Dầu nhờn Petrolimex “tấn công” thị trường Tây Nguyên - Kỳ 2
Địa bàn hoạt động của Công ty Xăng dầu Bắc Tây Nguyên (Petrolimex Bắc Tây Nguyên) trên 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai. Đây cũng là một “điểm sáng” của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trong kinh doanh.
CôngThương- Kỳ 2: Petrolimex Bắc Tây Nguyên: Mục tiêu tiếp cận cơ chế thị trường
Khi bắt đầu triển khai, thương hiệu dầu nhờn Petrolimex còn rất mờ nhạt trên địa bàn Tây Nguyên, bởi trên thị trường đã có những thương hiệu dầu nhờn nổi tiếng như Caltex, Castrol, BP… Petrolimex Bắc Tây Nguyên đã phối hợp với Công ty Cổ phần Hóa dầu Petrolimex- chi nhánh Đà Nẵng triển khai bán sản phẩm dầu nhờn, áp dụng nhiều chính sách khuyến mại nhằm đẩy mạnh bán hàng. Năm 2006, công ty đã bán được 400.000 ngàn lít, lãi 300 triệu đồng.
Lãnh đạo Petrolimex Bắc Tây Nguyên đã lấy kết quả kinh doanh dầu nhờn của năm 2006 làm kỳ gốc ban đầu để từ đó xây dựng cơ chế bán hàng, thực hiện điều tra thị trường, tổ chức bán hàng, tiếp cận khách hàng… sao cho lợi nhuận những năm sau không được thấp hơn kỳ gốc là năm 2006. Chính sách của công ty là lấy lãi kinh doanh dầu nhờn để đầu tư ngay lại mảng kinh doanh này, đưa ra chính sách khuyến khích phát triển thị trường. tiến hành khảo sát thị trường, tìm cho ra phương thức bán hàng và giá cả thích hợp.
Kết quả, thương hiệu dầu nhờn Petrolimex hiện nay được nhiều người tiêu dùng trên thị trường Gia Lai, Kon Tum biết đến, từng bước “tấn công” thị trường Tây Nguyên. Từ năm 2006 đến nay, công ty đã bán ra đạt gần 1.500 tấn dầu nhờn. Từ một cửa hàng bán dầu nhờn, hiện nay ở Gia Lai công ty có 20 cửa hàng, Kon Tum khoảng 5-7 cửa hàng bán dầu nhờn, đạt kết quả rất tốt.
Ông Vũ Huy Trí - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Petrolimex Bắc Tây Nguyên: Mục tiêu của công ty là lấy kinh doanh dầu nhờn để rèn luyện, đào tạo đội ngũ công nhân viên nhằm sau này khi kinh doanh xăng dầu hoàn toàn theo cơ chế thị trường, công ty đã có sẵn có một đội ngũ có kinh nghiệm kinh doanh, đứng vững trên thương trường. |
“Từ kết quả đó, chúng tôi được ba cái lợi. Thứ nhất là lợi nhuận không giảm so với kỳ gốc mà tiếp tục tăng, năm cao nhất đạt tới 3 tỷ đồng; thứ hai, sản lượng bán dầu nhờn đến nay tăng hơn 3 lần; thứ ba, đã đào tạo được đội ngũ chuyên viên của phòng kinh doanh, đội ngũ cửa hàng trưởng có kinh nghiệm. Ngoài ra, cả nhân viên các cửa hàng bán lẻ cũng tham gia đi bán dầu nhờn. Đây là cái bền vững nhất, là cơ sở để khi kinh doanh xăng dầu hoàn toàn theo cơ chế thị trường, chúng tôi đã có một đội ngũ vững vàng”- ông Vũ Huy Trí- Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Petrolimex Bắc Tây Nguyên - vui vẻ cho biết.
Công tác kinh doanh các mặt hàng khác của Petrolimex Bắc Tây Nguyên cũng đạt top đầu hệ thống công ty xăng dầu Petrolimex. Năm 2012, công ty xuất khẩu được 71 tấn dầu nhờn Petrolimex, 2 tấn sơn Petrolimex qua Campuchia; sản lượng gas Petrolimex bán ra đạt 625 tấn…
Ông Trí chia sẻ thêm:“Tạm nhập tái xuất xăng dầu và xuất khẩu dầu nhờn, sơn là lĩnh vực kinh doanh chúng tôi khá say mê, vừa quản lý được thị trường lại vừa có lãi”.
Kinh nghiệm của hai công ty xăng dầu trên địa bàn Tây Nguyên đã được nhiều công ty xăng dầu trong hệ thống Petrolimex học hỏi, áp dụng. Được biết, đây cũng là 2 trong 8 công ty xăng dầu của Petrolimex kinh doanh xăng dầu có lãi do đã chủ động phát triển kinh doanh hàng hóa, dịch vụ Petrolimex: Dầu nhờn, gas, sơn,… trong bối cảnh kinh doanh xăng dầu sáng không đạt được lợi nhuận kế hoạch do thực hiện chính sách bình ổn giá theo quyết định của nhà nước. Đúng là “Cái khó ló cái khôn”!