Ngăn chặn xuất lậu xăng dầu qua biên giới Tây Nam: Làm ngay trước khi quá muộn
Những can xăng dầu chuẩn bị xuất lậu. |
Hiện nay, giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu trong nước thấp hơn giá bán lẻ tại thị trường Campuchia từ 2.000 – 3.000 đồng. Sự chênh lệch đã khiến việc xuất lậu xăng dầu khu vực biên giới Tây Nam xuất hiện trở lại, thách thức sự quản lý của các cơ quan chức năng.
CôngThương - Xăng dầu “chảy” qua biên giới bằng nhiều đường, nhiều cách…
Trên thực tế, tình trạng xuất lậu xăng dầu đang diễn ra tại các tỉnh biên giới Tây Nam: Kiên Giang, An Giang, Long An, Tây Ninh… qua cả đường bộ, đường sông và đường biển. Trong đó, An Giang là tỉnh thường xuyên xuất hiện các điểm “nóng” buôn lậu mỗi khi xăng dầu có biến động về giá. Khu vực gần cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên được xem là “thủ phủ” của hoạt động này. Theo đánh giá của lực lượng Bộ đội Biên phòng, tình hình xuất lậu xăng dầu ở đây chỉ mới bước vào giai đoạn đầu, tuy không ồ ạt như cao điểm của 2 năm trước, nhưng diễn ra ngày một tinh vi hơn.
Thủ đoạn xuất lậu cũng muôn hình vạn trạng. Theo đó, một số tàu, thuyền lợi dụng việc đánh bắt hải sản trên biển hoặc chuyên chở hàng hóa qua biên giới để buôn lậu xăng dầu. Đối tượng tham gia xuất lậu xăng dầu chủ yếu là người dân ở khu vực biên giới với thủ đoạn giả người tiêu dùng mua xăng dầu nhiều lần, mỗi lần với số lượng ít (5-10 lít), sau đó đổ vào can nhựa loại 30 lít hoặc túi ni lông, để vận chuyển sang biên giới bằng xe máy, xe đạp, thậm chí vác bộ. Không ít đối tượng còn thuê mướn người dân vận chuyển xăng dầu qua biên giới với số lượng 100 - 200 lít/người/ngày. Số xăng dầu lậu này sau đó được đưa lên xe mô tô, theo các lối mòn vào sâu trong nước bạn. Nhằm đối phó các lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu còn thuê người túc trực trước cửa cơ quan kiểm tra chống buôn lậu để báo tin kịp thời cho đồng hội, đồng thuyền.
…Nhưng bắt giữ vẫn là số “0”
Về phía các cơ quan chức năng, dù nhận định đã có xảy ra hiện tượng xuất lậu, nhưng các vụ việc bị phát hiện, bắt giữ tính đến ngày 13/3/2013 vẫn ở con số “0”. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phan Lợi- Chi cục trưởng Chi cục QLTT An Giang - thành thật chia sẻ: “Giá xăng tại An Giang đang thấp hơn thị trường Campuchia từ 3.000- 4.000 đồng/lít, việc xuất lậu hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng chúng tôi chưa bắt giữ được vụ nào”. Ông Lợi cho biết, thời gian tới, lực lượng QLTT tiếp tục phối hợp với hải quan, bộ đội biên phòng triển khai lực lượng, tăng cường công tác chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Giám sát, kiểm tra, phát hiện các hành vi đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá.
Còn theo ông Võ Thanh Phong- Chi cục trưởng Chi cục QLTT Tây Ninh: lực lượng QLTT đã chủ động kiểm tra, kiểm soát nhưng cũng chưa phát hiện được trường hợp nào xuất lậu xăng dầu. Nhằm ngăn chặn, QLTT sẽ tiến hành kiểm tra hóa đơn chứng từ các xe bồn chở xăng dầu tại khu vực biên giới, không để lọt xe chở xăng dầu xuất lậu. Bên cạnh đó, nghiêm cấm các cửa hàng xăng dầu bán hàng vào can, thùng…
Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Thanh Lam- Phó Cục trưởng Cục QLTT- cho rằng, việc quản lý thị trường xăng dầu cả trong nội địa cũng như chống thẩm lậu qua biên giới đòi hỏi phải có sự đồng thuận quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Trong đó, đáng lưu ý trong công tác kiểm tra, kiểm soát phải tăng cường phối hợp giữa địa phương và trung ương cũng như các lực lượng chức năng ở trong nước. Bên cạnh đó, phải hợp tác với các cơ quan chức năng của các nước có chung đường biên giới để vừa nắm bắt thông tin, vừa có sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng của các nước bạn. Đồng thời cũng phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng trước hết vẫn là thực thi cơ chế chính sách đối với giá xăng dầu. Linh hoạt để ổn định thị trường trong nước nhưng cũng phải bảo đảm mức chênh lệch giá trong nước vừa phải so với thị trường các nước.