Chỉ thị số 13/CT-BCT về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng

Chỉ thị số 13/CT-BCT về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng

Văn phòng Bộ

01:27 CH @ Thứ Năm - 05 tháng 10, 2017

Ngày 04/10/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).

Theo đó, để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh LPG, ngăn chặn, hạn chế tối đa những vi phạm có thể xảy ra trong kinh doanh LPG, góp phần ổn định thị trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội Gas Việt Nam, các cơ sở kinh doanh LPG, các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương tổ chức triển khai các nội dung sau:

1. Đối với Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương

a. Tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh LPG, giám sát chặt chẽ hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh LPG trên địa bàn. Chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh LPG. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh LPG không duy trì đúng các điều kiện kinh doanh, điều kiện an toàn, phòng chống cháy nổ thì xem xét đình chỉ hoạt động, thu hồi hoặc tước Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.

b. Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh, bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ đối với thương nhân kinh doanh LPG đầu mối, tổng đại lý và đại lý kinh doanh LPG, cửa hàng bán LPG chai, trạm nạp, trạm cấp LPG, cơ sở sản xuất, sửa chữa chai LPG. Tăng cường kiểm tra đột xuất các trạm nạp LPG vào chai. Xóa bỏ các điểm sang chiết, nạp LPG trái phép.

c. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan ở địa phương khẩn trương rà soát và xây dựng phương pháp phù hợp di dời các cơ sở kinh doanh LPG ra khỏi các khu tập trung đông dân cư, không thuận lợi cho công tác phòng cháy chữa cháy.

d. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông, thông tin đại chúng và chính quyền địa phương các cấp (đặc biệt là cấp quận, huyện, xã, phường) triển khai mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh LPG cho các tổ chức, cá nhân tại địa phương. Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong kinh doanh LPG để người tiêu dùng biết, giám sát, tự bảo vệ mình.

2. Đối với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương

a. Cục Quản lý thị trường

- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh LPG trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, thiết lập hệ thống phân phối theo quy định, quy định về an toàn, vệ sinh và lao động. Phối hợp với lực lượng Công an rà soát, kiểm tra các trạm chiết nạp LPG, kho chứa chai LPG có dấu hiệu vi phạm. Kiên quyết xóa bỏ các trạm sang chiết, nạp LPG trái phép, các điểm kinh doanh chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, xử lý nghiêm khắc, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với Vụ Pháp chế, Vụ Thị trường trong nước, cơ quan truyền thông, thông tin đại chúng tuyên truyền hướng dẫn doanh nghiệp và người tiêu dùng các quy định của pháp luật về kinh doanh LPG, chế tài xử lý nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật để ngăn ngừa vi phạm. Thông tin kịp thời về các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Chủ trì, phối hợp với các Vụ, Cục có liên quan hướng dẫn, giải đáp chuyên môn nghiệp vụ kiểm tra, xử lý kịp thời theo yêu cầu của địa phương.

b. Vụ Thị trường trong nước

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh LPG. Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá sự phù hợp của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về quản lý hoạt động kinh doanh LPG với thực tế sản xuất, kinh doanh; kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong kinh doanh LPG.

- Làm đầu mối phối hợp với Hiệp hội gas Việt Nam tăng cường trao đổi thông tin về cơ chế, chính sách và thông tin thị trường gas. Nắm bắt các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp kinh doanh LPG phối hợp với các cơ quan liên quan để kịp thời giải quyết.

c. Vụ Pháp chế

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, rà soát, đánh giá những quy định bất cập, chồng chéo trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý về kinh doanh khí nói chung và LPG nói riêng; kịp thời kiến nghị, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung.

- Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước và các đơn vị có liên quan, kiểm tra theo dõi thi hành pháp luật đối với hoạt động kinh doanh LPG.

- Chủ trì phối hợp với Vụ Thị trường trong nước, Cục Quản lý thị trường, cơ quan truyền thông, thông tin đại chúng triển khai mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền hướng dẫn doanh nghiệp và người tiêu dùng các quy định của pháp luật về kinh doanh LPG, chế tài xử lý nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật để ngăn ngừa vi phạm.

d. Văn phòng Bộ và các cơ quan báo chí, truyền thông thuộc Bộ Công Thương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về kinh doanh LPG, chế tài xử lý, thông tin đầy đủ kịp thời về các trường hợp xử lý vi phạm trong kinh doanh LPG.

3. Đối với Hiệp hội gas Việt Nam

a. Chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương, nhất là với Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường trong việc cung cấp thông tin hỗ trợ cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh LPG. Tuyên truyền, vận động các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Hiệp hội thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong kinh doanh LPG.

b. Tăng cường trao đổi với các cơ quan chức năng thông tin về cơ chế, chính sách và thông tin thị trường gas. Nắm bắt các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp kinh doanh LPG phối hợp với các cơ quan liên quan để kịp thời giải quyết.

4. Đối với các cơ sở kinh doanh LPG

a. Thương nhân kinh doanh LPG đầu mối chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật trong kinh doanh LPG; chịu trách nhiệm, quản lý chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra hệ thống phân phối của mình. Có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong hệ thống kinh doanh LPG của mình, kể cả việc cắt hợp đồng đối với tổng đại lý, đại lý kinh doanh LPG hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Có trách nhiệm thông báo cho chủ sở hữu các chai LPG đến và trao đổi sản phẩm đối với các chai LPG của thương nhân kinh doanh LPG khác mà trong quá trình kinh doanh hệ thống phân phối thu hồi để thay thế sản phẩm của mình.

b. Các Tổng đại lý/đại lý, cửa hàng bán lẻ LPG thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện kinh doanh, an toàn phòng chống cháy nổ. Không mua, bán LPG và LPG chai không có nguồn gốc xuất xứ, không phù hợp với hợp đồng đã ký với thương nhân kinh doanh LPG đầu mối; không mua, bán các loại chai LPG đang lưu thông trên thị trường thuộc sở hữu của thương nhân kinh doanh LPG đầu mối khác. Chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, lắp đặt, hướng dẫn khách hàng về an toàn sử dụng LPG tại các cơ sở kinh doanh và trong quá trình sử dụng.

c. Các trạm chiết nạp LPG vào chai chấp hành quy định về nạp vào chai LPG đủ điều kiện lưu thông trên thị trường, quy định về việc chiết nạp thuê cho thương nhân khác đủ điều kiện kinh doanh LPG, quy định về chứa chai LPG của thương nhân kinh doanh LPG đầu mối khác không có hợp đồng thuê chiết nạp.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội