranh đòi quyền lợi thiết thực như không được giãn thợ, bỏ lệ đánh đập, đặt luật bảo hiểm cho thợ thuyền, thả người bị bắt,...

- Tháng 02/1931, công nhân xăng dầu Nhà Bè đấu tranh đòi chủ hãng dầu Pháp - Á bãi bỏ việc cúp lương, sa thải công nhân, cải thiện điều kiện làm việc,...

Trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp, sự phối hợp chặt chẽ giữa quân dân Hải Phòng và công nhân Sở dầu Thượng Lý (cung cấp bản đồ sở dầu,…) đã góp phần vào thắng lợi đêm 18.6.1953 tại Sở dầu Thượng Lý, thiêu huỷ hàng chục triệu lít xăng, đốt cháy 300 xe cơ giới các loại của Pháp. Chiến công đó, cùng với các chiến trường khác ở khắp mọi miền đất nước đã góp phần đáng kể làm lên thắng lợi chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07.5.1954.

Trong thời gian thực hiện Hiệp định Giơnevơ, công nhân Sở dầu Thượng Lý đã đấu tranh quyết liệt trước âm mưu tháo gỡ, phá huỷ các trang thiết bị, máy móc của thực dân Pháp trước khi rút quân. Đây cũng là nền tảng cơ sở để chuẩn bị điều kiện cần thiết ra đời Ngành xăng dầu Việt Nam dưới chế độ mới.

Có thể nói, cuộc vận động cách mạng dành chính quyền trong hơn nửa thế kỷ, người công nhân xăng dầu Việt Nam luôn có mặt và đóng góp ở vị trí xứng đáng trong đội ngũ giai cấp công nhân Việt Nam.

2- Sự ra đời và quá trình phát triển của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam

Giai đoạn 1956-1975

Cùng cả nước xây dựng và bảo vệ miền Bắc XHCN, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc

Ngày 12.01.1956, Tổng công ty Xăng dầu mỡ được thành lập, đánh dấu sự ra đời chính thức của ngành xăng dầu cách mạng Việt Nam, do người Việt Nam quản lý và điều hành. 

Cùng với tiếp quản, khôi phục Sở dầu Thượng Lý và các cơ sở xăng dầu cũ, Tổng công ty đã khẩn trương xây dựng các kho mới ở Đức Giang, Bến Thủy, Việt Trì, Nam Định và Bắc Giang, phục vụ kịp thời nhu cầu xăng dầu của các khu công nghiệp và các vùng kinh tế quan trọng, mở rộng hoạt động cung cấp xăng dầu trong phạm vi toàn miền Bắc.

Kho xăng dầu Đức Giang khánh thành năm 1956, sức chứa 20.000 m3, là trụ sở của Tổng công ty thời kỳ này. Hầu hết các địa phương đều có trạm xăng dầu, kể cả những tỉnh miền núi xa xôi như Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu.

Năm 1960, Tổng công ty Xăng dầu mỡ chuyển về trực thuộc Tổng cục vật tư và đổi tên thành Cục Xăng dầu mỡ, rồi Cục Xăng dầu hóa chất, sau đó là Cục nhiên liệu hóa chất. Cán bộ Cục thời kỳ này phần lớn là những người lính bộ đội Cụ Hồ đảm nhiệm trọng trách.  

Từ năm 1956-1964, ngành xăng dầu đã tổ chức tiếp nhận, cung ứng cho nền kinh tế quốc dân, quốc phòng trên 644.700 tấn xăng dầu khôi phục, phát triển kinh tế, xây dựng CNXH, chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam.

Tháng 4/1964, thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị chuyển từ thời bình sang thời chiến, Cục Nhiên liệu hóa chất đã chủ động phân tán, sơ tán xăng dầu nhằm bảo quản xăng dầu tối đa đồng thời tham gia chiến đấu bảo vệ các cơ sở xăng dầu ở Đức Giang, Thượng Lý, Việt Trì,...; Bên cạnh đó,Cục Nhiên liệu hoá chất khẩn trương xây dựng các kho dã chiến ở Yên Bái, Nghĩa Đàn (Nghệ An), Kinh Môn (Hải Dương), Ninh Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Đông, Hòa Bình,… 

Ngày 05.8.1964, cuộc chiến đấu bảo vệ “dòng máu” xăng dầu được bắt đầu từ kho xăng dầu Bến Thủy (Nghệ An), địa điểm bị bắn phá ngay từ trận ném bom đầu tiên của Mỹ xuống miền Bắc. Tiếp đến là Thượng Lý (Hải Phòng), Việt Trì, Hà Bắc, Hà Tây, Nam Định, kho Đình Hương (Thanh Hóa), Đức Giang (Hà Nội),… trở thành mục tiêu bắn phá thường xuyên của không quân và hải quân Mỹ. 

