Bộ Công Thương đề xuất: Tăng tính linh hoạt điều hành giá xăng dầu
Bộ Công Thương vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đánh giá và đề xuất hướng sửa đổi Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, sẽ tạo một thị trường cạnh tranh hơn, điều hành linh hoạt và tăng cường quản lý đối với hệ thống kinh doanh xăng dầu.
CôngThương-Nghị định 84 tạo tiền đề cho thị trường xăng dầu cạnh tranh
Đánh giá những kết quả đạt được của Nghị định 84, Bộ Công Thương nhận xét: Nghị định đã từng bước tạo ra tiền đề cho một thị trường xăng dầu cạnh tranh. Minh chứng là đến nay đã có 13 thương nhân đầu mối kinh doanh nhập khẩu (NK) xăng dầu thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau (9 thương nhân là DN nhà nước, 4 thương nhân là DN ngoài quốc doanh). Ngoài ra, có khoảng 300 tổng đại lý, khoảng 4.500 đại lý và khoảng 10.000 cửa hàng xăng dầu, phần lớn là các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh.
Về thị phần cũng có sự cạnh tranh và thay đổi. Nếu như trước đây, trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam- Petrolimex đảm bảo phần lớn xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng và an ninh quốc phòng cho đất nước thì tính đến hết tháng 10/2012, thị phần của Petrolimex chỉ còn khoảng 50%. Trong khi thị phần của Tổng công ty Dầu Việt Nam- PV Oil từ khoảng 13% nay tăng lên 16,6%; Tổng công ty thương mại XNK Thanh Lễ tăng từ 1,8% lên 5,3%...
Nguồn cung trong mọi tình huống về cơ bản được đáp ứng. Mặc dù lượng xăng dầu tiêu thụ nội địa tăng lên qua các năm nhưng đều được đáp ứng đầy đủ. Những tháng đầu năm 2011, hoạt động NK, kinh doanh xăng dầu có nguy cơ không đảm bảo đủ nguồn cung cho nhu cầu trong nước do các thương nhân đầu mối không được đáp ứng đủ ngoại tệ để NK xăng dầu vàbị lỗ quá lớn nên giảm hoa hồng cho các đại lý bán lẻ xuống mức quá thấp, không đủ bù chi phí, nguồn hàng khó khăn… Khi đó, một số đầu mối đã ngừng NK xăng dầu phục vụ nội địa (Tổng công ty Xăng dầu hàng hải VN đã không nhập xăng dầu từ 12/2010; Tổng công ty Xăng dầu Quân đội nhập chỉ đạt 6% hạn mức tối thiểu; Công ty CP dầu khí Mê Kông không nhập từ tháng 11/2011). Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương thường xuyên, liên tục phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý kịp thời những khó khăn để các đầu mối NK xăng dầu theo hạn mức tối thiểu được giao. Đồng thời yêu cầu các thương nhân đầu mối tổ chức tốt nguồn xăng dầu, đảm bảo liên tục bán ra trên toàn hệ thống bán lẻ.
Một thành công nữa là Nhà nước không còn phải bao cấp, bù lỗ xăng dầu. Giá bán lẻ xăng dầu trong nước về cơ bản phản ánh và bám sát được xu hướng biến động giá xăng dầu thế giới, làm giảm đáng kể tình trạng buôn lậu xăng dầu, chảy máu ngoại tệ… Trước ngày 15/9/2008, để ổn định giá bán lẻ xang dầu, Nhà nước phải bù giá xăng dầu qua thương nhân đầu mối. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2007 và 2008, khi giá xăng dầu chưa được vận hành theo cơ chế thị trường, số tiền ngân sách nhà nước phải chi ra để bù lỗ lên đến khoảng 33.625 tỷ đồng.
Người dân, DN và rộng hơn là xã hội, dù chưa thực sự đồng thuận nhưng cũng dần thích nghi với điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.
