Ra đảo nhớ đất liền, về đất liền nhớ đảo (kỳ 3)

Ghi chép của Đoàn công tác Petrolimex

08:28 SA @ Thứ Hai - 16 Tháng Sáu, 2014

“Trường Sa Lớn” - “Thủ đô của Huyện đảo Trường Sa”

Chiều 08.5.2014chúng tôi đến thăm quân và dân Đảo Trường Sa.

Đảo Trường Sa là thị trấn của huyện đảo Trường Sa.

Đảo Trường Sa rộng lớn, sừng sững kiên trung giữa Biển Đông - được mệnh danh là “Thủ đô của huyện đảo Trường Sa”.

Đảo có trường tiểu học cho các em thiếu nhi, có trạm xá để chăm sóc sức khỏe nhân dân, có bưu điện để gửi thư từ, quà cáp,….

Người dân nơi đây khi trò chuyện gọi đảo là “Trường Sa Lớn”. Chúng tôi rất thích tên gọi này của đảo.

Tầu HQ 571 trực tiếp cập vào cầu tầu của đảo, ai cũng háo hức chờ lệnh được rời tàu. Bước chân đầu tiên xuống mảnh đất tươi đẹp này ai cũng thấy hãnh diện, tự hào.

Đón chúng tôi là 3 hàng cán bộ chiến sĩ cùng bà con và các cháu thiếu niên nhi đồng. Cán bộ chiến sĩ thì nghiêm trang giơ tay chào, rồi tươi cười bắt tay chúng tôi; bà con nhân dân cùng các cháu thiếu niên nhi đồng vui mừng niềm nở chào đón chúng tôi. Sư thầy trụ trì Chùa Trường Sa Lớn cũng ra đón đoàn.

Do không phải di chuyển ra & vào đảo bằng ca-nô CQ, nên thời gian Đoàn công tác số 9 được lưu lại thăm Đảo Trường Sa Lớn cũng lâu nhất và tại đây đoàn cũng có nhiều hoạt động nhất.

Chào cờ, duyệt binh tại Đảo Trường Sa Lớn(xemvideo)

Sau khi tập trung chào cờ, duyệt binh; dâng hương tại Đài Liệt sĩ và tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm chùa; chúng tôi tản ra triển khai nhiều hoạt động đồng thời: nghe báo cáo, trao tặng quà, văn nghệ, đóng dấu lưu niệm, gắn bản đồ Việt Nam bằng gốm màu tại Nhà khách Thủ đô, đi thăm hỏi, động viên cán bộ chiến sĩ, nhân dân trên đảo, ….

Những công dân tương lai của Việt Nam trên Quần đảo Trường Sa chào đón khách

Trường Tiểu học Thị trấn Trường Sa hôm nay nghỉ đón khách sẽ học bù buổi tối

Bưu điện Trường Sa Lớn đón khách

Phát biểu với anh em cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo, Trưởng đoàn công tác số 9 Trần Văn Vượng xúc động nói: “Khi đặt chân lên đảo, chúng tôi thấy như trở về đất liền”.

Chúng tôi nghĩ, đảo là một phần máu thịt của Đất Mẹ Việt Nam.

Đất Mẹ Việt Nam gửi những người con trai ưu tú nhất của mình ra đây để canh giữ biển trời.

Đảo Trường Sa Lớn là người “anh hai”, các đảo còn lại là các người em mỗi người một vị trí, một nhiệm vụ, bọc lót hỗ trợ nhau trong một thế trận vững vàng.

Đảo đứng đó nhưng không cô đơn. Những đoàn tầu đánh cá của ta vẫn nhộn nhịp ra vào. Về đêm, những đoàn tầu đánh cá nhìn xa lại hiện lên như dãy đèn đường quốc lộ.

Đảo không cô đơn bởi triệu triệu trái tim Việt từ bốn phương trời đã, đang và sẽ mãi hướng về đảo bằng những hành động thiết thực.