Trong mưa bom đạn lửa, các thế hệ cán bộ, công nhân, tự vệ xăng dầu đã dũng cảm quên mình cứu chữa các địa điểm bị địch đánh phá, vừa chủ động phối hợp với quân đội đưa xăng dầu bằng đường ống dã chiến vào chiến trường; Họ tổ chức Đoàn xe 195, 164 và đội xe của các Công ty xăng dầu, vận chuyển xăng dầu từ Bắc vào Nam; hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ xăng dầu, bảo đảm cho mạch xăng liên tục chảy về đồng ruộng, công nông trường, nhà máy xí nghiệp, vượt Trường Sơn, chảy tới chiến trường miền Nam ruột thịt, góp phần tạo nên kỳ tích Mặt trận xăng dầu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1964-1975). Trong giai đoạn này, lượng xăng dầu nhập và cung ứng tăng cao, năm 1975 tăng gấp 8 lần năm 1965. 

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, cán bộ chủ chốt của Tổng công ty được điều động tham gia tiếp quản các công sở, kho tàng, hệ thống cửa hàng xăng dầu, tổ chức kịp thời cung cấp xăng dầu cho các nhu cầu tại phía Nam. 

Tổng kết thành tích đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 8 đơn vị thành viên của Tổng công ty và danh hiệu Anh hùng Lao động cho đồng chí Lê Văn Thiêm - Chủ nhiệm Công ty Xăng dầu Nghệ An.

Giai đoạn 1975-1986

Dồn sức tái thiết đất nước, kiên định xây dựng CNXH

Sau chiến thắng 30.4.1975 thống nhất đất nước, chúng ta lại gặp phải nhiều khó khăn trong giai đoạn khôi phục kinh tế, đối phó với các cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc; các thế lực thù địch bao vây, cấm vận...

Vượt lên mọi khó khăn, Tổng công ty Xăng dầu cùng nhân dân cả nước bước vào giai đoạn mới, với nhiệm vụ khôi phục các cơ sở xăng dầu ở miền Bắc bị chiến tranh tàn phá, tiếp quản và tổ chức mạng lưới cung ứng xăng dầu ở các tỉnh phía Nam.

Tổng công ty tiếp nhận, khảo sát và quy hoạch lại hệ thống cung ứng xăng dầu phía Nam: kho Đà Nẵng, Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang, Nhà Bè và Cần Thơ với tổng dung tích 403.000 m3. Năm 1976, Tổng công ty có 8 Công ty Xăng dầu với 3.613 cán bộ công nhân viên ở miền Bắc; 2 Công ty với 2.015 cán bộ công nhân viên ở miền Nam.

Tổng công ty Xăng dầu cùng ngành vật tư xây dựng hệ thống cung ứng vật tư thống nhất trên phạm vi cả nước. Nhiều cán bộ chủ chốt, có kinh nghiệm quản lý được điều đến các cơ sở phía Nam làm nòng cốt để xây dựng ngành xăng dầu thống nhất. Nhiều công trình trọng điểm được đầu tư như: kho A320 (Hà Nam), kho Vinh, Quy Nhơn, mở rộng kho Thượng Lý, Đức Giang và Công trình B12. Thời kỳ này cả nước đã có 4 trung tâm chính tiếp nhận xăng dầu bằng đường thủy là: Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Năm 1983, thực hiện quyết định 351/VT-QĐ của Bộ Vật tư, Tổng công ty đã tổ chức lại hệ thống gồm 4 Công ty Xăng dầu Khu vực, 2 Công ty Vận tải, Công ty Vật tư chuyên dùng xăng dầu và một số đơn vị trực thuộc.

Tổ chức của Tổng công ty được sắp xếp theo hướng chuyên doanh ngành hàng và khép kín quá trình lưu thông từ tiếp nhận, vận chuyển đến cung ứng trực tiếp cho người tiêu dùng. Quá trình sắp xếp tổ chức gắn với tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và nâng cao chất lượng đội ngũ lao động. 

