Điều hành giá năm 2013: Tránh gây “sốc”
Với mục tiêu lạm phát năm 2013 thấp hơn năm 2012, việc điều hành giá cả thị trường phải rất linh hoạt và tránh được những cú sốc tăng giá. Có thể nhìn thấy một số yếu tố gây bất lợi cho CPI năm 2013 như việc nới lỏng chính sách tiền tệ, giá điện tăng từ cuối năm 2012, giá dịch vụ y tế tăng...
CôngThương-Lộ trình phù hợp
Tại Hội thảo “Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam năm 2012 và dự báo năm 2013” mới đây, ông Nguyễn Tiến Thỏa- Tổng thư ký Hiệp hội Thẩm định giá Việt Nam- cho rằng: Chính sách giá năm 2013 cần thực hiện theo lộ trình được tính toán kỹ lưỡng. Việc điều hành giá các mặt hàng nhà nước còn định giá như điện, nước, dịch vụ y tế, giáo dục... cần phải có lộ trình rõ ràng, phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, linh hoạt theo diễn biến kinh tế.
Đặc biệt, một kịch bản xuyên suốt cho việc điều hành giá cả năm 2013, theo quan điểm của một số chuyên gia kinh tế, các mặt hàng tăng giá theo lộ trình cần tránh các thời điểm nhạy cảm, không nên tăng đồng loạt để tránh gây tâm lý bất ổn cho thị trường. Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường tại các địa phương tiếp tục khuyến khích thực hiện nhằm tránh tình trạng giá hàng hóa mang tính thời vụ trong những thời kỳ cao điểm. Các địa phương cũng có thể nhân rộng mô hình dự trữ hàng hóa bình ổn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh những mặt hàng vật tư, thiết yếu... Công tác quản lý và điều hành giá các mặt hàng thiết yếu phải có lộ trình rõ ràng, công bố giá minh bạch với người tiêu dùng...
Thực hiện thận trọng
Trong công tác điều hành giá cả năm 2013, vai trò của nhà nước rất quan trọng để giữ ổn định thị trường. Ông Nguyễn Lộc An- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)- chia sẻ: Chính phủ một số nước có quyền cấm xuất khẩu những mặt hàng có nguy cơ tăng giá và thiếu nguồn cung, đồng thời trợ cấp việc phân phối và nhập khẩu... “Ngoài việc học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia, công tác điều hành giá năm tới cần được thực hiện thận trọng, tránh tình trạng tăng giá đồng loạt, gây tâm lý bất ổn”- ông An bày tỏ.
Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định: Trong năm 2013, sẽ tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế quản lý và điều hành giá thông qua việc ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Giá. Đối với đại bộ phận hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế, sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tự định giá, cạnh tranh về giá theo tín hiệu thị trường và phù hợp với các quy định của pháp luật; nhà nước chỉ áp dụng các biện pháp kinh tế gián tiếp để tác động vào sự hình thành và vận động của giá hàng hóa dịch vụ và mặt bằng giá để thực hiện mục tiêu bình ổn giá theo quy định của pháp luật...
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - đưa ra quan điểm: Phải quan tâm tới công tác dự trữ quốc gia những mặt hàng thiết yếu như năng lượng, vật tư chủ yếu, lương thực thực phẩm chủ yếu... Cùng với đó, cần thiết lập chuỗi sản xuất phân phối đủ mạnh của những nhóm mặt hàng quan trọng, bảo đảm cung ứng chủ động, đầy đủ, ôn định với chi phíthấp nhất cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng xã hội; kịp thời ứng phó với những biến động của thị trường...
Tiến sĩLê Xuân Nghĩa: Giá lương thực giảm suốt từ tháng giêng đến tháng 9, giá thực phẩm giảm từ tháng 3 đến tháng 10 năm 2012 có thể giúp CPI năm 2012 không tăng cao, nhưng cũng là nguy cơ gây tăng giá trở lại vào năm 2013 do nguồn cung có thể thiếu hụt. |