Đảo Trường Sa Lớn có nước lợ để sinh hoạt, chăn nuôi, trồng trọt nên quang cảnh ở đây thật đẹp.

Đi thăm quan, trò chuyện cùng cán bộ chiến sĩ, nhân dân trên đảo; chúng tôi thấy đâu đâu cũng gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp; tất cả mọi người đều vui vẻ, tự tin. “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” - là một thực tế, không chỉ là khẩu hiệu.

Thăm Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa thấy vắng, hỏi thăm mới biết các thầy cô đã xin phép cho các em học sinh nghỉ học để cả trường ra đón đoàn, việc dậy và học sẽ thực hiện bù vào buổi tối.

Tại Nhà khách Thủ đô, chị Nguyễn Thu Thủy cùng mấy anh công nhân đang chăm chú kiểm tra từng viên gốm màu đem từ đất liền ra, cẩn trọng gắn lên tường, trân trọng lắp ráp thành bản đồ Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đúng đến từng mi-li-mét.

Chị Thủy cho biết: Công tác thi công phải làm rất cẩn thận nên 2 ngày thì mới hoàn chỉnh. Đây là bản đồ đầu tiên được lắp đặt trong số 5 bản đồ Petrolimex trao tặng.

Đ/c Đinh Thái Hương, Chuẩn đô đốc - Chính ủy Hải quân Đinh Gia Thật cùng các sĩ quan Phòng Bản đồ Bộ Tư lệnh Hải quân phê duyệt tấm bản đồ đầu tiên để họa sĩ Nguyễn Thu Thủy chính thức sản xuất, lắp đặt tại các đảo(Ảnh: Hoa Chanh, chụp tại Hà Nội)

Đ/c Đinh Thái Hương kiểm tra công tác lắp đặt bản đồ Việt Nam tại Nhà khách Thủ đô - Đảo Trường Sa Lớn

Niềm vui Chiến sĩ Đảo Trường Sa lớn bên bản đồ Việt Nam tại Nhà khách Thủ Đô(Ảnh: Quang Thắng)

Đoàn công tác Petrolimex cùng họa sĩ Nguyễn Thu Thủy và các nhà báo chụp ảnh lưu niệm

Trả lời phỏng vấnnhà báo Nghiêm Nhan - Phó trưởng phòng Phim tài liệu Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Trưởng đoàn công tác Petrolimex Đinh Thái Hương xúc động nói: “Chắc chắn, tấm bản đồ sẽ được hiện diện, và nó càng khẳng định đây là tình cảm hết sức quý báu của CBCNV Petrolimex, của những người dân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ quyền và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Tạm biệt Trường Sa

Buổi chia tay ở Đảo Trường Sa Lớn thật là xúc động.

Sau khi chào theo nghi lễ quân đội, quân dân đảo đứng nguyên 2 hàng ngũ chỉnh tề cùng vỗ tay hát vang bài hát “Khúc quân ca Trường Sa”, “Đời mình là một khúc quân hành”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, …..

Tạm biệt Trường Sa(xemvideo)

Họ đứng đó - hiên ngang giữa đất trời.

Thế đứng của Hải quân Nhân dân Việt Nam thật hiên ngang.

Lời ca họ hát bay lên không trung thật hào hùng.

Rất tự nhiên có cả bè trầm của lính, bè thanh của phụ nữ và bè đầy chất thơ của các cháu thiếu niên nhi đồng.

Sóng biển làm dàn nhạc. Quân dân đảo làm ca sĩ. Gió biển làm nhạc trưởng.

Đây là bản giao hưởng hay nhất, tuyệt vời nhất, xúc động nhất của Việt Nam mà chúng tôi biết đến.

Đoàn công tác số 9 chúng tôi đứng trên boong tầu - người hòa nhịp hát, người không thể hát nổi bởi nghẹn ngào xúc động, người chụp ảnh, người quay video ghi lại khoảnh khắc quý giá này để làm kỷ niệm của chuyến đi đầy ý nghĩa đời người.

