Lợi nhuận & trách nhiệm xã hội
Lâu nay, trên thương trường, dường như có một “quy luật: Khi giá xăng dầu tăng, các chủ hãng vận tải cùng lớn tiếng kêu than, rồi ùa nhau tăng cước phí vận tải, và giá cả nhiều hàng hóa, dịch vụ cũng “té nước theo mưa”, tăng lên.
CôngThương-Ác thay, cũng có một kiểu “phi quy luật”, đó là khi giá xăng dầu “cảm thông” với túi tiền người tiêu dùng, giảm xuống, thậm chí giảm sâu, nhưng các nhà xe lại... im lặng.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, xăng đã có 5 lần tăng giá, tổng cộng chỉ tăng 1.440 đồng/lít. Song, xăng đã có 9 lần giảm giá, tổng cộng mức giảm tới 4.250 đồng/lít. Bên cạnh đó, dầu diezen giảm tới 15 lần, tổng mức giảm 3.580 đồng/lít, dầu hỏa giảm tới 12 lần, tổng mức giảm 3.250 đồng/lít.
Mới đây nhất, ngày 7/11, xăng giảm giá 950 đồng/lít, xuống còn 21.390 đồng/lít; dầu diezen giảm 520 đồng/lít, xuống chỉ còn 19.240 đồng/lít; dầu hỏa giảm 360 đồng/lít, chỉ còn 19.700 đồng/lít.
Còn nhớ, khi giá xăng tăng vào ngày 7/7, lập kỷ lục 25.640 đồng/lít, rất nhanh, các nhà xe đồng thanh “xin” tăng giá cước vận tải. Nhưng nay, mặt bằng giá xăng dầu trong nước đã giảm sâu, đứng ở mức rẻ nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, các nhà xe chọn giải pháp… im lặng là vàng!
Một chuyên gia về vận tải giải thích: Trong các yếu tố cấu thành giá cước vận tải, giá xăng dầu chỉ chiếm 40%. Các chi phí khác như: Bảo hiểm, thuế, phí... đang tăng, nên giá cước vận tải chưa thể giảm. Thật khó thuyết phục!
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu giảm sâu mà các nhà xe im lặng là thiếu cảm thông, chia sẻ với người tiêu dùng. Suy cho cùng, chỉ có người dân phải gánh chịu thiệt thòi.
Ngạn ngữ xưa có câu: “Ngồi trên đống cát, ai cũng là hiền nhân, quân tử. Ngồi trên đống vàng, mới biết ai chính là quân tử, hiền nhân”. Lợi nhuận làm mờ trách nhiệm xã hội, nên chăng?