Đừng chất thêm gánh nặng vào giá xăng dầu!
Nếu thu thêm phí bảo trì đường bộ và phí môi trường, giá xăng sẽ tăng thêm bao nhiêu? |
Cập nhật: 6:30:00 12/5/2010
Việc Bộ Giao thông vận tải chấp nhận đề xuất của Tổng cục đường bộ Việt Nam thu thêm phí qua giá bán xăng dầu để lập quỹ bảo trì đường bộ đang dấy lên nhiều ý kiến. Nếu phương án trên thực hiện, nguy cơ giá xăng dầu Việt Nam sẽ còn cao hơn hiện nay.
CôngThương -
Thuế và phí chiếm 30%
Lâu nay, người tiêu dùng thường than vãn giá xăng dầu ở Việt Nam cao, tăng nhiều giảm ít, nhằm vào các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để phê phán nhưng ít ai chú ý tới tỉ lệ phí, thuế chiếm trong giá bán xăng dầu cao hay thấp.
Theo Tổ giám sát giá xăng dầu Liên bộ Tài chính- Công thương, trong cơ cấu giá bán xăng dầu hiện nay, chưa kể khoản thu Quỹ bình ổn (300 đồng/lít), các loại thuế, phí mà Nhà nước thu (thuế nhập khẩu: xăng 17%, dầu hỏa, mazut, diezen 10%; thuế TTĐB 10%; thuế giá trị gia tăng 10%; phí xăng dầu: 1.000 đồng/lít xăng, 500 đồng/lít diezen, 300 đồng/lít với dầu hỏa và mazut) đang chiếm một tỉ lệ lớn, khoảng 30%.
Vì thế, để thực hiện bình ổn giá, từ tháng 3/2010, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ điều chỉnh tỉ lệ các khoản thu để có cơ hội đưa mặt bằng giá xăng dầu xuống thấp. Thực tế, ngày 21/4, Bộ Tài chính đã thực hiện giảm thuế nhập khẩu xăng dầu (3% với mặt hàng xăng, 5% với dầu hỏa và diezen) đồng thời cho xả quỹ bình ổn để giảm bớt gánh nặng lỗ cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và giữ giá khi giá xăng dầu thế giới ở mức cao.
Trước đó Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến các đơn vị có liên quan để xây dựng dự thảo Luật Thuế môi trường. Theo đề xuất, mỗi lít xăng dầu có thể bị thu thêm khoảng 1.000- 4.000 đồng tiền thuế môi trường.
Phí chồng lên phí?
Sau thông tin trên, ông Vương Thái Dũng- Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)- cho biết: Trong cơ cấu giá xăng của nhiều nước cũng có một số loại phí liên quan đến giao thông vì đây là cách thu đầy đủ, hiệu quả nhất cho ngân sách nhà nước. Nếu Chính phủ đồng ý với phương án của Bộ GTVT, chúng tôi phải có trách nhiệm thực hiện nhưng cơ quan quản lý phải giải thích rõ cho người dân hiểu đây là một khoản thu khác, không phải tăng giá xăng dầu.
Nhưng nhiều ý kiến phản đối cho rằng, việc thu phí bảo trì đường bộ là chưa hợp lý bởi những công trình giao thông dùng tiền từ ngân sách Nhà nước trong đó đã có tiền thu thuế của người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, hiện nay cũng đã có mức tính phí giao thông qua giá bán xăng dầu, nếu tiếp tục thu phí đối với các phương tiện sử dụng xăng dầu thì chắc chắn phí sẽ chồng lên phí, như thế người dân, doanh nghiệp phải chịu “gánh nặng” quá nhiều khi sử dụng phương tiện giao thông đường bộ.
Theo Luật gia Vũ Xuân Tiền- Tổng giám đốc Công ty tư vấn VFAM Việt Nam: Nếu bỏ mức tính phí qua xăng, dầu trước đây để bổ sung vào mức tính phí giao thông đường bộ hiện tại để giá xăng vẫn được giữ nguyên thì chấp nhận được nhưng nếu không bỏ mà lại cộng thêm mức tính phí này nữa thì vô lý. Hiện nay, tất cả các tuyến đường đều đã có thu phí cầu, đường. Đã thu phí đường bộ rồi, nay lại lập ra một quỹ để thu thêm lần nữa thì người dân và doanh nghiệp phải chịu quá nhiều loại phí đường bộ. Nhà nước giao quyền thu phí giao thông cho các doanh nghiệp, vậy thì những doanh nghiệp nào nhận thầu đều phải trích nộp khoản kinh phí vào việc duy tu, bảo dưỡng.
Ông Vũ Văn Trường- Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính)- cho biết quan điểm của mình, không nên đưa quá nhiều thuế, phí vào giá bán của mặt hàng xăng dầu bởi vì hiện biểu giá xăng hiện hành được thực hiện theo cam kết quốc tế. Các nước đều thu phí, thuế qua giá xăng nhưng mỗi nước đặt một tên khác nhau và chỉ tính vào một mục chung cho một khoản thu chung. Hơn nữa, lúc này đặt vấn đề thu phí bảo trì đường bộ qua giá xăng dầu là chưa hợp lý và khó có thể được chấp thuận. Bởi đã có quá nhiều thuế, phí gánh vào giá xăng.
Nhưng nếu thực hiện những phương án trên, giá xăng dầu ở Việt Nam sẽ không dừng ở mức như hiện nay, mà còn cao hơn nữa. Trong khi chi phí xăng, dầu là một phần quan trọng cấu thành trong giá sản phẩm, dịch vụ. Không chỉ riêng lĩnh vực vận tải mà nhiều lĩnh vực khác đều có liên quan sẽ chịu ảnh hưởng. Xét nhiều mặt lợi, hại trong thời điểm hiện nay, việc thu phí này sẽ ảnh hưởng tới đầu vào của sản xuất, làm tăng giá dịch vụ, làm yếu tính cạnh tranh hàng Việt Nam và nguy cơ tiềm ẩn là nhiều mặt hàng sẽ phải tăng giá, gây bất ổn, tăng chỉ số giá tiêu dùng.
Thanh Hương