Dầu nhờn Petrolimex: Ngày một vươn xa
20 năm hình thành và phát triển, Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC) đã khẳng định vị thế trên thương trường; trở thành đơn vị top đầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh dầu mỡ nhờn; đóng góp không nhỏ vào kết quả kinh doanh hợp nhất của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); đưa thương hiệu “Dầu nhờn Petrolimex” ngày một tiến xa hơn.
Dây chuyền sản xuất "Dầu nhờn Petrolimex" xuất khẩu
CôngThương - Những con số ấn tượng
Trong nhiều chuyến công tác tại các địa phương, chúng tôi thực sự ấn tượng với hoạt động kinh doanh dầu mỡ nhờn Petrolimex tại các công ty, chi nhánh xăng dầu thành viên của Petrolimex. Miền Bắc có thể kể đến Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Giang; miền Trung là Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh; xa hơn nữa là các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông, miền Tây Nam Bộ… Hoạt động kinh doanh dầu mỡ nhờn Petrolimex lan tỏa khắp mọi miền hết sức sôi động.
Theo nhiều khách hàng, từ cá nhân đến doanh nghiệp, dầu nhờn Petrolimex đã cho họ cơ hội tiếp cận với sản phẩm chất lượng cao, giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, dầu nhờn Petrolimex đã tạo ra công ăn việc làm cho nhiều lao động ở khâu phân phối lưu thông, góp phần gia tăng lợi nhuận và từng bước nâng cao thu nhập của người lao động.
Khi đem những điều trên trao đổi với ông Nguyễn Văn Đức- Tổng giám đốc Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex- với gương mặt tự hào, ông tươi cười nói với chúng tôi: “Thành quả PLC có được ngày hôm nay là nhờ công sức của bao thế hệ lãnh đạo, CB-NLĐ Petrolimex và PLC trong suốt 20 năm qua”. Rồi ông nói với chúng tôi về rất nhiều con số thật là ấn tượng. Chúng tôi từ bất ngờ chuyển thành khâm phục.
Nếu năm 2009, tổng doanh thu hợp nhất của PLC là 3.769 tỷ đồng thì năm 2010 tăng vọt lên 5.177 tỷ đồng, năm 2011: 6.135 tỷ đồng, năm 2012 ổn định với mức 6.112 tỷ đồng, năm 2013: 6.223 tỷ đồng. Con số nộp ngân sách của PLC cũng vậy: Năm 2009: 353 tỷ đồng, năm 2010: 581 tỷ đồng; năm 2011: 689 tỷ đồng; năm 2012: 696 tỷ đồng; năm 2013: 565 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Đức- Tổng giám đốc Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC)
“Nhiều nhất là năm 2012, với gần 700 CB-NLĐ, trung bình mỗi người nộp ngân sách nhà nước khoảng 1 tỷ đồng”- ông Đức chia sẻ.
Các con số trên là “trái ngọt” sinh sôi từ sản phẩm dầu mỡ nhờn Petrolimex do PLC sản xuất với chất lượng không thua kém bất cứ hãng dầu nhờn nào trên thế giới.
Tập trung cho các kênh bán hàng
Hiện nay, trên thị trường nội địa, PLC đang “làm chủ” nhiều kênh bán hàng: Thứ nhất là kênh bán hàng qua hệ thống phân phối gồm các tổng đại lý là công ty, chi nhánh xăng dầu Petrolimex trên phạm vi cả nước. Đây là kênh bán hàng chủ lực, chiếm tỷ trọng 45-57% tổng sản lượng bán nội địa. Đối với kênh bán hàng này, PLC đứng “tuyến sau”, hỗ trợ chính sách, hoạt động dịch vụ, hỗ trợ thương hiệu, phát triển khách hàng công nghiệp, đào tạo kỹ thuật thương phẩm, kỹ năng bán hàng... Kênh thứ hai, PLC bán trực tiếp cho khách hàng công nghiệp trên toàn quốc: khai thác khoáng sản, vận tải đường sắt, điện lực, mía đường, thép. Thứ ba, kênh bán hàng cho khách hàng hàng hải là các công ty vận tải biển trong và ngoài Petrolimex như Vinalines, Vosco và các công ty tàu biển của Petrolimex (Vitaco, Vipco, PTS Hải Phòng, Pjitaco, hay bán dầu nhờn cho xà lan, tàu biển, tàu sông. Kênh cuối cùng là bán trực tiếp dầu lon hộp bao bì nhỏ từ 6 lít trở xuống cho các điểm sửa xe, rửa xe, gara ô tô, xe máy….
