Giá xăng dầu: Thuế chồng lên thuế
Tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định tại Thông tư 234/2009/TT-BTC ngày 9/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 84/2009/NĐ-CP không đơn giản chỉ cộng dồn theo phương pháp số học đơn thuần. Vì thế mới có chuyện kinh doanh xăng dầu tưởng lãi lại hóa lỗ. Thực tế trong giá xăng dầu hiện nay thuế đang chồng lên thuế.
Công Thương -Thông tư 234/2009/TT-BTC quy định,giá cơ sởlà giá để hình thành giá bán lẻ xăng dầu bao gồm các yếu tố và được xác định bằng (=) {Giá CIF cộng (+) Thuế nhập khẩu cộng (+) Thuế tiêu thụ đặc biệt} nhân (x) Tỷ giá ngoại tệ cộng (+) Chi phí kinh doanh định mức cộng (+) Quỹ Bình ổn giá (+) Lợi nhuận định mức trước thuế cộng (+) Thuế giá trị gia tăng cộng (+) Phí xăng dầu cộng (+) Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trong đó, giá cơ sở được tính bình quân của số ngày dự trữ lưu thông quy định tại Điều 22 Nghị định 84/2009/NĐ-CP (hiện nay quy định là 30 ngày).
Theo bảng tính giá cơ sở trên, ví dụ để tính giá cơ sở cho thời gian từ 25/8/12 đến 23/9/2012 (kể từ lúc doanh nghiệp đăng ký và Nhà nước điều chỉnh giá vào ngày 28/8 đến thời điểm các doanh nghiệp đề nghị điều chỉnh giá lần tiếp theo) phải dựa vào bình quân giá xăng dầu thế giới trong vòng 30 ngày.
Cụ thể đối với mặt hàng xăng RON 92, theo Bộ Công Thương, trong thời gian trên, giá nhập khẩu FOB bình quân 30 ngày là 122,165 USD/thùng (ngày cao nhất 14/9 xăng đạt đỉnh 126,170 USD/thùng, ngày thấp nhất 20/9 là 118,220 USD/thùng). Cách tính giá CIF (giá FOB cộng chi phí bảo hiểm và vận chuyển từ cảng nước ngoài về Việt Nam) như sau: 122,165 USD + 2,50 USD = 122,745 USD/thùng.
Mỗi thùng có 159 lít, nếu quy đổi thành tiền đồng phải lấy giá FOB nhân với tỉ giá USD Vietcombank là 20.878 VNĐ/USD: 122,745 x 20.878 : 159 = 16.117 đồng/lít.
Tuy nhiên, giá CIF để tính thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) lại tính theo tỷ giá liên ngân hàng (20.828) là: 122,745 x 20.828: 159 = 16.079 đồng/lít. Từ đó tính thuế nhập khẩu xăng (12% giá CIF) = 16.079 x 12 = 1.929 đồng/lít
Lưu ý, theo cách tính này,thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) bằng 10% tổng giá CIF cộng với thuế nhập khẩu(chứ không phải bằng 10% giá CIF): (16.079 + 1.929) x 10% = 1.801 đồng/lít.
Và thuế giá trị gia tăng (GTGT) được tính như sau: (giá CIF + thuế NK + thuế TTĐB + chi phí định mức + Lợi nhuận định mức tối đa + mức trích quỹ BOG + thuế bảo vệ môi trường) x 10%= (16.117 + 1.929 + 1.801+ 600 + 300 + 300 + 1.000) x 10%= 2.205 đồng/lít.
Như vậy theo cách tính hiện nay, giá cơ sở tính xăng A92 đến hết ngày 23/9 là 24.252 đồng/lít, chênh lệch so với giá bán hiện hành (23.650 đồng/lít) là 602 đồng/lít, tức là lỗ khoảng 600 đồng/lít.
Tương tự cách tính trên, dầu diezen lỗ gần 1.000 đồng/lít; dầu hỏa lỗ trên 1.125 đồng/lít và dầu mazut lỗ gần 974 đồng/lít.
Sự bất hợp lý trong cách tính này là trong giá cơ sở xăng dầu thuế chồng lên thuế. Mà cụ thể là thuế TTĐB bằng 10% tổng giá CIF cộng với thuế nhập khẩu; hay thuế GTGT cũng bằng 10% trên tổng thuế nhập khẩu, TTĐB, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, thuế bảo vệ môi trường và mức trích Quỹ BOG.
“Nếu tính theo phương pháp này, thuế bảo vệ môi trường không phải là 1.000 đồng/lít mà phải tới 1.100 đồng/lít, các loại thuế khác cũng bị tăng một cách vô lý”-một chuyên gia kinh tế thốt lên.
Còn giả sử phương pháp tínhgiá cơ sở thuế không chồng thuế, trong đó thuế TTĐB và thuế GTGT bằng 10% giá CIF: 16.079 x 10% = 1.600 đồng/lít thì giá cơ sở mặt hàng xăng A92 chỉ bằng 23.446 đồng/lít. Theo phương pháp này, doanh nghiệp có thể lãi hơn 100 đồng/lít.
Chênh lệch của 2 phương pháp tính tới trên 1.000 đồng/lít xăng A92.
Do thuế chồng lên thuế trong cách tính giá xăng dầu hiện nay khiến thuế trong giá cơ sở bị đẩy lên gần 500 đồng/lít. Do vậy mới có chuyện kinh doanh xăng dầu tưởng lãi hóa lỗ.
Nguyên tắc bất thành văn trong ngành thuế là “tránh đánh thuế hai lần”, nhưng cách tính theo Thông tư 234, thuế bị đánh trùng lần thứ hai, lần thứ ba. Bất hợp lý này liệu các cơ quan quản lý có biết để sớm điều chỉnh, giảm thuế, phí trong thành phần giá xăng dầu?