Chúng tôi - mắt ai cũng ngấn lệ dâng trào.

“Tầu chạy xa rồi - người vẫn đứng”: hiên ngang giữa đất trời

Có nhiều cách để nói lời tạm biệt.

Cách cán bộ chiến sĩ và nhân dân Đảo Trường Sa Lớn tạm biệt chúng tôi là độc nhất vô nhị: Vừa hào hùng, vừa chất thơ, vừa sâu lắng.

Hình ảnh, giai điệu, âm hưởng, không gian buổi chia tay này in thật sâu đậm trong trái tim, tình cảm của chúng tôi, để lại trong chúng tôi niềm tin tưởng sâu sắc, thương yêu vô cùng.

Khi đoàn công tác xuất hành, chúng tôi thấy nhớ nhà. Giờ khi đoàn sắp hoàn thành chương trình công tác, chúng tôi đã thấy nhớ đảo.

Cái nỗi nhớ giữa hậu phương và tiền tuyến hòa quyện vào nhau.

Chúng tôi nhớ sự nghiêm trang tự hào của anh lính trẻ bồng súng dưới Cờ Tổ quốc thiêng liêng kiêu hãnh tung bay trong gió.

Chúng tôi nhớ bước chân dũng mãnh của người chiến sĩ khi duyệt binh.

Chúng tôi nhớ những vườn rau thanh niên có cây cải nở hoa cùng nụ cười của Người chiến sĩ trẻ Trường Sa.

Chúng tôi nhớ buổi chia tay đầy chất anh hùng ca Việt Nam.

Giờ ghi lại hành trình đầy kỷ niệm này, xúc động vẫn dâng trào.

Nhà giàn DK1/8 và DK1/19: Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ Việt Nam

09.5.2014Đoàn công tác số 9 trên tầu HQ 571 về thăm 2 nhà giàn DK1 tại Cụm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ: DK1/8 và DK1/19 thuộc Lô 5 với tên gọi Quế Đường tại thềm lục địa Phía Nam của Tổ quốc.

Quế Đường là tên phong truyền của nhà bác học Lê Quý Đôn.

Đoàn chúng tôi phân công nhau thành 2 tổ để thăm được 2 nhà giàn cùng lúc. Mặt biển tương đối bình yên. Thế mà ca-nô CQ đưa cánh phóng viên báo chí ra đến chân nhà giàn DK1/8 thì phải quay lại tầu HQ 571.

Nhà giàn DK1/8

Gặp chúng tôi đứng đợi tại tầu HQ 571, anh Nguyễn Quang Hiếu - người đã theo chiếc ca-nô CQ tiếp cận tới chân nhà giàn DK1/8 phải quay lại, nói ngay: “Sóng lừng mạnh quá nên không lên được”.

Với thâm niên 18 năm liên tục đi biển, anh Nguyễn Quang Hiếu giải thích: Sóng lừng là dạng sóng ngầm. Sóng lừng do dòng nước biển đột ngột thay đổi hướng khi vấp phải sự thay đổi hình thế của đáy biển như dải san hô, đảo đá ngầm nhô lên ở đáy biển. Dòng nước biển càng mạnh hoặc sự thay đổi dòng chảy càng lớn thì sóng lừng càng mạnh. Nó khác với sóng nơi biển sâu mà chúng ta nhìn thấy trên mặt nước, như sóng bạc đầu chẳng hạn - đó là do gió thổi gây nên.

Sóng biển ở chân nhà giàn DK1/8 là một dạng sóng lừng như vậy nên ca-nô CQ vào tới sát chân nhà giàn rồi thì nó trồi sụt rất lớn, đôi khi bất ngờ kéo ca-nô CQ ra xa khỏi chân nhà giàn đến chục mét, rồi lại đẩy ập vào chân nhà giàn. Chỉ cán bộ chiến sĩ hải quân dày dạn kinh nghiệm thì lên xuống nhà giàn mới an toàn. Để bảo đảm an toàn cho mọi người, Thủ trưởng Đoàn công tác số 9 quyết định điều chỉnh kế hoạch, chỉ định đích danh một số thành viên đại diện lên nhà giàn.

