Bộ Công Thương: không có chuyện Petrolimex lũng đoạn thị trường
Số 52 (3322) - Thứ năm 11-3-2010 (Trang 6)
Báo cáo về tình hình kinh doanh xăng dầu những tháng đầu năm 2010 và đánh giá thực hiện Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo cơ chế mới, Bộ Công Thương khẳng định: Việc giám sát của Liên Bộ Tài chính- Công Thương và việc điều chỉnh giá bán xăng dầu đầu mối từ khi thực hiện Nghị định 84 tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Trong thời gian qua, các DN đầu mối đã thực hiện việc điều chỉnh giá theo đúng quy định pháp luật.
Nghị định 84 mở hướng cho mọi doanh nghiệp
Về một số ý kiến được nêu trên phương tiện thông tin đại chúng có cho rằng, không nên để cho DN tự định giá và với thị phần trên 60% của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thì quyền định giá do DN này dẫn dắt, dẫn đến triệt tiêu tính cạnh tranh, không có lợi cho người tiêu dùng… từ đó kiến nghị Nhà nước nên giám sát, cần tăng tính cạnh tranh trên thị trường…
Bộ Công Thương cho rằng, thông tin trên là thiếu chính xác, vì với cơ chế quản lý giá xăng dầu hiện nay, thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối được quyền tự quyết định giá nhưng theo nguyên tắc, phương pháp, mức tăng (giảm), quy trình… do Nhà nước quy định tại Nghị định 84 và được sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước (là Bộ Tài chính và Bộ Công Thương). Cũng vì cơ chế giám sát chặt chẽ này mà không có chuyện Petrolimex “dẫn dắt” hay lũng đoạn thị trường.
Bộ Công Thương khẳng định, về lâu dài, để tăng tính cạnh tranh thị trường, giảm dần sự can thiệp của Nhà nước, Nghị định 84 đã mở ra hướng thay vì chỉ cho DN nhà nước như trước đây, mà sẽ cho phép các DN thuộc mọi thành phần kinh tế đầy đủ điều kiện theo quy định tham gia. Hơn nữa, bất cứ DN nào, trong đó có Petrolimex nếu lợi dụng vị trí thống lĩnh có hành vi gây hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh, sẽ bị xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh.
Điều hành giá xăng dầu: Sẽ cân nhắc các tình huống lạm phát
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sau gần 3 tháng thực hiện Nghị định 84, bước đầu cho thấy có một số ưu điểm: Nghị định 84 tiếp tục thể hiện sự kiên định chuyển sang cơ chế thị trường của Chính phủ trong điều hành xăng dầu. Và trên thực tế, công tác điều hành thời gian qua đã làm cho giá bán trong nước sát hơn với giá thị trường thế giới, tạo hành lang pháp lý rõ ràng hơn cho DN.
Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, Bộ Công Thương cũng chỉ ra những tồn tại khi thực hiện Nghị định 84, đó là cơ cấ giá bán hiện nay, chưa kể khoản thu quỹ bình ổn giá, các loại thuế, phí (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, phí xăng dầu) chiếm một tỷ lệ lớn, khoảng 35% đối với mặt hàng xăng và gần 30%đối với mặt hàng dầu. Nếu cân bằng lợi ích của Nhà nước với kiểm soát lạm phát, lợi ích của người tiêu dùng, có thể điều chỉnh theo thẩm quyền tỉ lệ các khoản thu này để có cơ hội đưa mặt bằng giá xăng dầu xuống thấp hơn.
Theo quỹ bình ổn hiện hành, việc trích quỹ bình ổn giá được tiến hành thường xuyên khi giá biến động dưới 7%, với mức trích cố định 300 đồng/lít, kg (trên lượng bán ra) được kết cấu trong giá bán xăng dầu. Tuy nhiên, cần phải tính toán việc trích lập để khống chế quy mô của Quỹ, trong trường hợp ưu tiên kiềm chế lạm phát, có thể tạm dừng trích quỹ này tạo cơ hội cho DN đưa mặt bằng giá xuống thấp.
Thu Hường