Chính sách chưa minh bạch, thị trường còn bất ổn- Kỳ I
Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu được kỳ vọng sẽ tiến bộ, minh bạch hơn, tạo điều kiện cho kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, dự thảo lần 4 nghị định sửa đổi còn nhiều quy định chưa rõ ràng, chưa cụ thể làm giảm tính minh bạch của chính sách.
CôngThương -Kỳ I: ĐỂ QUỸ BÌNH ỔN ĐƯỢC "ỔN"
Mặc dù còn nhiều ý kiến về tính minh bạch trong trích lập, sử dụng và quản lý Quỹ bình ổn xăng dầu (gọi tắt là BOG) nhưng không thể phủ nhận tác dụng của Quỹ bình ổn xăng dầu (BOG). Theo báo cáo của Bộ Tài chính trước Quốc hội, từ năm 2010 đến nay, nếu không có công cụ BOG thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng giá cao hơn và tần suất tăng giá cũng nhiều lần hơn. Trước năm 2008 khi chưa có quỹ, mỗi năm, Nhà nước phải bỏ ra trên 20.000 tỷ đồng để bù lỗ cho xăng dầu… Một lần nữa Liên Bộ Tài chính- Công Thương đều thống nhất việc cần thiết có Quỹ bình ổn xăng dầu (BOG) và thể hiện qua việc đưa Quỹ bình ổn vào dự thảo lần 4.
Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn ở đây là sau khi sửa đổi, dự thảo lần 4 của nghị định sửa đổi 84 vẫn chưa thể công khai, minh bạch BOG trong trích lập, sử dụng và quản lý quỹ như nhiều người mong đợi.
Nên tạm dừng trích nộp quỹ khi đang lỗ
Điều mới ở dự thảo lần này là quỹ bình ổn được Bộ Công Thương đề xuất giữ nguyên và được hạch toán riêng, chỉ được sử dụng vào mục đích bình ổn giá trong phạm vi số dư quỹ. Tuy nhiên, dự thảo mới đưa ra việc khi quỹ âm thì không sử dụng mà chưa đưa ra nguyên tắc trích nộp quỹ và dừng trích nộp quỹ trong các trường hợp cụ thể.
Đề cập đến Quỹ BOG, trước hết là nguyên tắc trích nộp quỹ, Điều 26 NĐ 84 chỉ nêu ra “Thương nhân đầu mối có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá để tham gia bình ổn” và “Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn”. Nhưng theo Điều 4, Khoản 2, Thông tư 237/2009/TT-BTC (thông tư hướng dẫn NĐ 84) chỉ quy định số tiền trích nộp quỹ là 300 đồng/lít (kg) mà chưa đưa ra nguyên tắc trích nộp.
Như vậy, nếu DN bán giá bằng hoặc cao hơn giá cơ sở thì việc trích nộp 300 đồng/lít (kg) xăng dầu từ người tiêu dùng vào BOG là đương nhiên, là hợp lý. Nhưng bất hợp lý là trong những trường hợp đặc biệt, Nhà nước yêu cầu giữ giá xăng dầu, DN phải bán giá thấp hơn giá cơ sở, nghĩa là kinh doanh lỗ (do điều hành) thì sẽ không thu đủ hoặc không thu được 300 đồng/lít từ người tiêu dùng. Nghĩa là lúc đó người tiêu dùng được hưởng lợi theo chính sách bình ổn giá của Nhà nước.
Có những thời điểm giá bán của DN thấp hơn giá cơ sở (đã được bù từ việc sử dụng BOG nhưng vẫn chưa đủ bằng 100% giá cơ sở) nhưng vẫn phải duy trì quy định trích lập quỹ đủ theo mức quy định thì phần chênh lệch (giá cơ sở - giá bán – 60%BOG) chỉ còn một cách duy nhất là DN phải sử dụng vốn của mình để đưa vào BOG. Điều này đã vi phạm nguyên tắc “bảo toàn, phát triển vốn” do Nhà nước giao cho DN.
Chính vì nguyên tắc trích lập không được quy định cụ thể trong nghị định nên xảy ra những bất hợp lý đã, gây bức xúc cho DN, mà không dưới 2 lần (năm 2011, 2012) trong kết luận của Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị “Khi kinh doanh xăng dầu lỗ do bình ổn giá thì đề nghị không trích nộp vào Quỹ”.
Minh bạch quản lý, sử dụng quỹ từ Nghị định
Việc quản lý và sử dụng Quỹ BOG như hiện nay đã gây nhiều bức xúc cho dư luận và DN. Doanh nghiệp đầu mối thì bức xúc vì rất nhiều giai đoạn quỹ âm hàng ngàn tỷ đồng mà DN vẫn phải trích và sử dụng, còn người sử dụng cũng bức xúc vì nghi ngờ quỹ bị lạm dụng.
Việc sử dụng quỹ BOG có hai tình hưống xảy ra, với quy mô quỹ lên hàng trăm ngàn tỷ đồng nhàn rỗi khi chưa được huy động vào mục đích bình ổn giá nếu không huy động để tạo ra của cải vật chất thì là thiệt hại lớn cho toàn xã hội nếu một lượng tiền mặt không được lưu thông. Số tiền này để tại các DN đầu mối nên người dân cho rằng mình bị thiệt thòi mà bức xúc, đòi phải công khai việc sử dụng quỹ.
Điều đó cho thấy, nguyên tắc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG cần phải cụ thể hóa tại Nghị định sửa đổi đợt này. Để công bằng trong việc sử dụng và quản lý quỹ có thể xem xét phương án: Quỹ BOG đặt tại DN, hạch toán riêng. Nếu quỹ dương, DN sử dụng quỹ phải trả lãi bằng lãi vay ngân hàng; còn khi quỹ âm thì phải trả lãi bằng lãi vay ngân hàng cho DN, vì khi đó DN đang phải sử dụng vốn của mình cho quỹ. Tốt nhất là khi Quỹ BOG hết thì sử dụng các công cụ khác (giảm thuế) để giữ bình ổn giá bán lẻ xăng dầu hoặc chấp thuận để doanh nghiệp tăng giá theo đúng công thức của Nghị định 84. Không nên để tái xảy ra tình trạng “quỹ âm”, “quỹ ảo” như thời gian qua. Bên cạnh đó, khi đang lỗ thì nên dừng trích lập quỹ BOG.
Đồng thời để người dân giám sát việc sử dụng quỹ, Bộ Tài chính phải là cơ quan công khai công bố việc sử dụng quỹ theo từng quý như Bộ trưởng Bộ Tài chính đã cam kết. Theo đó, các DN đầu mối cũng phải có trách nhiệm báo cáo việc sử dụng quỹ đối với Liên Bộ Tài chính- Công Thương.