Như vậy chỉ có 2 ca nô chở 2 đoàn đại diện đi thăm, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn. Mỗi ca-nô CQ chở khoảng 10 người.

Đầu giờ chiều Đoàn công tác số 9 chúng tôi tổ chức Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại nhà giàn DK1.

Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa Phía Nam

Sau Lễ dâng hương này, Đoàn công tác số 9 hành trình về đất liền.

Trên đường về ai cũng bâng khuâng nhớ đảo. Một nỗi nhớ da diết.

Tổ Đá Lớn chúng tôi có 11 anh em tập văn nghệ cả sáng lẫn chiều tại phòng của Tổ trưởng Đinh Thái Hương. Chúng tôi thống nhất tất cả sẽ cùng lên hát và bảo nhau: Cứ hát bằng cả tấm lòng. Không cần nặng nề hình thức trình bày phụ họa, “con đường ngắn nhất để đến trái tim (khán giả) là xuất phát từ trái tim (mình)”.

Sau lúc tập hát, 7 anh em đoàn Petrolimex viết bản thu hoạch; góp ý với Đảng, Chính phủ, với Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân về các giải pháp phát triển kinh tế biển đảo, về việc cải thiện hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần quân, dân trên đảo .

Sau khi viết bản thu hoạch (của cá nhân), chúng tôi thảo luận về các đề xuất với Đảng ủy và lãnh đạo Petrolimexchương trình ủng hộ biển đảo Tổ quốc Việt Nam.

Trưởng đoàn Petrolimex Đinh Thái Hương ghi lưu bút vào Sổ truyền thống tầu HQ 571: "Chúng tôi vinh dự được thay mặt gần 3 vạn cán bộ, CNVC và người lao động của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tham gia Đoàn công tác số 09 thăm, kiểm tra Quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK. Chúng tôi rất tự hào về phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam ngày đêm được bảo vệ vững chắc, phát triển cùng với sự lớn mạnh của Đất nước. Chúng tôi tin tưởng sâu sắc vào chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và Bộ Quốc phòng trong thực hiện chiến lược biển đảo. Qua đợt công tác, là hạt nhân để chuyển tải tới CBCNV và gia đình về Trường Sa thân yêu, chúng tôi sẽ làm hết mình để góp phần xây dựng, khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. TM Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam xin trân trọng cảm ơn Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân đã tạo cơ hội cho chúng tôi tham gia đợt công tác này. Chúc tầu HQ 571 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao".

Anh em chúng tôi người xem lại ảnh, video; người ghi ghi chép chép những cảm xúc, kỷ niệm của mình.

Trò chuyện với nhau, anh Nguyễn Quang Hiếu kể: Ở Đảo Trường Sa Lớn mình gửi thư về cho cha. Chắc chắn khi nhận được Cụ sẽ tự hào lắm. Rồi anh xúc động kể tiếp: Cha tôi đã nhiều lần ra công tác Trường Sa. Cụ có rất nhiều kỷ niệm, nhưng ảnh thì ít vì ngày xưa chụp ảnh bằng phim nhựa và thi thoảng mới có phóng viên tham gia đoàn. Cha tôi có một bức ảnh do nhà báo Nguyễn Viết Thái chụp tặng; giờ Cụ vẫn trân trọng giữ gìn, đặt ở vị trí trang trọng. Tôi thấy thi thoảng Cụ lại ngồi ngắm, nét mặt đầy trầm tư xen lẫn tự hào. Phải có thực tế chuyến đi này tôi mới hiểu được tâm trạng và xúc cảm của Cụ những khi Cụ ngồi trước bức ảnh này.

