Tăng giá xăng dầu: Nhanh, chậm là theo thị trường
Bên cạnh ý kiến đồng thuận, có phản hồi sau 2 đợt doanh nghiệp (DN) đăng ký tăng giá xăng dầu, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương- xung quanh câu chuyện này.
CôngThương-* Thưa ông, vừa qua do tần suất giá xăng dầu điều chỉnh 10 ngày một lần nên trước mỗi lần tăng giá lại có hiện tượng một số cửa hàng đại lý xăng dầu đóng cửa dừng bán. Để hạn chế tình trạng này, cơ quan quản lý nhà nước sẽ chấn chính thị trường như thế nào?
- Yêu cầu của xã hội, Chính phủ là điều hành giá xăng dầu phải công khai, minh bạch. Vì lẽ đó, xăng dầu là một trong những mặt hàng mà công thức tính giá được công khai. Với diễn biến thường xuyên giá xăng dầu thành phẩm của thị trường xuất khẩu (Singapore) cùng công thức tính thuế phí trong giá cơ sở nên qua thông tin đại chúng mọi người dân đều có thể tự tính được giá và dự đoán xu hướng giá sắp tới, từ đó có thể so sánh giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành. Gần đây báo chí cập nhật thường xuyên và tính giá cơ sở gần như rất sát với tính toán của Liên bộ Tài chính- Công Thương.
Độc quyền định giá không có lỗi nếu không mang tính áp đặt, tính thỏa thuận dẫn đến hạn chế cạnh tranh, làm ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng, ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước. |
Do việc minh bạch công khai tính giá và cơ chế điều hành nên có ưu điểm là mọi người có thể theo dõi và biết được xu thế điều chỉnh tăng hay giảm giá xăng dầu mà không gây biến động, không bị bất ngờ. Mặt khác có chuyện, có lúc, có nơi một số thương nhân kinh doanh xăng dầu do đoán trước được xu thế tăng giá xăng dầu nên dừng bán hàng. Tôi cho rằng, chính sách bao giờ cũng có các phản ứng khác nhau vì thế mới có chuyện một số rất ít đại lý dừng bán. Để chấn chỉnh việc này, chúng ta cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xem xét việc dừng bán hàng của một số đại lý là đúng hay sai. Ví dụ, trước đợt tăng giá vừa qua, có nhiều cây xăng dừng bán hàng thì lực lượng QLTT kiểm tra thấy một cây xăng ở Đồng Nai có hàng mà không bán, như thế là vi phạm quy định, cần xử lý.
* Với tần suất tăng, giảm giá xăng dầu như hiện nay, theo ông có ảnh hưởng đến ổn định thị trường, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và sản xuất nói chung?
- Chúng ta phải khẳng định nguyên lý là nhất quán điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, mà cụ thể ở đây là giá xăng dầu thành phẩm của thị trường xuất khẩu (Singapore) tăng giảm như thế nào, thông qua bước đệm của chúng ta là dự trữ lưu thông, thông qua thuế phí để giảm tốc. Nhưng dù có giảm tốc nhưng cái chính yếu trong toàn bộ cấu thành giá vẫn phụ thuộc vào biến động của giá thế giới. Giá thế giới tăng nhanh thì ta phải điều chỉnh tăng, tăng chậm hoặc ổn định thì điều chỉnh ít hơn hoặc không chỉnh. Ở đây tôi muốn nói, phải theo tín hiệu thị trường xuất khẩu xăng dầu thành phẩm cho chúng ta và thị trường xăng dầu chung của thế giới. Còn việc gói giải cứu của Chính phủ đối với sản xuất hoặc chính sách an sinh xã hội đặt trong bài toán vĩ mô lại là câu chuyện khác, đây cũng là vấn đề cần đặt ra nhưng không phải cho điều hành xăng dầu hay điều hành khác phải theo thị trường. Nếu tác động xấu của thị trường thì Nhà nước phải có biện pháp can thiệp, đó chính là “bàn tay” Nhà nước hỗ trợ về lãi suất, hỗ trợ đầu ra, giải phóng tồn kho hoặc trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm y tế… Tức là không phải vì chuyện khó khăn mà làm cho tín hiệu thị trường bóp méo.
* Mặc dù Nhà nước, Chính phủ kiên quyết thực hiện chủ trương thị trường hóa xăng dầu có sự quản lý của Nhà nước nhưng vẫn có ý kiến cho rằng, DN tự định giá xăng dầu trong lúc còn độc quyền là vi phạm luật, xin ông cho biết quan điểm của mình?
- Quan điểm thị trường giá xăng dầu nhiều lần Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Chính phủ đã giải thích nhưng có thể chưa đến được với tất cả người tiêu dùng và nhân dân một cách đầy đủ và rõ ràng. Tôi khẳng định, Nhà nước không giao hoàn toàn quyền định giá xăng dầu cho DN mà chỉ cho phép DN quyết định trong khuôn khổ, theo công thức, trình tự thủ tục Nhà nước định ra, nó khác hẳn trong một nền kinh tế thị trường đầy đủ; ở đó quyền DN tự định giá là một trong những biểu hiện cao nhất của kinh tế thị trường, của tự do hóa thị trường.
Nghĩa là, hiện nay tại Việt Nam, tôi cho anh được xây dựng một mức giá, nhưng mức giá đó phải theo công thức của tôi, là công thức của Nhà nước trong Nghị định 84/2009/NĐ-CP, theo biên độ, khoảng thời gian và chu kỳ của tôi và tôi giám sát, ông sai tôi xử lý ông.
