Cổ phần hóa để nâng cao năng lực của Petrolimex
Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang từng bước thực hiện cổ phần hóa (CPH) chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần, hình thành Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đa sở hữu. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Vương Thái Dũng- Phó Tổng giám đốc Petrolimex- xung quanh vấn đề này.
CôngThương -Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam. Ông có thể cho biết lộ trình thực hiện quyết định này của Petrolimex?
- Ngày 31/5/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 828/QĐ-TTg về việc phê duyệt phương án CPH và cơ cấu lại toàn Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) để hình thành Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đa sở hữu hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Để thực hiện được quyết định này, chúng tôi phải thực hiện 2 bước:
Thứ nhất,tiến hành chuyển Petrolimex từ tổng công ty nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Hình thức CPH của tổng công ty là giữ nguyên phần vốn Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ và Nhà nước nắm giữ tối thiểu 75% vốn điều lệ.
Thứ hai, sau khi hoàn thành quá trình CPH, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam và các đơn vị thành viên sẽ được cơ cấu lại để hình thành Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.
Phó tổng giám đốc Petrolimex Vương Thái Dũng |
Trước mắt, chúng tôi đang tập trung cao độ cho việc chuyển đổi tổng công ty sang hình thức công ty cổ phần, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con với một số công việc trọng tâm như: giải quyết chế độ cho người lao động; tổ chức giới thiệu thông tin, kêu gọi đầu tư thông qua Chương trình giới thiệu “Cổ phần hóa Petrolimex- cơ hội đầu tư” tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, lần lượt vào các ngày 12/7, 14/7 và 15/7; thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 28/7/2011 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Số lượng cổ phần Petrolimex sẽ bán tại đợt IPO sắp tới là bao nhiêu, thưa ông?
- Vốn Nhà nước sẽ giữ nguyên và phát hành thêm 5,1% cổ phần để tăng vốn điều lệ, khi đó tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ sau khi phát hành cổ phần lần đầu còn 94,99%. Số cổ phần phát hành lần đầu được bán cho CBCNV, tổ chức công đoàn là 2,45% cổ phần; cổ phần chào bán theo hình thức đấu giá công khai trong đợt IPO sắp tới là 2,56% tương ứng 27.425.933 cổ phần, với mức giá khởi điểm là 15.000 đồng/cổ phần.
Theo ông, Petrolimex có những thuận lợi và khó khăn gì để thu hút các nhà đầu tư?
- Với vị thế là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam, chắc chắn thương hiệu Petrolimex sẽ có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Petrolimex có kinh nghiệm 55 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu nên đã tạo dựng và khẳng định được vị trí của mình với nền tảng tài chính lành mạnh, minh bạch và với một hệ thống quản trị tốt… Hiện nay, Petrolimex có hệ thống tổ chức hoàn chỉnh và lớn nhất trong số các đầu mối kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam từ khâu nhập khẩu, tồn chứa đến phân phối rộng khắp trên phạm vi cả nước với hệ thống 42 công ty và các chi nhánh, xí nghiệp, kho cảng có sức chứa 1.700.000 m3, hệ thống công nghệ bơm, chuyển, cấp phát, hơn 500 km đường ống vận chuyển xăng dầu, trên 2.100 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc và hơn 4.000 đại lý, tổng đại lý tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, chiếm lĩnh ở những vị trí có lợi thế về thương mại cộng với uy tín về thương hiệu nên năng suất bán hàng cao hơn hẳn so với các cửa hàng xã hội. Trong cơ chế thị trường, chính hệ thống các cửa hàng này đã và đang đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp vì Petrolimex đang thu được toàn bộ chênh lệch từ giá mua đến giá bán. Trong 13 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, thị phần của Petrolimex chiếm khoảng 54-55%.
Tuy nhiên tại thời điểm hiện nay, nền kinh tế vĩ mô nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng đang diễn biến bất lợi, điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và khả năng hấp thụ của thị trường. Nhưng do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đã có kinh nghiệm trong việc CPH nhiều công ty thành viên trước đây, tôi tin tưởng việc IPO sẽ có kết quả tốt đẹp.
Sau khi CPH, cơ cấu mô hình Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam sẽ như thế nào?
- Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam và các đơn vị thành viên sẽ được cơ cấu lại để hình thành nhóm công ty liên kết dưới hình thức công ty mẹ- công ty con. Các công ty trong tổ hợp hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Nghị định 101/2009/NĐ-CP ngày 5/11/2009 của Chính phủ về thí điểm thành lập, tổ chức và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan. Theo mô hình mới, tập đoàn sẽ có Tổng công ty Vận tải Thủy, Tổng công ty Xây lắp, Tổng công ty dịch vụ, 42 công ty xăng dầu, 1 công ty TNHH 1 thành viên Petrolimex Singapore do Tập đoàn nắm giữ 100% vốn; Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex, Tổng công ty Bảo hiểm Petrolimex, Tổng công ty Gas Petrolimex, các Công ty cổ phần nhiên liệu bay, Công ty TNHH kho ngoại quan Vân Phong, Công ty TNHH hóa chất PTN, Công ty cổ phần XNK Petrolimex, Công ty CP tin học viễn thông Petrolimex do Tập đoàn nắm giữ cổ phần chi phối. Bên cạnh đó, còn các công ty liên kết như Liên doanh Castrol BPP, Ngân hàng xăng dầu Petrolimex,…
Đó chính là mô hình chiến lược để xây dựng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đa sở hữu hoạt động trên cơ sở trục chính là kinh doanh xăng dầu, còn các dịch vụ khác xoay quanh để hỗ trợ phát triển kinh doanh xăng dầu, như kinh doanh sản phẩm hóa dầu, gas, vận tải viễn dương, định chế tài chính cốt lõi (bảo hiểm, ngân hàng)…
Việc cổ phần hóa Petrolimex, hình thành tập đoàn sẽ nâng cao chất lượng quản lý điều hành, tăng cường hiệu quả đầu tư, thúc đẩy quá trình đổi mới để tập đoàn tiếp tục phát triển lớn mạnh về quy mô, đạt hiệu quả kinh tế cao, trở thành một tập đoàn kinh tế năng động và hiệu quả.
Vậy áp lực lớn nhất đối với Petrolimex khi chuyển sang hoạt động theo hình thức cổ phần là gì?
- Áp lực lớn nhất đối với doanh nghiệp là hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, là lợi nhuận, là cổ tức để đáp ứng kỳ vọng và quyền lợi của các nhà đầu tư. Bởi vậy, người lao động trong doanh nghiệp phải thay đổi về nhận thức khi chuyển từ DNNN sang doanh nghiệp cổ phần. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và nhất là khi các doanh nghiệp nước ngoài được phép kinh doanh xăng dầu tại thị trường Việt Nam. Muốn tồn tại và phát triển thì Petrolimex phải nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, mà thước đo năng lực cạnh tranh chính là hiệu quả. Petrolimex sẽ phải đổi mới cách thức quản trị, tổ chức lại sản xuất kinh doanh, đầu tư công nghệ hiện đại theo hướng tự động hóa, tiết giảm chi phí,…để không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Cơ chế chính sách cũng rất quan trọng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đồng thời xây dựng thị trường xăng dầu lành mạnh và hiệu quả vì lợi ích của người tiêu dùng, lợi ích của Nhà nước thì các cơ quan quản lý Nhà nước cần vận hành triệt để và đầy đủ các điều khoản của Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Hương (Thực hiện)