Cập nhật: 19:00:00 4/3/2010
“Không có chuyện các doanh nghiệp xăng dầu lợi dụng quyền tự định giá theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP để tăng giá bất hợp lý, hoặc có lãi lớn”- đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú. Bộ Công thương cho biết, từ khi Nghị định 84 có hiệu lực (ngày 15/12), các lần điều chỉnh giá của DN đều không có gì sai.
CôngThương - Nhà nước vẫn giám sát chặt giá xăng dầuTheo số liệu Tổ giám sát giá xăng dầu liên Bộ Tài chính- Công Thương công bố rất chi tiết, từ đầu năm 2010 cho đến nay, các DN đã 2 lần tăng giá (không kể lần điều chỉnh giá mazut lên 200 đồng/kg ngay 4/1/2010.
Lần tăng giá vào ngày 14/1: trên cơ sở giá xăng dầu bình quân của thị trường thế giới 30 ngày để tính giá cơ sở (giá nhập khẩu CIF cộng với thuế NK, thuế tiêu thụ đặc biệt, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, mức trích quỹ BOG, thuế GTGT và phí xăng dầu theo quy định của nghị định 84) thì giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ lúc đó từ 230 đến 670 đồng/lít, kg tùy loại, tương đương với tỉ lệ tăng từ 1,6% đến 4,2% tùy loại. Do vậy mức tăng giá của DN vào ngày 14/1 là phù hợp với quy định của pháp luật. Với mức tăng này, giá xăng chỉ còn lãi khoảng 100 đồng/lít, các mặt hàng dầu bảo đảm kinh doanh theo lợi nhuận định mức.
Lần tăng giá xăng vào ngày 21/2: Trên cơ sở giá bình quân trong 30 ngày. So với giá bán lúc đó, giá cơ sở mặt hàng xăng cao hơn 476 đồng/lít, tương đương với tỉ lệ tăng 2,9%. Do vậy DN tăng giá xăng vào ngày 21/2 là phù hợp với quy định của pháp luật. với mức tăng này, xăng còn lãi khoảng 100 đồng/lít (không bao gồm lợi nhuận định mức).
Trên cơ sở theo dõi giá từng ngày, Tổ giám sát khẳng định, các lần điều chỉnh giá của DN đều phù hợp với luật pháp cho phép, không có chuyện DN tăng giá bất hợp lý.
Bà Nguyễn Thanh Hương- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giá Bộ Tài chính (thành viên của Tổ giám sát giá xăng dầu)- cho biết: Kể từ khi giao việc định giá cho DN, tổ đều theo dõi, giám sát và thông báo các mức giá DN đưa ra là đúng với nguyên tắc quy định tại Nghị định 84.
Bà Hương nói thêm: Nếu tính từ ngày 14/1 DN điều chỉnh giá xăng dầu thì 10 ngày tiếp theo là ngày 24/1, khi giá thế giới bắt đầu lên, DN có thể điều chỉnh tăng giá, nhưng vì cận Tết nên DN vẫn giữ ổn định giá, đây là cố gắng tích cực đáng ghi nhận của DN, bởi vì lúc đó DN đã bị lỗ. Phải 38 ngày sau, tức ngày 21/2 DN bắt đầu tăng giá xăng và vẫn giữ ổn định giá dầu. Qua theo dõi việc điều chỉnh giá xăng, Tổ giám sát thấy rằng, tính bình quân giá trong 30 ngày trước đó theo quy định, DN điều chỉnh tăng thêm 590 đồng/lít xăng là hợp lý. Bà Hương lưu ý, nhiều ý kiến nhầm lẫn cho rằng, Nhà nước điều chỉnh giảm thuế xăng dầu mà vẫn tăng giá xăng là vô lý, nhưng thực ra trước đó Nhà nước chỉ điều chỉnh giảm thuế dầu chứ không giảm thuế nhập khẩu xăng.
Cực chẳng đã DN mới phải tăng giá
Đó là lời than thở chung của các DN kinh doanh xăng dầu.
