Petrolimex: 9 tháng, nộp ngân sách tăng, lợi nhuận giảm
Chiều nay (14/11/2014), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã công bố báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2014. Theo đó, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Petrolimex đạt 71% kế hoạch, so với cùng kỳ 2013 giảm 10% nhưng nộp ngân sách tăng 15%.
Ông Trần Ngọc Năm- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam- tại buổi công bố kết quả tài chính 9 tháng 2014
CôngThương -Theo ông Lưu Văn Tuyển- Kế toán trưởng, người được công bố thông tin Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam: Trong 9 tháng, tổng doanh thu hợp nhất (của tất cả các đơn vị thành viên Petrolimex hoạt động tại Việt Nam và ở nước ngoài, trên tất cả lĩnh vực kinh doanh: xăng dầu, gas, dầu mỡ nhờn, vận tải xăng dầu, thiết kế, cơ khí, xây lắp, bảo hiểm…) là 158.578 tỷ đồng; đạt 79% kế hoạch, bằng 109% so với cùng kỳ. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 1.418 tỷ đồng, đạt 71% kế hoạch, giảm 10% so với cùng kỳ. Tổng lợi nhuận hợp nhất sau thuế: 1.150 tỷ đồng.
Trong đó, lợi nhuận trước thuế hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam của Công ty mẹ “Tập đoàn Xăng dầu VN” và 42 công ty xăng dầu thành viên do Công ty mẹ đầu tư 100% vốn điều lệ là 406 tỷ đồng. Với sản lượng xuất bán 6.071 ngàn m3, tấn, thực hiện tương đương sản lượng so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy, lợi nhuận thực tế (trước thuế) chỉ đạt 67 đồng/lít,kg xăng dầu.
Đối với các hoạt động kinh doanh ngoài xăng dầu, lợi nhuận trước thuế của hóa dầu cao nhất: 536 tỷ đồng, gas: 90 tỷ đồng, vận tải: 133 tỷ đồng, bảo hiểm và ngân hàng: 118 tỷ đồng, các lĩnh vực còn lại là 110 tỷ đồng. Các hoạt động kinh doanh của 2 công ty Petrolimex Singapore và Petrolimex Lào đạt lợi nhuận trước thuế là 24 tỷ đồng.
Đặc biệt, mặc dù lợi nhuận kinh doanh xăng dầu 9 tháng đầu năm nay giảm nhưng số nộp ngân sách nhà nước của Petrolimex lại tăng mạnh: đạt 27.025 tỷ đồng, bằng 115% so với cùng kỳ năm trước.
Trả lời về việc trong khi giá xăng dầu thế giới giảm mạnh nhưng giá trong nước giảm chưa tương xứng, ông Trần Ngọc Năm- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu VN- cho rằng: Thời gian qua, Liên Bộ Tài chính - Công Thương tuân thủ điều hành kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP áp dụng mới đây rất nghiêm túc. Tuy nhiên, để nhận xét mức độ giảm giá xăng dầu trong nước so với giá thế giới cần xem xét trên mọi điều kiện: trích và sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu, thuế, phí… Ông Trần Ngọc Năm cho biết, có những thời điểm Liên Bộ phải điều hành giảm trích nộp Quỹ bình ổn, giảm hoặc không có lợi nhuận định mức, không tăng tăng thuế trong một thời gian dài… Vì thế, khi thời điểm giá xăng dầu thế giới giảm liên tục, Liên Bộ phải điều chỉnh tăng trích Quỹ bình ổn, hồi phục lợi nhuận định mức, tăng thuế… Chính vì thế, tỷ lệ giảm của giá thế giới và giá trong nước không tương đồng.
Dự đoán về lợi nhuận trong cả năm 2014 của Petrolimex, ông Năm cho rằng, những tháng cuối năm giữ được con số lợi nhuận của 9 tháng cũng không dễ vì xu hướng giá xăng dầu thế giới liên tục giảm. Mặc dù vừa qua Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC của Bộ Tài chính - Công Thương đã nâng định mức chi phí xăng dầu lên tương đối sát nhưng chưa bù đắp đủ chi phí thực tế của doanh nghiệp. Hơn nữa, nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm, sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của Petrolimex, do phải đảm bảo một lượng tồn kho xăng dầu rất lớn.
Trả lời về việc Petrolimex có thực hiện việc nhượng quyền thương mại theo nghị định 83/2014/NĐ-CP cho phép hay không, ông Năm cho biết: Việc nhượng quyền thương mại ở các nước là vấn đề hết sức bình thường. Hiện nay, Tập đoàn đang cân nhắc áp dụng hình thức này. Tuy nhiên, đối với Petrolimex hoặc bất kỳ một đầu mối khác, phải khẳng định rằng, nếu nhượng quyền thương mại thì phải quản lý, kiểm soát được. Petrolimex đang cân nhắc mức độ trong việc nhượng quyền thương mại.