Một góc trong Nhà máy sản xuất dầu mỡ nhờn Petrolimex
Cán bộ PLC quan hệ với các bạn hàng quốc tế
Mảng xuất khẩu chiếm 13-18% tổng sản lượng của PLC, chủ yếu xuất khẩu dầu nhờn hàng hải cho hãng Total Lubmarine của Pháp sang thị trường Hongkong, Ma cao, và cho Công ty Petrolimex Lào, Xăng dầu Quân đội Lào và xuất khẩu sang thị trường Campuchia qua Công ty Xăng dầu Bắc Tây Nguyên… PLC cũng đang khảo sát, tiếp tục nghiên cứu phát triển sang một số thị trường mới.
Một mảng kinh doanh khác cũng đem lại doanh thu khá lớn là việc “pha chế thuê” theo hợp đồng gia công với các hãng dầu nước ngoài. Minh chứng rõ nhất là PLC được Tập đoàn JX Nippon Oil của Nhật Bản lựa chọn, ký hợp đồng dài hạn pha chế dầu nhờn để cung cấp cho các phương tiện ô tô, xe máy và nhiều máy móc thiết bị khác của Nhật Bản đang họat động tại Việt Nam, như: Honda, Yamaha, Suzuki…
Vững vàng trong từng bước đi
Theo ông Nguyễn Văn Đức, thành công của PLC được xây dựng bằng những bước đi vững chắc trong quá khứ. Ông kể: “Năm 1993, nguồn dầu mỡ nhờn nước ta bắt đầu khan hiếm. Lúc đó, Petrolimex xem xét đến các nhà cung cấp từ nước ngoài, tìm cách hợp tác với họ để sản xuất dầu mỡ nhờn. Trong nhiều đối tác, Petrolimex đã lựa chọn Tập đoàn BP (của Anh quốc).
Ngay sau khi thực hiện hợp đồng với BP, Petrolimex xác định làm chủ công nghệ sản xuất dầu mỡ nhờn. Vì vậy, ngoài việc thực hiện hợp đồng pha chế BP, Petrolimex đã hợp tác với các công ty phụ gia dầu nhờn hàng đầu trên thế giới để nghiên cứu và triển khai sản xuất dầu mỡ nhờn mang nhãn hiệu Petrolimex; bởi vì: nền tảng sản xuất và kinh doanh dầu nhờn Petrolimex đã sẵn có trong truyền thống của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam”.
Năm 1994, Petrolimex tách riêng hoạt động sản xuất kinh doanh dầu mỡ nhờn. Dấu mốc của sự kiện này là ngày 9/6/1994 Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) ký ban hành Quyết định số 745/TM/TCCB thành lập Công ty Dầu nhờn (PLC).
Ngay sau khi thành lập, năm 1995, Công ty PLC tiếp tục cùng với BP tiến hành nâng cấp nhà máy cũ trước giải phóng để pha chế dầu nhờn BP. Khi pha chế dầu nhờn cho BP, CB-NLĐ PLC đã làm quen với công nghệ pha chế, công thức pha chế, từ đó tự chủ nhập khẩu dầu gốc, nhập khẩu phụ gia để tự sản xuất.
Bể chứa dầu gốc- nguyên liệu cho Nhà máy dầu nhờn Petrolimex
Thành công với hoạt động sản xuất kinh doanh dầu mỡ nhờn, Công ty PLC tiếp tục được Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (nay là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) giao thêm nhiệm vụ tổ chức kinh doanh hai ngành hàng là nhựa đường và dung môi hóa chất. Vì vậy, năm 1998, , Công ty Dầu nhờn đổi tên thành Công ty Hóa dầu Petrolimex, theo Quyết định số 1191/1198/QĐ-BTM của Bộ Thương mại.
Trước đây, PLC chỉ có 1 nhà máy pha chế dầu nhờn Petrolimex tại phía Nam, Do khí hậu hai miền Nam Bắc rất khác nhau, mùa mưa bão giao thông khó khăn, đường bộ, đường biển đều tắc, nên có thời gian đứt hàng 2-3 tháng. Trước thực tế này, Petrolimex quyết định đầu tư xây dựng thêm 1 nhà máy ở phía Bắc. Từ 1 cái kho chứa dầu nhờn ở Tổng kho Xăng dầu Thượng Lý (Petrolimex Hải Phòng), PLC đã thiết kế lại, xây dựng thành 1 nhà máy dầu nhờn khang trang, hiện đại. Tháng 8/2000 nhà máy khánh thành, đi vào hoạt động rất hiệu quả; PLC đang tiếp tục mở rộng quy mô tăng công suất lên gấp đôi để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng Dầu nhờn Petrolimex tại Phía Bắc.