Ông Bùi Ngọc Bảo- Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam- cho rằng: DN luôn luôn có ý thức trách nhiệm đối với thị trường, đã vận dụng uyển chuyển theo NĐ 84 để ổn định thị trường, tránh gây sốc về giá.
Ví dụ như, nếu theo Nghị định 84 thì từ 15/12/2009 đến nay, DN được quyền 9 lần điều chỉnh giá xăng dầu (quy định trong vòng 10 ngày 1 lần). Nhưng thực tế các DN chỉ đồng bộ điều chỉnh các loại giá xăng dầu 1 lần (ngày 14/1), còn lại có lúc tăng giảm ở các mặt hàng khác nhau. Vì nếu điều chỉnh 10 ngày một lần dễ gây xáo trộn tâm lý và các lần điều chỉnh biên độ đều chưa đủ theo quy định. Trong các đợt điều chỉnh, DN cũng đều cố gắng giữ bình ổn giá, góp phần chống lạm phát, với khoảng cách thời gian điều chỉnh càng dài càng tốt, giá điều chỉnh các thấp càng tốt. Vì thế nhiều lần DN lẽ ra phải điều chỉnh, nhưng phải “nín” lại theo dõi diễn biến thị trường để xem giá thế giới còn xuống hay không khỏi phải tăng giá, chứ không phải có ý định gộp mấy lần để tăng giá 1 lần.
Trước ý kiến của bà Nguyễn Thanh Hương cho rằng, DN chưa có kinh nghiệm trong lựa chọn thời điểm tăng giá, đã tăng vào dịp sau nghỉ Tết dài ngày, dễ gây tâm lý bức xúc cho rằng giá xăng tăng ảnh hưởng đến các mặt hàng khác, ông Bảo bức xúc: “Dù là DN kinh doanh xăng dầu, nhưng bản thân chúng tôi cũng không muốn điều chỉnh, cực chẳng đã mới phải điều chỉnh. Vì mỗi lần tăng giá cho dù rất hợp lý đều gây bức xúc. Nhất là hiện nay khi Chính phủ đề ra mục tiêu khống chế lạm phát thì từ nay đến hết năm thời điểm nào để điều chỉnh cũng là nhạy cảm, vì việc tăng giá là đi ngược lại mục tiêu kiềm chế CPI. Còn nếu nói rằng thời điểm này, thời điểm khác là nhạy cảm không nên tăng giá thì vĩnh viễn kinh doanh xăng dầu không thể vận hành theo giá thị trường được.
Ông Đỗ Quốc Hùng- Phó giám đốc Công ty Xăng dầu hàng không Việt Nam- cũng chia sẻ: “Thực sự nhiều lúc kinh doanh xăng dầu lỗ quá mức chịu đựng, chúng tôi nín thở chờ đợi Petrolimex tăng giá để tăng theo mà thấy quá lâu. Petrolimex và PV Oil tiềm lực lớn còn có khả năng chịu đựng lỗ, nhưng DN như chúng tôi dễ “ao” khỏi thị trường, như vừa qua đã có 2 DN phải rút khỏi thị trường.”.
Theo các chuyên gia Bộ Tài chính, Công Thương, vướng mắc lớn nhất hiện nay là “dư luận thiếu thông tin, chưa hiểu hết về cơ chế giá xăng”. Tháo gỡ “nút thắt” này phải là một cơ chế công bố về giá xăng minh bạch, công khai hơn nữa. Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đề nghị các doanh nghiệp nên chủ động bàn bạc với cơ quan quản lý giá mỗi lần trước khi tăng giá xăng dầu.
