Người tiêu dùng cần quen với giá xăng dầu theo thị trường
Số 64, Thứ Năm 25/3/2010; Trang 3-4
Đây là khẳng định của các đại diện Bộ Công Thương và Bộ Tài chính tại buổi toạ đàm trực tuyến về việc điều hành chính sách giá mặt hàng xăng dầu theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP, do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức ngày 24-3.
Doanh nghiệp vẫn được quyền tự quyết
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, Nghị định 84 đã quy định rõ nguyên tắc: Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Do vậy, giá xăng dầu hiện nay đương nhiên sẽ do thị trường quyết định. Nhà nước chỉ can thiệp bình ổn thông qua chính sách thuế và Quỹ bình ổn giá (1.300 tỷ đồng) khi giá thế giới biến động làm cho giá vốn (giá bình quân trong thời gian lưu thông) tăng trên 12% và đặc biệt là trong trường hợp giá tăng cao, tác động đến tình hình kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc các doanh nghiệp tăng giá bán xăng dầu hai lần kể từ 15-12-2009 đến nay vẫn hoàn toàn đúng quy định và phù họp với quy luật thị trường. Vấn đề quan trọng là người tiêu dùng cần quen dần với giá thị trường tương tự như việc người tiêu dùng đã chấp nhận việc mua gạo theo giá thị trường.
Cùng quan điểm với Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, Cục phó Cục Quản lý Giá cả Bộ Tài Chính Nguyễn Thanh Hương cũng cho rằng: Việc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tăng giá hai lần kể từ khi Nghị định 84 có hiệu lực đến nay là hoàn toàn đúng quy định bởi tỷ giá giữa Việt Nam đồng và USD được điều chỉnh; đồng thời giá một số yếu tố đầu vào cũng tăng. Việc tăng giá bán xăng dầu này cũng được doanh nghiệp báo cáo lên liên Bộ Tài Chính và Công Thương. Bà Hương khẳng định: Mặc dù việc tăng giá xăng dầu tác động trực tiếp và gián tiếp đến mọi mặt của đời sống nhưng người dân phải quen dần với mức tăng giá hợp lý của doanh nghiệp như hiện nay.
Trước ý kiến cho rằng nên sửa Nghị định 84 theo hướng không giao quyền quyết định giá xăng dầu cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết: Nghị định 84 đã mở ra quyền tự chủ cho các doanh nghiệp trong phạm vi nhất định. Chúng ta cần phải tiếp tục lộ trình này vì định hướng lớn của Nhà nước là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Muốn xây dựng kinh tế thị trường thì các mặt hàng phải theo cơ chế thị trường. Chúng ta không thể đi giật lùi khỏi định hướng lớn đó của Đảng, Nhà nước. Nếu mỗi lần khó mà đi giật lùi thì không bao giờ có thể tới đích!
Nhà nước chỉ can thiệp trong trường hợp cần thiết
Trả lời câu hỏi vì sao Nghị định 84/2009/NĐ-CP đã trao quyền tự quyết giá xăng dầu, nhưng ngày 22/3 mới đây, Bộ Tài chính vẫn có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp (DN) chưa tăng giá bán lẻ các mặt hàng này, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho biết: Theo Nghị định 84, DN chỉ có một phần quyết định giá xăng dầu. Tại mục a, khoản 1, điều 26, Nghị định 84 có quy định: Giá xăng dầu được quyết định theo giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Mà sự quản lý của Nhà nước được thể hiện ở nhiều điều khoản dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có quy định nguyên tắc, thời điểm, mức độ, phương pháp thay đổi giá…
Văn bản của Bộ Tài chính vận dụng quy tắc này. Cụ thể ở mục c, khoản 3, điều 27 trong Nghị định 84 có quy định: Khi giá thị trường có thể tác động tới các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, Chính phủ có quyền điều tiết việc tăng giảm giá của doanh nghiệp.
Hiện Tổng Công ty Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) đã công khai cách tính giá xăng dầu trên website. Bộ Công Thương cũng công bố giá xăng dầu công khai trên website của Bộ và yêu cầu tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều phải công bố. Cùng với đó, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát về giá các mặt hàng “nhạy cảm” như xăng dầu để có biện pháp bình ổn kịp thời nhằm kết hợp một cách hài hoà giữa quyền lợi của người tiêu dùng và hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cũng khẳng định: Mặc dù Petrolimex nắm tới 60% thị phần nhưng trên thực tế vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nhà nước và chưa bao giờ có thể kinh doanh độc quyền. Hiện nay trên tổng số 10.000 cây xăng, cây xăng của Petrolimex chỉ chiếm 20%. Hơn nữa, với tỷ trọng chiếm 60% thị phần, nếu Petrolimex giảm giá mà các doanh nghiệp khác không giảm sẽ không thể tiêu thụ được xăng dầu. Vì vậy, vai trò của Petrolimex cho đến nay vẫn là thực hiện điều tiết thị trường và cung cấp xăng dầu tại những vùng miền núi và hẻo lánh-nơi các doanh nghiệp khác không đủ sức vươn tới vì chi phí quá lớn.
HƯỜNG - PHƯƠNG – TTN