Như vậy, phải nhấn mạnh, không phải là Nhà nước giao toàn quyền cho DN quyết định giá xăng dầu, mà vẫn bị hạn chế một phần của quyền định giá. Đây là một trong các lộ trình để dần tiến đến thị trường cạnh tranh hoàn hảo tại Việt Nam mà chúng ta đang cố gắng xây dựng. Đến lúc thị trường cạnh tranh hoàn hảo, cạnh tranh bình thường lúc đó DN mới được có quyết định giá một cách đầy đủ.
Còn trong một nền kinh tế thị trường, bản thân độc quyền định giá không có lỗi mà nếu định giá đó mang tính áp đặt, tính thỏa thuận dẫn đến hạn chế cạnh tranh, làm ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước thì lúc đó mới có lỗi, khi đó Luật Cạnh tranh mới xử lý. Theo Luật Cạnh tranh, chống độc quyền; tại Việt Nam chúng ta hiện nay không có doanh nghiệp độc quyền về xăng dầu mà chỉ có doanh nghiệp “thống lĩnh thị trường”.
Như vậy ở đây có hai câu chuyện: thị trường xăng dầu đang tiến tới cạnh tranh, việc kiểm soát giá Nhà nước vẫn làm và đang từng bước để thị trường hóa. Kể cả lúc thị trường hóa, nếu có một DN có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh để hạn chế cạnh tranh thì Nhà nước theo dõi, quan sát, có ý kiến. Một khi anh lạm dụng vị trí thống lĩnh, lạm dụng vị trí độc quyền để làm ảnh hưởng đến thị trường thì lúc ấy Nhà nước mới “ra roi”, có biện pháp xử lý.
* Có thông tin cho rằng Petrolimex hiện nay chiếm trên 60% thị phần thì nên hạn chế ảnh hưởng của tập đoàn này?
- Việc Petrolimex hiện tại có vị trí thống lĩnh thị trường đó là tính lịch sử - trước đây, toàn bộ xăng dầu cho các nhu cầu của đất nước mình là do Petrolimex đảm nhận 100%. Nay, do thực hiện lộ trình hóa thị trường cạnh tranh, thị phần thực tế của Petrolimex đã giảm, còn khoảng 50%, không tới 60%. Nhưng lưu ý là tùy từng địa điểm, tùy từng thị trường mức độ thị phần của Petrolimex khác nhau. Ví dụ thị trường miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì Petrolimex chiếm thị phần rất cao, có thể lên đến 80-90%, thậm chí 100% vì ở đó khó khăn, hiệu quả kinh doanh thấp, chẳng có ai (ngoài Petrolimex) đầu tư trên đấy cả. Ngược lại, những thị trường cạnh tranh cao như miền Tây Nam Bộ, TP.HCM chỉ 35-40%. Hơn nữa, không thể tính thị phần khi những lúc khó khăn, các DN hạn chế bán thì Petrolimex lại phải “gồng gánh” tăng sản lượng bán, như câu chuyện tháng 2/2011 chắc mọi người vẫn còn nhớ.
Với thị phần đó, bình thường ra nếu Nhà nước thả cho cạnh tranh hoàn toàn thì Petrolimex vẫn thuộc vào DN có vị trí thống lĩnh. Khi DN có vị trí thống lĩnh thì tôi theo dõi anh, quan sát anh, nếu anh định giá, chèn ép DN nhỏ hoặc làm điều gì ảnh hưởng đến thị trường thì tôi dùng Luật Canh tranh xử lý. Nhưng hiện nay chúng ta chưa làm việc đó vì chưa “thả” hoàn toàn xăng dầu theo thị trường, mà mới đang từng bước xây dựng thị trường.
* Nói như vậy, nếu những DN mạnh như Petrolimex hay PV Oil muốn phát triển thị phần bằng chất lượng phục vụ của họ thì không được phép hay sao?
- Câu chuyện họ tăng thị phần, mở rộng mạng lưới phân phối đó là câu chuyện của DN tự định đoạt theo tín hiệu thị trường, lấy hiệu quả làm chính, chứ Nhà nước không dành ưu đãi gì cho các DN lớn trong việc đầu tư này. Vì vậy, việc họ đầu ở đâu, lựa chọn mặt hàng nào, thị trường nào, khu vực nào là câu chuyện của DN.
* Thực tế thời gian qua sự cạnh tranh trên thị trường xăng dầu đã dần theo hướng tích cực hơn?
- Đương nhiên, như tôi đã nói, là từ chỉ 1 DN nhà nước đến hiện nay có tới 13-15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong đó có DN cổ phần, DN tư nhân, có DN thuộc bộ, DN thuộc địa phương… Như vậy, ở các cấp độ khác nhau có, các thành phần kinh tế khác nhau có. Và thị phần từ chỗ 1 ông thì nay có nhiều ông và được chia sẻ ra. Thị phần của ông lớn ngày càng giảm, thị phần của DN tham gia sau ngày càng tăng.
Lưu ý rằng, ở các nước hàng trăm năm họ mới thiết lập thị trường, trong khi ta có thời gian rất ngắn, đòi hỏi thị trường hóa hoàn thiện cần có một thời gian để DN lớn lên, có thời gian để tạo lập thị trường và hoàn chỉnh cơ chế. Như vậy chúng ta đang đi theo lộ trình để xăng dầu tiến tới thị trường; không thể nóng vội, phải kiên trì và đúng định hướng. Đây là điều cần sự truyền thông để nhân dân thấu hiểu, đồng thuận mà Bộ Tài chính nhắc các doanh nghiệp đầu mối trong các văn bản hướng dẫn về điều hành giá xăng dầu, có gửi cho các cơ quan báo chí.
* Xin cảm ơn ông!
“Chúng ta đang đi theo lộ trình để xăng dầu tiến tới thị trường; không thể nóng vội, phải kiên trì và đúng định hướng” - Ông Võ Văn Quyền |