Những lỗ hổng cần khắc phục
Mặc dù đánh giá cao những tiến bộ của Nghị định 84, song Bộ Công Thương cũng chỉ ra một số quy định cần được nghiên cứu để bổ sung, sửa đổi:
Đó là những quy định điều kiện với các thương nhân kinh doanh xăng dầu về cầu cảng, kho chứa, hệ thống phân phối, phương tiện vận chuyển…. chưa cho phép đánh giá đúng năng lực thực sự của các thương nhân. Quy định điều kiện còn thấp (cầu cảng 7.000 tấn, kho tiếp nhận 15.000 m3…) dẫn đến chưa lựa chọn được thương nhân đầu mối có tiềm lực đủ mạnh để đảm bảo hệ thống phân phối khi có biến động. Quy định được phép thuê cầu cảng, kho chứa, phương tiện vận tải… của nhau dẫn đến không khuyến khích và không lựa chọn được các thương nhân có năng lực thực sự đầu tư cơ sở hạ tầng, tham gia thị trường; ngược lại, tạo ra sự phụ thuộc của các thương nhân gia nhập mới với thương nhân đầu mối cũ, làm giảm tính cạnh tranh trong tương lai cũng như tạo kẽ hở cho những thương nhân lợi dụng cơ chế, làm ăn chụp giật, nhất thời…
Đặc biệt, phân tích về công thức tính giá cơ sở, Bộ Công Thương nhấn mạnh, giá cơ sở quy định tại Nghị định được xác định là mức giá mang tính trung bình để điều hành, xem xét mức độ chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành, từ đó tiến hành xử lý mức giá cụ thể và áp dụng các biện pháp bình ổn giá. Giá cơ sở không phải là giá của một thương nhân, không phải là giá của một ngày, không phải là giá của một lô hàng. Đây là mức giá thể hiện xu thế biến động và chung cho tất cả thương nhân đầu mối. Do vậy sẽ có tác dụng tích cực tác động đến hoạt động kinh doanh của DN; khuyến khích DN lựa chọn bạn hàng, thời cơ giá nhập tốt, tổ chức mạng lưới kinh doanh hợp lý để có giá vốn thực tế thấp hơn giá cơ sở, tạo ra lợi nhuận cao hơn mức lợi nhuận định mức quy định (300 đồng/lít, kg). Ngược lại, sẽ tạo ra sức ép đối với các DN nhập với giá cao, tổ chức mạng lưới kinh doanh chưa hợp lý… dẫn đến có giá vốn cao hơn giá cơ sở, lợi nhuận sẽ ít, thậm chí không có lợi nhuận, do đó buộc các DN này phải tích cực tổ chức lại hoạt động kinh doanh để có hiệu quả.
Giá cơ sở được tính bình quân phù hợp với số ngày dự trữ lưu thông quy định tại Điều 22 của Nghị định (30 ngày). Tuy nhiên, xét về yếu tố thị trường thì lại không phản ánh đúng, sát với sự biến động giá hàng ngày của thị trường thế giới (có độ trễ so với sự tăng giảm của giá xăng dầu thế giới).
Một số yếu tố trong giá cơ sở hiện nay đã thay đổi như “phí xăng dầu” hiện nay đã chuyển thành “thuế bảo vệ môi trường”, thuế giá trị gia tăng trước đây không tính trên phí xăng dầu nhưng hiện nay có tính trên thuế bảo vệ môi trường… Như vậy là có sự sửa đổi và có sự thay đổi trật tự một số yếu tố cầu thành giá cơ sở (một số loại thuế, phí…) so với thời điểm xây dựng nghị định.
Đồng thời, trong cách tính giá cơ sở đang tồn tại 2 tỷ giá tính giá cơ sở khi hạch toán xăng dầu: tỷ giá liên ngân hàng để tính thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và tỷ giá bán của ngân hàng thương mại khi tính giá CIF cơ sở.
Đối với tần suất điều chỉnh giá, Bộ Công Thương cho rằng, việc quy định thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày dương lịch đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 10 ngày đối với trường hợp giảm giá là chưa linh hoạt trong điều kiện giá thế giới diễn biến phức tạp cũng như yêu cầu cần bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô hàng năm…
Ngoài ra, Bộ Công Thương chỉ ra, hiện nay lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức được Bộ Tài chính quy định tại Thông tư 234/2009/TT-BTC ngày 9/12/2009 (quy định chi phí kinh doanh cho 1 lít xăng, diezel, dầu hỏa là 600 đồng; 1kg dầu mazut là 400 đồng) xây dựng từ năm 2009 đến nay đã lạc hậu do các chi phí cầu thành đã có nhiều biến động (tiền lương, khấu hao, chi phí vận chuyển, chi phí tài chính…), do vậy, bên cạnh việc quy định nguyên tắc điều chỉnh cũng cần có sự điều chỉnh kịp thời các mức trên để xác lập mặt bằng giá cơ sở sát với thực tế.