Tái cấu trúc PLC- Những dấu mốc lịch sử thúc đẩy sự phát triển
Cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. PLC là một trong hai thành viên Petrolimex đã tiên phong cổ phần hóa.
Chỉ trong 6 tháng cuối năm 2003, cùng với Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), các phòng nghiệp vụ của Tập đoàn và các vụ của Bộ Thương mại, đã tiến hành định và đánh giá xong doanh nghiệp để CPH. Ngày 31/12/2003, Đại hội đồng cổ đông thành lập Công ty CP Hóa dầu Petrolimex đã thành công tốt đẹp.
Ông Nguyễn Văn Đức - Tổng giám đốc Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC)- khẳng định: “Thương hiệu Petrolimex là tài sản vô hình rất lớn, gắn liền với uy tín, chất lượng và những việc làm của Petrolimex. Mang thương hiệu, logo Petrolimex của Tập đoàn, chúng tôi như được tiếp đà để phát triển mạnh hơn, để tiến xa hơn”. |
Sau khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần được hơn 1 năm, năm 2005, lãnh đạo Petrolimex chỉ đạo PLC chuyển đổi sang mô hình “Công ty Mẹ- công ty con”. Ngày 27/12/2005, PLC thực hiện chuyển sang mô hình “mẹ- con” với việc thành lập 2 công ty con là Công ty TNHH Nhựa đường Petrolimex và Công ty TNHH Hóa chất Petrolimex.
“Giai đoạn 2003- 2005 là sự khởi đầu mới cho thành công của PLC ngày hôm nay”- ông Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh.
Sau khi chuyển sang mô hình “mẹ- con”, ngày 27/12/2006, PLC đã chính thức niêm yết cổ phiếu trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán PLC. Năm 2007, PLC chào bán cổ phần tăng vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng lên 161 tỷ đồng. Qua các năm từ 2008 đến nay, vốn điều lệ của PLC đã tăng trưởng lên 650,573 tỷ đồng, trong đó Petrolimex nắm giữ 79,07% tổng vốn điều lệ; các cổ đông khác chiếm 20,93%.
Ngoài những “mốc son” quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển nêu trên thì sự nhanh nhạy của Ban lãnh đạo PLC đã giúp công ty vượt qua thời điểm điểm khó khăn nhất. Ông Nguyễn Văn Đức kể: Khoảng tháng 3/2008, nhận thấy nguy cơ khủng hoảng tài chính và kinh tế lan rộng, công ty đã chủ động điều tiết sản xuất, cân đối lại hàng hóa, nguyên vật liệu; không nhập mua nguyên vật liệu để dự trữ tồn kho lớn; kiểm soát chặt chẽ công nợ bán hàng. Thực tế diễn ra cho thấy, giá dầu gốc năm 2008 đã “lao dốc” khủng khiếp.
Chính vì quyết định nhanh nhạy đó mà PLC không bị ảnh hưởng nhiều của khủng hoảng, tránh được rủi ro. Cũng nhờ yếu tố này, PLC đã tích tụ được tài chính, có được nguồn lực tài chính đáng kể để đầu tư mở rộng sản xuất và tiếp tục tập trung sản xuất kinh doanh dầu mỡ nhờn sau giai đoạn khủng hoảng.
Sản phẩm dầu nhờn mang thương hiệu Petrolimex được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn
Không thể không kể đến công tác nhận diện thương hiệu dầu mỡ nhờn Petrolimex. Theo ông Nguyễn Văn Đức, sau nhiều năm loay hoay xây dựng thương hiệu dầu mỡ nhờn, từ thương hiệu PLC ban đầu, năm 2010, Tập đoàn đã cho phép PLC sử dụng trực tiếp thương hiệu Petrolimex cho các sản phẩm dầu mỡ nhờn do PLC sản xuất. Từ tháng 7/2010, PLC dành nhiều công sức, để tăng cường xây dựng thương hiệu dầu nhờn Petrolimex, kể cả ở thị thường trong nước và xuất khẩu.
Hiện nay, với thương hiệu Dầu nhờn Petrolimex, cùng với chính sách của Tập đoàn, các tổng đại lý Petrolimex bán là được hưởng lợi, đóng góp trực tiếp vào lợi nhuận Tập đoàn thông qua kinh doanh dầu mỡ nhờn Petrolimex, cũng qua đó mà thu nhập của người lao động từng bước được nâng cao hơn… Đặc biệt, thương hiệu Dầu nhờn Petrolimex “ngày càng tiến xa hơn”.