Chính sách chưa minh bạch, thị trường còn bất ổn- Kỳ II
Điều 27 quy định về giá bán xăng dầu trong Dự thảo lần 4 đã khắc phục được một số nhược điểm trong NĐ 84 là quy định rất chi tiết quyền định giá của DN. Tuy nhiên, một số quy định về quyền can thiệp của cơ quan quản lý cũng cần phải cụ thể.
Cần thường xuyên công khai giá cơ sở để người dân dễ dàng giám sát
CôngThương-Kỳ II: LÀM RÕ CÁC QUY ĐỊNH GIÁ BÁN LẺ XĂNG DẦU
Còn xin phép điều chỉnh giá, không tránh được đầu cơ
Trong dự thảo lần 4, việc sửa đổi Điều 27 quy định về giá bán lẻ xăng dầu khá tích cực, các quy định chi tiết, cụ thể hơn so với NĐ84 về quyền tự định giá của DN cũng như sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước trong mọi trường hợp.
Dự thảo quy định cụ thể trường hợp nào DN được tự quyết điều chỉnh giá, trường hợp nào được định giá và sử dụng Quỹ bình ổn. Điểm mới và tích cực là trong dự thảo là trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 8% so với giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế- xã hội và đời sống nhân dân thìNhà nước phải công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá.
Một điểm mới nữa trong Điều 27 quy định, khi điều chỉnh giá bán lẻ hoặc đề nghị sử dụng Quỹ BOG, DN đầu mối phải gửi văn bản đăng ký giá hoặc đề nghị đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu hết thời hạn quy định cơ quan quản lý nhà nước không trả lời thì DN được quyền thực hiện theo giá đăng ký hay đề nghị của mình.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu thực hiện quy định về giá trong dự thảo mới thì DN sẽ bị bó buộc hơn. Bởi trước theo Nghị định 84, DN chỉ đăng ký giá, Nhà nước hậu kiểm, nhưng theo dự thảo, DN phải đăng ký hoặc đề nghị và chờ cơ quan nhà nước trả lời, thực chất là phải xin phép điều chỉnh giá xăng dầu. Như vậy, sẽ không tránh khỏi khả năng, trong thời gian chờ cơ quan quản lý trả lời thì thị trường sẽ xảy ra hiện tượng găm hàng, đầu cơ trục lợi về giá khi giá điều chỉnh tăng, thị trường sẽ lại tái diễn “cơn sốt” xăng dầu. Đây là kẽ hở tạo sự bất ổn cho thị trường mà các cơ quan chức năng phải tính đến.
Chu kỳ tăng giảm giá: Phải gắn với tồn kho
Mặc dù có những tích cực, nhưng một số điểm trong dự thảo vẫn chưa rõ, dễ gây hiểm lầm trong thực hiện:
Đó là, số ngày dự trữ lưu thông trong dự thảo lần này vẫn không thay đổi so với với Điều 22 trong NĐ 84 là “các thương nhân đầu mối XNK xăng dầu phải có trách nhiệm dự trữ lưu thông xăng dầu trong 30 ngày”. Như vậy, vấn đề đặt ra là, chu kỳ tăng, giảm giá xăng dầu quy định 10 ngày đã cân nhắc đến số ngày dự trữ lưu thông hay chưa? Bởi dự trữ lưu thông là pháp lệnh phải thực hiện để bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm cân đối cung cầu, nhưng nếu chu kỳ tính giá không cân nhắc đến dự trữ lưu thông thì khi có rủi ro về giá thì hậu quả DN lại phải là người phải gánh chịu. Khi đó nếu lỗ do cơ chế quản lý khó có thể xác định trách nhiệm thuộc về ai.
Thực tế đã từng diễn ra nhiều lần, nếu theo NĐ 84, chu kỳ tăng giảm giá quy định là 10 ngày, nhưng khi giá thế giới tăng, các DN điều chỉnh giá theo quy định này thì dư luận lại kêu là nhanh quá, gây sốc.... Nhưng khi Bộ Tài chính quyết định tăng chu kỳ điều chỉnh lên 20 ngày thì khi giá thế giới xuống giá mà giá trong nước chưa kịp giảm thì dư luận lại lên tiếng là chậm quá.
Vì thế, thiết nghĩ, khi nghị định mới được ban hành, nếu Nhà nước không kiên trì thực hiện đúng quy định thì mọi sự phức tạp lại tái diễn bởi việc điều hành lại theo lối cũ, chạy theo dư luận.
Công khai giá cơ sở
Để minh bạch, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần thường xuyên công bố công khai giá cơ sở để người dân dễ dàng giám sát.
Để thực hiện được điều này một khách quan nhất thì Bộ Tài chính là cơ quan đứng ra công bố giá cơ sở trên website của mình bên cạnh việc công bố quỹ BOG định kỳ hàng quý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.