Tăng tính linh hoạt trong điều chỉnh giá
Trước đó, đánh giá về nghị định 84, Bộ Tài chính đã đề xuất 3 phương án điều chỉnh tần xuất như sau: Phương án 1: quy định chu kỳ tính giá cơ sở phù hợp với tần suất điều chỉnh giá (10 ngày); Phương án 2: quy định tần suất điều chỉnh giá phù hợp với số ngày dự trữ lưu thông là 30 ngày, thay vì tần suất 10 ngày như hiện nay. Việc tính giá cơ sở vẫn theo chu kỳ tính 30 ngày; Phương án 3: quy định tần suất điều chỉnh giá hài hòa giữa dự trữ lưu thông và tần suất điều chỉnh giá- chu kỳ tính giá bình quân 15 ngày dương lịch.
Từ những phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án, Bộ Tài chính đề xuất chọn phương án 3 bởi cho rằng, phương án này hài hòa giữa tần suất điều chỉnh giá và số ngày dự trữ lưu thông, vẫn phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới, giá trong nước được giữ ổn định dài hơn. Tuy nhiên, nếu thực hiện phương án này thì một phần dự trữ lưu thông của DN (hiện nay là 30 ngày) không có cơ chế giải quyết.
Sau khi đánh giá, nghiên cứu, Bộ Công Thương có ý kiến: Về bản chất, phương pháp xác định giá cơ sở, cách điều hành là không thay đổi, chỉ thay đổi chu kỳ, tần suất điều chỉnh giá. Dù chu kỳ nào, tần suất nào cũng phải đảm bảo yêu cầu giá bán xăng dầu trong nước phản ánh được xu hướng của giá xăng dầu thế giới và phù hợp với quy định về số ngày dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu tương ứng được quy định tại Nghị định.
Hiện nay, Nhà nước ta chưa có chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống kho thuộc sở hữu Nhà nước phục vụ riêng cho dự trữ lưu thông xăng dầu. Vì thế thực tế, xăng dầu dự trữ lưu thông hiện nay do các thương nhân đầu mối thực hiện theo yêu cầu của Nhà nước. Do đó, việc tính toán giá cơ sở phải bảo đảm căn cứ theo số ngày dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu để tránh thiệt hại, khó khăn cho thương nhân về chi phí dự trữ... Chẳng hạn nếu tính giá cơ sở dựa vào giá thế giới ít hơn 30 ngày (khoảng 20 ngày) trong khi đó lại yêu cầu dự trữ lưu thông 30 ngày thì đối với số ngày còn lại (10 ngày) các chi phí phát sinh dự trữ phải được Nhà nước bù đắp.
Do đó Bộ Công Thương kiến nghị, quy định thời gian giữa 2 lần điều chỉnh (tăng hoặc giảm) từ Khoản 1 do Chính phủ quy định sang Khoản 2 cùng Điều 27 do Thủ tướng Chính phủ quyết định để tăng tính linh hoạt trong điều hành, phù hợp với biến động của giá xăng dầu thế giới và mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trong từng giai đoạn.
Giảm biên độ và mức tăng giá
Đối với biên độ điều chỉnh tăng, giảm giá xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất, cần nghiên cứu để quy định biên độ điều chỉnh giá phù hợp với biến dộng giá xăng dầu thế giới: thay vì theo 3 mức 7%, 12% và trên 12% như hiện nay (Khoản 2, Khoản 3 Điều 27) bằng các mức nhỏ hơn, chẳng hạn 3%, 5% và 7%; hoặc quy định mức điều chỉnh giá xăng dầu trong nước khi chênh lệch giữa giá cơ sở và giá hiện hành bằng con số cụ thể (ví dụ trong phạm vi đến 500 đồng/lít,kg thì thương nhân tự điều chỉnh giá bán; trên 500 đến 1.000 đồng/lít,kg thì thương nhân tự điều chỉnh giá kết hợp với sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; trên 1.000 đồng/lít,kg thì phải có ý kiến của liên Bộ Tài chính- Công Thương thương nhân mới được phép điều chỉnh giá; phạm vi này có thể thay đổi theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với từng thời kỳ).
Ngoài ra, để tăng cường quản lý hệ thống kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất những điều kiện bổ sung quy định cho thương nhân đầu mối, tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu. Theo đó, thương nhân là tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì Sở Công Thương nơi tổng đại lý đóng trụ sở sẽ cấp Giấy chứng nhận kinh doanh xăng dầu; còn những thương nhân là tổng đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên thì Bộ Công Thương sẽ cấp giấy chứng nhận...