Đại lý xăng dầu bán hàng không rõ nguồn gốc
09:27:00 16/08/2012 (GMT+7)
Cửa hàng xăng dầu đại lý PV Oil tại Yên Sơn đóng cửa trước khi tăng giá. |
Trước thời điểm tăng giá xăng dầu ngày 11/8/2012 lại tái diễn tình trạng một số cửa hàng xăng dầu đại lý đóng cửa với nhiều lý do mất điện, không lấy được hàng... Qua kiểm tra cho thấy, rất nhiều cây xăng đại lý treo biển hiệu, logo của DN đầu mối uy tín nhưng lại bán xăng dầu không rõ nguồn gốc.
CôngThương - Trước thông tin cửa hàng xăng dầu của Công ty TNHH xăng dầu Yên Sơn (đại lý Yên Sơn), địa chỉ tại thôn Quảng Yên, xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội- là đại lý của Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình (Petrolimex Hà Sơn Bình)- đóng cửa, ngừng bán hàng với lý do hết hàng, Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình đã cử người kiểm tra đại lý Yên Sơn.
Theo lãnh đạo Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình, Công ty TNHH xăng dầu Yên Sơn đã ký hợp đồng làm đại lý với Petrolimex Hà Sơn Bình từ ngày 1/1/2012. Trong hợp đồng có quy định: sản lượng dự kiến mà đại lý Yên Sơn lấy tại Petrolimex Hà Sơn Bình đối với mặt hàng xăng là 90 m3/tháng, diezen là 60 m3/tháng. Đồng thời, đại lý Yên Sơn phải thanh toán công nợ đúng quy định của hợp đồng.
Tuy nhiên, thực tế thực hiện hợp đồng cho thấy, tháng 5, đại lý Yên Sơn chỉ mua 7.012 lít xăng RON92 (tương đương với 7m3) và 5.312 lít diezen (tương đương trên 5m3)- lượng rất nhỏ so với dự kiến trong hợp đồng- và nợ cuối tháng là 269 triệu đồng. Tháng 6, đại lý này chỉ mua 12.240 lít xăng RON92 (tương đương 12m3) mà không mua diezen, và nợ cuối tháng là 157 triệu đồng. Sang tháng 7, đại lý không mua hàng tại Petrolimex Hà Sơn Bình nữa và còn nợ Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình 57 triệu đồng.
Cửa hàng xăng dầu của Công ty TNHH xăng dầu Yên Sơn
Như vậy, đại lý Yên Sơn lấy hàng ở Petrolimex với số lượng ít và liên tục vi phạm về thời hạn nợ theo hợp đồng. Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình đã nhiều lần yêu cầu đại lý giải quyết dứt điểm công nợ tồn đọng để tiếp tục nhận hàng nhưng đại lý không thực hiện, vì thế công ty đã thông báo khả năng chấm dứt hợp đồng với đại lý.
Tại thời điểm 12h30 ngày 13/8 (sau khi có thông tin đại lý đóng cửa găm hàng), Petrolimex Hà Sơn Bình đã cử cán bộ đến kiểm tra lượng hàng tồn kho tại đại lý thì thấy rằng, xăng RON92 còn 1.500 lít; diezen 0,05S còn 622 lít (đại lý đã ký vào biên bản kiểm tra của công ty).
Qua việc thực hiện hợp đồng và thực tế kiểm tra tại cửa hàng đại lý, Petrolimex Hà Sơn Bình khẳng định, đại lý Yên Sơn đóng cửa dừng bán hết hàng với lý do không có hàng là không đúng!
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại một cây xăng của đại lý Sico- Yên Sơn treo logo của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) ở Yên Sơn, Quốc Oai, Hà Nội. Đại lý từ chối bán hàng, nhưng trước cửa hàng lại xuất hiện một đội ngũ những người bán dạo, đáp ứng nhu cầu cho những khách hàng bắt buộc phải đổ xăng.
Một lãnh đạo của PV Oil xác nhận, cửa hàng xăng dầu Sico- Yên Sơn đã ký hợp đồng với PV Oil từ đầu năm nay nhưng chưa lần nào lấy hàng. Sau khi treo biển đại lý của PV Oil, Sico đưa ra lý do sửa chữa trạm xăng dầu, bán chậm, do đó phải chờ đến nửa tháng nữa mới nhập nguồn. Tuy nhiên, thực tế đại lý này vẫn có hàng bán ra.
Lãnh đạo PV Oil khẳng định, trong hệ thống của mình có khoảng 400 cửa hàng xăng dầu trải khắp miền Bắc và từ trước đến nay và không có hiện tượng găm hàng chờ lên giá. "Chúng tôi đang làm thủ tục yêu cầu Sico gỡ biển đại lý của PV Oil"- nguồn tin khẳng định.
Từ thực tế trên cho thấy, hiện nay đã xuất hiện hiện tượng một số đại lý xăng dầu ký hợp đồng với các doanh nghiệp đầu mối có thương hiệu với mục đích được phép trương biển hiệu và logo của họ nhưng lại không lấy hàng hoặc lấy hàng rất ít từ các đầu mối này. Những đại lý này lập ra nhằm tìm kiếm lợi nhuận bằng việc buôn bán xăng dầu từ nhiều nguồn trôi nổi, không rõ trên thị trường với chất lượng không đảm bảo mà các doanh nghiệp đầu mối cũng khó bề kiểm soát.