Kỷ niệm 30 năm thành lập (12.01.1956 - 12.01.1986), Tổng công ty Xăng dầu đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho đồng chí Nguyễn Bá Hựu - Giám đốc Tổng kho Xăng dầu Đức Giang. 

Giai đoạn 1986 - 2010 

Đổi mới toàn diện, xây dựng thương hiệu Petrolimex

Giai đoạn 1986- 1995 

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta là đổi mới tư duy, đặc biệt tư duy về kinh tế. Tổng công ty Xăng dầu đã kịp thời có những biện pháp đổi mới về cơ cấu tổ chức để hình thành hệ thống cung ứng xăng dầu trong điều kiện chuyển sang hạch toán kinh doanh XHCN. 

Ngày 25.8.1987 Tổng công ty Xăng dầu ban hành Quy định về phân cấp quản lý đối với các Xí nghiệp trực thuộc. Tháng 12/1988, nhiệm vụ nhập khẩu xăng dầu được chuyển từ Tổng công ty Xuất nhập khẩu Khoáng sản (Bộ Kinh tế Đối ngoại) sang Tổng công ty Xăng dầu. Đây là những quyết định có ý nghĩa lịch sử mở ra giai đoạn mới, giai đoạn trực tiếp quan hệ ngoại thương và chủ động tổ chức, điều hành toàn bộ quá trình kinh doanh xăng dầu từ khâu nhập khẩu đến khâu bán ra. Từ đây, Tổng công ty Xăng dầu có tên giao dịch Quốc tế là Vietnam National Petroleum Import-Export Corporation, viết tắt là Petrolimex.

Ngày 15.11.1991 theo quyết định số 2519/QĐ-NH, Nhãn hiệu hàng hóa (biểu trưng chữ P) của Tổng công ty được Cục Sáng chế cấp Giấy Chứng nhận số 3684, ghi một dấu mốc ý nghĩa trên con đường phát triển kinh doanh văn minh, hiện đại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Tháng 4/1992, Tổng công ty xây dựng đề án Quy định về cơ chế quản lý áp dụng trong nội bộ ngành nhằm giữ vững vị thế chủ đạo của Tổng công ty Xăng dầu trên thị trường thời kỳ 1992-1993 và các năm sau. Tiếp đó là đề án Hoàn thiện quản lý và tổ chức kinh doanh xăng dầu thời kỳ 1993-1995. Nội dung các bản đề án khẳng định quan điểm phát triển Tổng công ty thành Hãng xăng dầu quốc gia mạnh và năng động. 

Từ năm 1993 đến 1995, Tổng công ty đã tiếp nhận 26 Công ty Vật tư Tổng hợp các tỉnh và 2 Công ty xây lắp thuộc Bộ Thương mại chuyển về. Tháng 01/1995, Bộ Thương mại ban hành quyết định hợp nhất Công ty Dầu lửa và Tổng công ty Xăng dầu. Ngày 17.4.1995, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 224/TTg thành lập Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam. Ngày 28.3.1996, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước hạng đặc biệt. 

Giai đoạn 1996 - 2005

Giai đoạn 1996-2005, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam đẩy mạnh sắp xếp tổ chức, tăng tốc đầu tư, hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách kinh doanh hướng tới mục tiêu chiến lược trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế. 

Ngày 07.12.1998, Bộ trưởng Bộ Thương mại ban hành quyết định số 1490/QĐ-BTM thành lập Hội đồng Quản trị Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, đánh dấu một thời kỳ hoạt động với mô hình mới của Tổng công ty. 

Năm 2005, Tổng công ty tổ chức Đại hội Cổ đông thành lập Công ty Cổ phần bất động sản Petrolimex (PLAND); hình thành và đưa vào hoạt động Ngân hàng Cổ phần PGBank; thành lập Công ty Liên doanh TNHH Kho ngoại quan Xăng dầu Vân Phong với đối tác Singapore, đầu tư xây dựng kho với công suất 1.000.000 m3 sức chứa tại đảo Mỹ Giang - Khánh Hòa, trong khu vực cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong - khu vực Nam Trung Bộ.

Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập (12.01.1956-12.01.2006), Tổng công ty vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho 6 tập thể và đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Thu - Giám đốc Công ty Xăng dầu Tiền Giang.