DN lớn không thể áp đặt giá bán
Có ý kiến cho rằng, Petrolimex là DN độc quyền nên có quyền dẫn dắt thị trường, áp đặt giá cho các DN khác và nghi ngờ có khả năng dẫn tới việc định giá bán bất hợp lý. Trả lời vấn đề này Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú khẳng định: Đây là sự nhầm lẫn tai hại của một số người dẫn đến sự nhầm lẫn cho cả xã hội. Nếu nói độc quyền thì phải biết DN đó chiếm lĩnh bao nhiêu phần trăm thị trường về hàng hóa. Con số 60% của Petrolimex là đầu tư vào mạng lưới bán lẻ. Theo phân bổ hàng năm về hàng hóa, hiện nay có 14 DN kinh doanh xăng dầu thì sự chênh lệch hàng hóa giữa các DN không lớn. Mà khống chế thị trường là khống chế bằng hàng hóa. Còn việc DN đầu tư xây dựng bao nhiêu cửa hàng là tích cực, vậy phải hỏi ngược lại tại sao các DN khác không đầu tư vào cửa hàng bán lẻ. Trong lúc Petrolimex xây dựng mấy nghìn cửa hàng thì có DN chỉ có 5 cửa hàng thôi? Vì thế không nên nhầm lẫn giữa việc Petrolimex xây dựng nhiều cửa hàng là chiếm nhiều thị phần. Nhưng đương nhiên phải công nhận Petrolimex là đơn vị kinh doanh xăng dầu lớn nhất Việt Nam, nhưng hiện nay đang có sự chuyển dịch rất lớn khi Petro Việt Nam đang vươn dần lên gần bằng Petrolimex. Phải xem xét DN có lợi dụng vị trí của mình để khống chế thi trường hay là phát triển tự nhiên. Chúng ta đừng quên rằng hiện nay chúng ta đang từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường, đừng quên rằng Petrolimex là DN duy nhất Nhà nước lập ra để kinh doanh xăng dầu, còn các DN khác đều thành lập sau này. Nếu vậy chúng ta làm cách nào hay thôi không cho Petrolimex kinh doanh? Hay khi không có Petrolimex có lường trước thị trường sẽ thế nào, ai là người gánh hay thậm chí lúc đó còn có hại cho người dân?
Ông Võ Văn Quyền nói thêm: Trước hết phải khẳng định bản chất độc quyền không phải là xấu. Theo kinh tế thị trường bao giờ cũng có tích tụ, tích tụ thì dẫn đến độc quyền tự nhiên. nhưng vấn đề là lạm dụng vị thế độc quyền để gây ảnh hưởng đến xã hội đến người tiêu dùng mới là xấu. Chúng ta đã có Luật Cạnh tranh, Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu được xây dựng rất khoa học, với những quy định rõ ràng để người dân và các cơ quan quản lý kiểm soát giá. Ngoài ra còn có Pháp lệnh Giá, Nghị định 170, Nghị định 175 và các chế tài. Như vậy nhà nước có đủ cơ chế giám sát và quản lý để DN không thể lạm dụng được vị trí độc quyền. Vì thế nỗi lo Petrolimex áp đặt giá, độc quyền về giá là không thể xảy ra.
Phóng viên Báo Công Thương cũng trao đổi với ông Trần Anh Sơn- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, ông Sơn cho rằng: Phải khẳng định Petrolimex không phải là doanh nghiệp độc quyền trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu vì hiện nay trên thị truờng có hơn 10 đầu mối nhập khẩu và phân phối xăng dầu, tất cả cùng là doanh nghiệp nhà nước, đây là nhầm lẫn về khái niệm. Có thể Petrolimex nắm giữ tới 60% thị phần bán lẻ ở Việt Nam thì theo Khoản 1 Điều 11 Luật Cạnh tranh Petrolimex được coi là DN có vị trí thống lĩnh thị trường, nhưng vị trí thống lĩnh thị trường của Petrolimex là hình thành tự nhiên, do lịch sử không phải do sự liên kết hay sáp nhập của các doanh nghiệp cùng lĩnh vực kinh doanh để tăng tính độc quyền trong thị trường xăng dầu. Mà pháp luật không ngăn cấm hình thành DN có vị trí thống lĩnh một cách tự nhiên. Điều 13 của Luật Cạnh tranh chỉ cấm các DN có vị trí thống lĩnh trên thị trường có các hành vi: “Bán hàng hóa, dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lẻ tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng… Nhưng theo tôi, Nhà nước có đủ hành lang pháp lý để kiểm soát việc kinh xăng dầu và giá xăng dầu.
Thanh Hương