Doanh nghiệp chỉ định giá xăng dầu trong biên độ cho phép
Ông Nguyễn Tiến Thỏa. Ảnh: Internet |
Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước ngày hôm qua (30/7/2012), một lần nữa ông Nguyễn Tiến Thỏa- Cục trưởng Cục Quản lý Giá Bộ Tài chính, Tổ phó Tổ điều hành trong nước- khẳng định, trao quyền định giá xăng dầu cho doanh nghiệp nhưng Nhà nước không buông mà vẫn tiếp tục kiểm soát.
CôngThương - Mặc dù đã nhiều lần trả lời về quyết định trao quyền định giá xăng dầu cho doanh nghiệp với điều kiện có sự kiểm soát của Nhà nước song hiện nay dư luận vẫn có nhiều ý kiến trái chiều, vì thế khi chủ trì cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước ông Thỏa đã giải thích rõ hơn về quyết định này.
Đề cập đến điều hành mặt hàng xăng dầu trong thời gian tới khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng, ông Thỏa nói: "Tôi xin nhấn mạnh, phải hiểu là trao quyền định giá xăng dầu cho doanh nghiệp chỉ trong biên độ nhất định, được Nhà nước quy định trong Nghị định 84/2009/NĐ-CP khi các yếu tố hình thành giá có biến động 7%. Tức là doanh nghiệp phải định giá theo phương pháp, nguyên tắc do Nhà nước quy định, chứ không phải giao cho doanh nghiệp định giá như định giá mặt hàng đường hay định giá thép theo tín hiệu thị trường. Hai việc định giá đó khác nhau. Doanh nghiệp xăng dầu không phải muốn định giá bao nhiêu cũng được, chỉ được phép định giá trong biên độ 7%, lúc biến động cao hơn thì Nhà nước can thiệp trực tiếp".
Về những lo ngại khi trao quyền định giá xăng dầu, doanh nghiệp có thể vì lợi nhuận của mình mà làm thiệt hại đến quyền lợi người tiêu dùng, ông Thỏa cho rằng: Bây giờ giá cơ sở Nhà nước nắm, nếu doanh nghiệp tăng cao hơn mức ấy là không được. Ví dụ ngày 20/7 vừa rồi, có doanh nghiệp đề nghị tăng 600 đồng/lít, cũng có doanh nghiệp đề nghị tăng 500 đồng/lít nhưng Bộ Tài chính đưa ra một mức tính giá cơ sở khuyến cáo là chỉ tăng 400 đồng/lít thôi, nếu ai tăng cao hơn thì Bộ Tài chính “thổi còi”.
Ông Thỏa nhấn mạnh: Trao quyền định giá cho doanh nghiệp trong biên độ Nhà nước cho phép và định giá theo nguyên tắc phương pháp, trình tự, thủ tục do Nhà nước quy định. Tức là theo quy định của Nghị định 84 và doanh nghiệp phải đăng ký giá cho Liên bộ Tài chính- Công Thương. Liên Bộ sẽ kiểm tra xem đăng ký giá đó có đúng hay không, chứ không phải ông muốn định thế nào thì định, muốn định cao bao nhiêu cũng được và muốn định vào thời gian nào cũng được. Điện cũng vậy, điện chỉ cho doanh nghiệp định giá trong biên độ 5%, cao hơn là phải báo cáo Liên Bộ và Thủ tướng Chính phủ. 5% ấy cũng theo một quy chế định giá chứ không phải thích định thế nào cũng được.
“Như vậy, Nhà nước cho quyền định giá nhưng không buông. Về lâu dài chúng ta thực hiện giá theo cơ chế thị trường nhưng Nhà nước vẫn kiểm soát bằng các hình thức thích hợp ở một mức độ phù hợp. Ví dụ doanh nghiệp còn thống lĩnh thị trường thì tôi có cơ chế kiểm soát riêng. Tùy theo từng loại hình mà có cơ chế kiểm soát, loại độc quyền tôi có cách kiểm soát khác, còn loại đã có cạnh tranh cũng có cách kiểm soát khác. Phải phân ra như vậy để quản lý cho phù hợp với lộ trình các loại hàng hóa dịch vụ đã thực hiện theo cơ chế thị trường- ông Thỏa cho biết thêm.