Giai đoạn 2006 -  2010

Giai đoạn 2006-2010, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp, vớivai trò là một doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt có vị trí then chốt trong nền kinh tế, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam đã có những đóng góp, tham mưu, đề xuất với Nhà nước về chính sách để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện quy định về quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu, từng bước hình thành cơ chế kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. 

Năm 2009, công tác đầu tư của Tổng công ty đạt được những kết quả vượt trội, triển khai nhiều dự án trọng điểm: Kho ngoại quan Vân Phong, dự án lọc hóa dầu, đầu tư tàu Aframax (Vân Phong 1), dự án quản trị hệ thống ERP; hệ thống quản lý CHXD (Egas), quy hoạch, mở rộng các Tổng kho xăng dầu; quy hoạch, phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu,...  

Năm 2010, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tổng công ty bắt đầu triển khai thực hiện cổ phần hóa để hình thành Tập đoàn đa sở hữu, đây là bước chuyển biến lớn đầu tiên, mang tính tổng thể, toàn diện trong việc sắp xếp, đổi mới, tái cấu trúc lại mô hình hoạt động, xây dựng những tiền đề cơ bản, mở đường cho giai đoạn phát triển trong thời gian tiếp theo. Các công ty xăng dầu có sự chuyển đổi về mô hình tổ chức trở thành công ty TNHH một thành viên. 

Giai đoạn 2011 – nay

Tăng tốc vượt trội, giữ vững vai trò then chốt

Ngày 20.11.2011 tại Hà Nội, Đại hội cổ đông Petrolimex đã họp phiên đầu tiên thành lập Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, mốc son quan trọng, mở ra giai đoạn phát triển mới. Petrolimex chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần và tập đoàn kinh tế đa sở hữu theo Quyết định 828/QĐ-TTg ngày 31/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ. 

Ngày 17.8.2012, theo Quyết định của UBCK Nhà nước, Petrolimex là Công ty đại chúng. Chuyển đổi sang mô hình Công ty cổ phần và Tập đoàn kinh tế đa sở hữu, Petrolimex ngày càng hoàn thiện tổ chức doanh nghiệp, hệ thống quản trị, nhân sự, có những bước phát triển vững chắc cả về chất và lượng, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp - nhà đầu tư - người lao động.

Tháng 01/2012Petrolimex chính thức công bố hệ thống nhận diện thương hiệu mới với giá trị thương hiệu đề cao sự phát triển, tính đa dạng, di sản và mang tính nhân bản sâu sắc. Hệ thống nhận diện thương hiệu mới của Petrolimex ngày càng chứng tỏ sự chuyên nghiệp, bài bản của một doanh nghiệp đại chúng hàng đầu Việt Nam.

Năm 2014, Petrolimex và Tập đoàn năng lượng số 1 Nhật Bản JX Nippon Oil & Energy (nay là ENEOS) đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác chiến lược giữa hai bên. Năm 2016, JX Nippon Oil & Energy chính thức sở hữu 8% cổ phần Petrolimex. 

Ngày 21.4.2017, Cổ phiếu Petrolimex (mã PLX) chính thức nhận quyết định niêm yết tạiSở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và có phiên giao dịch đầu tiên.

Trong gần 10 năm phát triển theo mô hình Tập đoàn, Petrolimex đã có những bước tăng trưởng vượt bậc về doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của người lao động và luôn đứng trong top các doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam. Tập đoàn luôn đảm bảo an toàn tuyệt đối trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp, nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ trong quản trị điều hành sản xuất kinh doanh, đồng thời tập trung nghiên cứu, phát triển các sản phẩm năng lượng mới thân thiện môi trường. 

Đánh giá cao sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo và cán bộ nhân viên, người lao động Petrolimex, năm 2015 Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ 2 cho Tập đoàn Petrolimex.

Trong 4 năm liên tiếp (2017-2020), Petrolimex được vinh danh là quán quân doanh thu trong "Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam", Top 10 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam (2019), Top 1.000 thương hiệu hàng đầu châu Á (2018).

Có thể nói, trải qua hơn 124 năm có mặt ở Việt Nam (kể từ năm 1898), dấu ấn lịch sử hoạt động ngành hàng Xăng dầu Việt Nam mà điểm nhấn đậm nét là Cuộc bãi công của công nhân Sở dầu Thượng Lý (Hải Phòng) ngày 13.3.1928 và là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, chính trị tiêu biểu của các thế hệ công nhân xăng dầu./.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội