Vitamin tình yêu
Bố khoe đã có việc làm ở B12. Tôi cười toáng lên: “Công ty gì mà tên nghe như Vitamin thế ạ?”. Bố bảo: “Vitamin đấy, nhờ có vitamin này mà con mới tiếp tục được đi học, quý lắm chứ!”.
Trong sắc xanh gợi lên sự sống, niềm tin và hy vọng, tôi yêu nhất màu xanh bình dị trong trang phục người công nhân xăng dầu. Màu áo ấy đã sống dậy trong tôi một tuổi thơ thật đẹp.
Lúc tôi còn nhỏ, nhà rất nghèo. Bố thất nghiệp vì nhà máy sắp đóng cửa, mẹ bán hàng ở chợ, lo từng bữa ăn cho gia đình. Tiền đi học của hai chị em là gánh nặng lớn.
Ngày qua ngày, bố vẫn đèo hai chị em đi học, trên con ngựa sắt Thống Nhất. Tôi ngồi sau, còn bố một tay bế em, một tay lèo lái chiếc xe lên xuống dốc. Chiếc xe cũ lắm, gác baga bị long mối hàn, tôi ngồi sau cứ thấp thỏm sợ rơi xuống đường bất cứ lúc nào. Vậy mà, bố vẫn miệt mài trên chiếc xe, ngày ngày chở chị em tôi đến trường, chở cả ước mơ thời thơ bé, về một ngày mai tươi đẹp hơn.
Thế rồi, tương lai tươi đẹp ấy đã đến. Bố khoe đã có việc làm ở B12. Tôi cười toáng lên: “Công ty gì mà tên nghe như Vitamin thế ạ?”. Bố bảo: “Vitamin đấy, nhờ có vitamin này mà con mới tiếp tục được đi học, quý lắm chứ!”.
Bố làm ở Tổ sự cố, Đội Công trình, Xí nghiệp xăng dầu Quảng Ninh (thuộc Công ty Xăng dầu B12). Công việc của bố thực sự vất vả, làm bạn cùng nắng mưa, đến những nơi có sự cố để khắc phục hậu quả, hạn chế tối đa thiệt hại. Những lúc bình thường, bố cùng đồng nghiệp phải đi kiểm tra, giám sát các mối hàn của đường ống, công trình xăng dầu đang thi công, không lúc nào được lơ là, mất cảnh giác.
Tôi phụng phịu: “Con không thích bố vất vả thế đâu. Con thích bố ngồi trong phòng điều hòa, làm việc như bố mẹ các bạn cơ”. Bố lại thủ thỉ: “Thấy khó mà bỏ, không nên chút nào. Chỉ cần mình yêu, cái gì cũng làm được”. Bài học đầu đời của tôi bắt đầu từ công việc của bố. Tôi bắt đầu học cách yêu những gì mình làm.
Bố dạy cho tôi cách đối diện với khó khăn. Tôi đã hiểu thêm về công việc của một công nhân như bố, rất bình dị nhưng cũng rất quan trọng. Công việc ấy không chỉ giúp bố có thu nhập, quan trọng, cho bố niềm vui.
Bố chọn công việc này, dù vất vả, vì ở đây bố thấy như một gia đình. Chính sự khó khăn, vất vả ấy đã kéo mọi người lại gần nhau, biết chia sẻ và đoàn kết. Bố cũng thích cái cảm giác kiểm soát sự cố, vì theo bố, trong cuộc sống cũng vậy, nếu chẳng may có chuyện xảy ra, phải có bản lĩnh vượt qua nó.
Tôi nghẹn đi cùng câu chuyện về người công nhân xăng dầu. Và, tôi đã hiểu vì sao có những ngày, bố về muộn, quần áo ướt đẫm mồ hôi, đặc sánh mùi xăng dầu.
Những đồng nghiệp còn trẻ rất thích theo bố học nghề. Họ đại diện cho thế hệ trẻ của PLX - ham học hỏi, cầu tiến. Bao nhiêu kinh nghiệm, bố truyền lại cho các anh. Vì vậy, không chỉ với tôi, những đồng nghiệp cũng nhận thấy bố như một nghệ sỹ chinh phục những mối hàn.
Bao năm qua đi, tôi lớn lên nhờ vitamin tình yêu của bố, nhờ B12 và mùi xăng dầu quyện mồ hôi của bố. Bố luôn tự hào vì mình là một phần của B12, của Petrolimex. Đến tuổi nghỉ hưu, quần áo không còn nồng nàn thứ “nước hoa” xăng dầu nhưng lúc nào bố cũng vui vẻ “Người Petrolimex dùng sản phẩm Petrolimex, thế mới chuẩn là người Việt Nam”.
Rồi bố mất. Cuộc sống luôn có những nốt lặng không ngờ. Sau vài tháng hụt hẫng, tôi gắng tìm lại sự cân bằng cho chính mình. Câu hát từ xa vẳng lại: “Con lớn lên cùng nắng trên vai/Cha vui như cánh hoa phai giữa trời” (Trích “Đi đâu để thấy hoa bay” – Hoàng Dũng) gieo vào tim tôi biết bao thổn thức, rằng, ở một nơi xa, bố vẫn dõi theo và mỉm cười. Vậy thì, tôi phải vững vàng vượt qua để xứng đáng với tình yêu của bố.
Đến giờ, tôi vẫn mỗi ngày đổ xăng Petrolimex, dùng nước giặt Jana, mua bảo hiểm Pjico, gửi tiền qua ngân hàng PGBank… Đó là thói quen của bố, của gia đình tôi. Tất cả vì tin yêu sản phẩm của “nhà”, và quan trọng, vì tình yêu của bố dẫn đường chỉ lối.
Cuộc sống này không bằng phẳng, nhưng tôi tin, với tình yêu và những bài học từ bố, tôi sẽ tự tin bước đi “để tiến xa hơn”.