Tiếp tục sắp xếp, đổi mới để DNNN mạnh hơn
(Chinhphu.vn)-Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định như vậy trong buổi nói chuyện với lãnh đạo cấp ủy và Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN), chiều 26/12.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước , chiều 26/12-Ảnh: VGP/Thành Chung
Phó Thủ tướng bày tỏ: “Trước nhiều câu hỏi đặt ra có cần đến vai trò của DNNN nữa hay không, thì quan điểm chỉ đạo của Đảng là vẫn phải cần”.
Hiện DNNN đang tham gia sản xuất kinh doanh ở 19 lĩnh vực, cung cấp 80% sản lượng xăng, dầu, điện; 70% lượng gạo xuất khẩu; 80% lượng phân bón hóa học…, địa bàn hoạt động vươn tới cả những vùng khó khăn, trọng điểm,… Nhờ kết quả sản xuất kinh doanh tốt ở nhiều lĩnh vực và thực hiện nhiệm vụ chính trị trong điều tiết kinh tế mà kinh tế vĩ mô của đất nước dần ổn định trong những năm qua.
Về những bất cập trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vốn của một số DNNN lớn thời gian qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ ra các nguyên nhân, trong đó có hạn chế ở khâu thể chế hóa và thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển DNNN còn nhiều thiết sót.
Bên cạnh đó là cơ chế giám sát của chủ sở hữu còn bất cập, không theo sát được diễn biến kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến các hiện tượng tiêu cực có thể là chuyển giá, gửi giá khi mua thiết bị. Đến lúc phát hiện ra thì việc đã rồi, Phó Thủ tướng cho biết.
Do vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh “Dứt khoát Nhà nước phải kiểm soát, chi phối được DNNN, chứ không giao quyền cho DNNN hoàn toàn được. Đây là bài học xương máu trong thời gian qua”.
Để khắc phục những bất cập trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 99/2012/NĐ-CP thay thế Nghị định 132/2005/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Với Nghị định này, Hội đồng quản trị của DNNN phải xin ý kiến các cấp chủ sở hữu khi quyết định vấn đề sản xuất kinh doanh quan trọng.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng cho biết quy định này phải được triển khai linh hoạt để không hạn chế tính chủ động của DNNN và khi sửa đổi Luật Doanh nghiệp, cần có một chương riêng quy định về DNNN. Ban Tổ chức Trung ương cũng đang nghiên cứu mô hình Đảng trong DNNN để đảm bảo sự giám sát nội bộ tốt hơn.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ nghiên cứu thúc đẩy cổ phần hóa vừa nâng cao hiệu quả kinh doanh, vừa tăng cường giám sát hoạt động của DNNN từ phía các thành phần kinh tế khác.
Ngoài ra, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng nêu các tồn tại của DNNN cần nhanh chóng khắc phục như: công nghệ lạc hậu, quản trị còn yếu kém, đầu tư dàn trải. Chính vì vậy, trong thời gian tới, phải tiếp tục sắp xếp, đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc sắp xếp, đổi mới DNNN theo Kết luận của Hội nghị Trung ương 6 sẽ “sâu hơn, mạnh mẽ hơn giai đoạn trước đây”. Hiện vẫn còn nhiều nội dung đổi mới gặp nhiều vướng mắc như vấn đề sở hữu đất của DNNN, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần.
Sau 21 năm thực hiện tái cơ cấu DNNN, chúng ta đã sắp xếp được 5.374 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 3.976 doanh nghiệp. Còn hơn 1.000 doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước.
Hiệu quả hoạt động của DNNN sau khi sắp xếp, cổ phấn hóa tăng lên. Năm 2010, số vốn của DNNN đạt 700.000 tỷ đồng, trong khi 9 năm trước con số này là 136.000 tỷ đồng. Phần lớn doanh nghiệp hoạt động có lãi (19/21 Tập đoàn có lãi), tỷ lệ DNNN lỗ hoặc hòa vốn giảm từ 60% xuống còn 20%, tỷ suất lợi nhuận đạt 18%, nộp ngân sách nhà nước từ 10% tăng lên 30%...