Petrolimex yêu cầu xử lý vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu
Cửa hàng xăng dầu theo nhận diện mới của Petrolimex |
Trước tình trạng xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu Petrolimex ngày càng phức tạp, hôm nay (23/8/2012), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã có công văn gửi Cục Quản lý thị trường Bộ Công thương yêu cầu xử lý mạnh tay đối với các trường hợp vi phạm.
CôngThương - Qua đợt kiểm tra của Thanh tra Bộ Khoa học công nghệ tại Thái Bình cho thấy, tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu Petrolimex ngày càng trở nên phổ biến, gây bức xúc trong dư luận, nếu không có biện pháp ngăn chặn của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như của lực lượng chức năng thì tình trạng này sẽ trở nên phức tạp hơn.
Theo báo cáo của các đơn vị thành viên Petrolimex gửi về Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, tại thời điểm 30/3/2012, trên địa bàn cả nước có 884 doanh nghiệp của các thành phần kinh tế với 1.006 cửa hàng xăng dầu (CHXD) đang xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu của Petrolimex. Trong đó, các hình thức xâm phạm chủ yếu diễn ra ở các CHXD không liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu với Petrolimex (chủ yếu ở các trường hợp đã chấm dứt quan hệ đại lý, tổng đại lý với Petrolimex nhưng không tháo dỡ các dấu hiệu nhận diện của Petrolimex). Nhiều trường hợp chưa bao giờ làm đại lý, tổng đại lý của Petrolimex nhưng tự ý sử dụng trái phép nhãn hiệu Petrolimex.
Đó là chưa tính đến nhiều trường hợp đại lý có liên quan đến hoạt động kinh doanh với Petrolimex nhưng không tuân thủ đúng quy định, áp dụng vượt giới hạn và mức độ được Petrolimex cho phép. Vì theo Petrolimex, nhằm tạo sự khác biệt giữa hệ thống CHXD thuộc sở hữu của Petrolimex với hệ thống CHXD thuộc sở hữu của đại lý, tổng đại lý Petrolimex, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã quy định: đại lý và tổng đại lý của Petrolimex không được áp dụng nhận diện theo quy chuẩn của Petrolimex tại diềm mái che cột bơm, biển tên CHXD/doanh nghiệp, bảo hộ lao động và phương tiện vận tải; đồng thời, logo chữ “P” decant dán tại CHXD của đại lý phải sử dụng loại có chữ “đại lý” ở ngay phía dưới sát với chữ “P”. Ngoài ra, tất cả các CHXD trong thời gian làm đại lý, tổng đại lý Petrolimex phải treo 1 biển “Đại lý thuộc Petrolimex (tên tắt của công ty/chi nhánh)”.
Cũng có những trường hợp “nhái” nhận diện thương hiệu Petrolimex bằng cách loại bỏ bớt hoặc bổ sung, thêm mới các yếu tố khác để vẫn tạo ra hình ảnh giống Petrolimex nhưng né tránh được xử lý pháp luật; hoặc sử dụng cùng lúc cả nhãn hiệu cũ lẫn nhãn hiệu mới, tạo ra 2 hình ảnh Petrolimex, gây rối loạn nhận thức của khách hàng, công chúng và người tiêu dùng.
Trước đó, ngày 12/1/2012, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã chính thức công bố áp dụng hệ thống nhận diện thương hiệu Petrolimex mới- các nhãn hiệu do Petrolimex làm chủ sở hữu. Cùng với việc triển khai sử dụng các nhãn hiệu mới, Petrolimex ngừng sử dụng các nhãn hiệu cũ. Tuy nhiên, để phòng ngừa các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, Petrolimex tiếp tục duy trì quyền sở hữu đối với các nhãn hiệu cũ.
Thực hiện chỉ đạo của Petrolimex, các đơn vị thành viên đã rà soát lại các hợp đồng đại lý, tổng đại lý, kiểm tra tất cả các CHXD trên địa bàn. Đối với những trường hợp xâm phạm quyền nhãn hiệu Petrolimex, các đơn vị thành viên của Petrolimex đã có thư khuyến cáo, yêu cầu dỡ bỏ các dấu hiệu nhận diện Petrolimex sử dụng trái phép.
Sau khi nhận được thư khuyến cáo của Petrolimex, một số doanh nghiệp đã hợp tác bằng cách có bản cam kết hoặc tự giác tháo gỡ các dấu hiệu nhận diện thương hiệu Petrolimex. Tuy nhiên, bất chấp thiện chí của Petrolimex, nhiều trường hợp vẫn tiếp tục ngang nhiên sử dụng các dấu hiệu vi phạm, không có phản hồi hoặc không có hành động tháo dỡ các dấu hiệu nhận diện Petrolimex.
Từ thực trạng trên, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã gửi công văn đề nghị Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương với chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh doanh xăng dầu chỉ đạo các Chi cục Quản lý thị trường địa phương rà soát, thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trên nhằm bảo vệ nhãn hiệu đã được pháp luật bảo hộ.
Cũng trong ngày hôm nay, Petrolimex đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tiếp tục gửi thư khuyến cáo đến các CHXD, doanh nghiệp vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu Petrolimex. Nếu sau 3 lần gửi thư khuyến cáo mà bên vi phạm vẫn không cam kết bằng văn bản, tiếp tục sử dụng trái phép nhận diện của Petrolimex thì đơn vị chủ động gửi đơn tới chi cục Quản lý thị trường, Thanh tra Sở Khoa học- công nghệ yêu cầu phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm.