Sự cần thiết của Luật an ninh mạng
Đông Nam Á đang được coi là "điểm nóng" về nguy cơ an ninh mạng trong bối cảnh khu vực này có tốc độ phát triển Internet nhanh nhất thế giới với khoảng 330 triệu người thường xuyên truy cập mạng.
Ước tính, với tốc độ tăng trưởng hiện tại, dự báo trong vòng một năm tới, Đông Nam Á sẽ có ít nhất 460 triệu người sử dụng Internet. Riêng Việt Nam, theo thống kê vào cuối năm ngoái, số người sử dụng Internet chiếm 67% dân số (tương đương 64 triệu người), đứng thứ 13 trong số 20 quốc gia có số dân sử dụng Internet đông nhất thế giới.
Khi mọi hoạt động của con người trong các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, xã hội tới an ninh, quốc phòng đều phụ thuộc đáng kể vào sự vận hành của máy tính và các thiết bị có kết nối Internet, việc bảo đảm an ninh mạng đang trở thành một trong những thách thức mang tính thời đại ở Đông Nam Á nói chung cũng như Việt Nam nói riêng.
Bên cạnh những lợi ích to lớn không thể phủ nhận như cung cấp thông tin, chia sẻ, trao đổi, liên kết mọi người, hợp tác giao lưu, mạng Internet cũng đã và đang trở thành môi trường cho các mối đe dọa mới. Đó có thể là hiểm họa đối với quyền lợi của cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp, thậm chí có thể đe dọa an ninh và lợi ích quốc gia, gây tổn hại tới tăng trưởng kinh tế, sự thịnh vượng và ổn định của cả một khu vực.
Những mối nguy cơ này rất đa dạng, từ các hoạt động tấn công mạng, khủng bố mạng, chiến tranh mạng, chiếm đoạt thông tin, đến thông tin bịa đặt, lừa đảo, bôi nhọ, kích động bạo lực, xuyên tạc, chống phá chế độ,...
Không ít trường hợp, không gian mạng trở thành nơi “trú ẩn an toàn” của tội phạm và vi phạm pháp luật, của các nhóm khủng bố cực đoan, lực lượng chống phá, thù địch.
Không thiếu ví dụ trên thực tế, không gian mạng bị biến thành "mảnh đất màu mỡ" để phát tán thông tin sai sự thật, làm rối loạn thị trường, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thậm chí nghiêm trọng hơn, gây chia rẽ nội bộ, phá hoại khối đoàn kết, gây mất trật tự trị an xã hội.
Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi các hành vi tội phạm trên không gian mạng là "cuộc chiến không tiếng súng". Chỉ tính riêng thiệt hại kinh tế, năm ngoái ,thế giới đã "mất" 600 tỷ USD do tội phạm mạng, chưa kể tới những thiệt hại không thể đo đếm được như mất an toàn bảo mật thông tin cá nhân hay an ninh quốc gia bị xâm phạm.
Còn nhớ, các mạng truyền thông xã hội đã bị các lực lượng chống đối lợi dụng để thực hiện cái gọi là mùa Xuân Arab, kích động làn sóng biểu tình, gây bạo loạn và tiến tới lật đổ các chính phủ hợp hiến tại Tunisia, Ai Cập, Yemen, Libya,…
Theo một cuộc điều tra của Al Jazeera, có tới 90% số người được hỏi tại Tunisia và Ai Cập đã thừa nhận rằng họ từng sử dụng mạng xã hội Facebook để loan truyền lời kêu gọi các cuộc biểu tình. Những thông tin giả mạo, bịa đặt, xuyên tạc mang tính kích động được phát tán một cách nhanh chóng, khiến người dân không đủ tỉnh táo và bị cuốn vào làn sóng bạo loạn, lật đổ.
Theo Giáo sư Vladimir Kolotov, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Saint Peterburg của Nga, tình trạng kém an toàn trong lĩnh vực an ninh mạng gây ra nguy cơ không chỉ cho chủ quyền không gian mạng, mà còn cho chủ quyền thực sự của đất nước.
Bởi vậy, việc thiết lập trật tự, điều tiết chủ quyền không gian mạng bằng các đạo luật là nhu cầu thực tế và chính đáng đối với mọi quốc gia, và nhiều nước trên thế giới. Đây sẽ là công cụ pháp lý hiệu quả để ngăn chặn kịp thời những nguy cơ, thách thức tiềm ẩn từ không gian mạng.
Vì thế, việc Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật an ninh mạng là rất cần thiết bởi căn cứ theo Chỉ số quốc tế về an ninh mạng công bố cuối năm 2017, Việt Nam hiện xếp thứ 101/193 nước trên thế giới. Chỉ số này do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí như khuôn khổ pháp luật, năng lực tổ chức liên quan tới chiến lược bảo vệ an toàn mạng ở tầm quốc gia, năng lực kỹ thuật, hợp tác trong và ngoài nước...
Điều đáng lưu ý là Việt Nam có mức độ an ninh mạng thuộc hàng thấp nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Không tính tới các nước Đông Nam Á đi đầu trong quản lý an ninh mạng như Singapore, nước đứng đầu bảng xếp hạng của ITU, hay Thái Lan và Malaysia cùng ở vị trí 22, Việt Nam còn đứng sau cả Lào, Campuchia và Myanmar.
Điều này cho thấy một thực tế rằng Việt Nam đang "chậm chân" hơn nhiều nước khu vực trong việc đưa ra những quy định về an ninh mạng và nâng cao sự an toàn trên không gian mạng.
Theo tờ Dhakatribune của Bangladesh, với việc thông qua Luật an ninh mạng, Việt Nam đang thực thi quyền bảo vệ công dân khỏi mọi hành động thao túng, góp phần ổn định chính trị và trật tự xã hội, từ đó mang đến những cam kết mạnh mẽ hơn từ các nhà đầu tư nước ngoài, giúp duy trì ổn định tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Xét trên mọi phương diện, không gian mạng cần được phát triển lành mạnh và an toàn để phục vụ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đông đảo nhân dân, đảm bảo ổn định và phát triển đất nước.
Trước sự lan tỏa toàn cầu của mạng Internet, việc các quốc gia, trong đó có Việt Nam, tạo hành lang pháp lý minh bạch hơn sẽ góp phần phát huy những điểm tích cực của Internet, vừa hạn chế tối đa những mặt tiêu cực của nó đối với xã hội, nhận thức, tư tưởng, và lớn hơn là tới an ninh, chủ quyền quốc gia và lợi ích của người dân; không để mạng truyền thông xã hội bị các lực lượng chống đối lợi dụng trở thành công cụ thực hiện những mưu đồ xấu xa./.