Cụ Nguyễn Cảo (cha đẻ của anh Nguyễn Quang Hiếu) - Phó trưởng phòng Tác chiến Hải quân (Người đứng thứ 4 từ trái sang, áo trắng xắn tay, đội mũ mềm, đeo quân hàm Trung tá) trong chuyến công tác Trường Sa cùng Đô đốc Hải quân Giáp Văn Cương (Người đứng thứ 1 từ trái sang, áo trắng dài tay, đội mũ cối, tay đang chỉ). Ảnh: Nhà báo Nguyễn Viết Thái - tháng 5/1988

Các tổ thăm hỏi nhau, rồi rủ nhau cùng đi cảm ơn cán bộ chiến sĩ hải quân trên tầu HQ 571 đã gắn bó trong suốt hành trình đầy ý nghĩa này.

Tổng kết

Chiều tối 10.5.2014 chúng tôi về tới cửa biển Vũng Tầu.

Theo kế hoạch hành quân, tầu HQ 571 sẽ neo lại để tổng kết chuyến đi. Tại đây chúng tôi thực hiện chương trình văn nghệ như là lời tạm biệt của đoàn công tác với biển cả, với người Chiến sĩ Trường Sa để trở về với công việc của mình.

Danh sách bài hát các tổ đăng ký ngày càng nhiều đến nỗi Ban tổ chức phải quy định mỗi tổ cứ hát 2 bài đã, rồi tính sau.

Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải “nổ phát súng đầu tiên” bằng tiết mục song ca cùng chị Trần Thị Hằng - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

“Khúc quân ca Trường Sa” đều được tất cả các tổ lựa chọn đầu tiên.

Tiết mục văn nghệ của Tổ Đá Lớn

10 anh em Tổ Đá Lớn chúng tôi lên hát, anh Nguyễn Quang Hiếu chụp ảnh. Tiếp sau bài “Khúc Quân ca Trường Sa”, là bài “5 anh em trên 1 chiếc xe tăng”.

Anh Lê Tiến Duẩn - giọng ca vàng của Tổ Đá Lớn “cầm cái” làm quản ca theo sự tín nhiệm của tất cả anh em trong tổ.

Trên boong dạo tầu HQ 571, chúng tôi đứng thành hàng một, nghiêm trang theo thế đứng Hải quân, hòa cùng một nhịp, cất vang lời hát.

Chất giọng của chúng tôi có thể chưa hay nhưng lại rất truyền cảm, đầy tự hào. Tất cả thành viên Đoàn công tác số 9 có mặt tại đây đều hưởng ứng vỗ tay hòa nhịp hát cùng, làm vang động cả khu bãi trước của thành phố Vũng Tàu thơ mộng.

Niềm vui đón nhận vỏ ốc Trường Sa - Giải A do Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải trao tặng tiết mục văn nghệ của Tổ Đá Lớn

Đây là hiện vật duy nhất từ Trường Sa mà chúng tôi đem về. Tất cả thành viên Tổ Đá Lớn đều nhất trí trao Petrolimex giữ gìn, bảo quản.

Chúng tôi nâng niu chiếc vỏ ốc này trong suốt chuyến bay về Hà Nội.

Trên máy bay, Trưởng đoàn Đinh Thái Hương giao nhiệm vụ cho anh Khánh: Mấy hôm nữa đặt làm cái chân đế bằng gỗ tốt để đặt vỏ ốc này, rồi lưu tại Nhà truyền thống Petrolimex! - Trên ấy khắc sâu dòng chữ: “Trường Sa: Ra đảo nhớ đất liền, về đất liền nhớ đảo. Đoàn công tác Petrolimex, 02-11.5.2014”.

Chào một ngày mới

Đoàn chúng tôi đã hoàn thành chương trình công tác, trở về với công việc thường ngày; nhưng trong lòng đầy xao xuyến, nhớ đảo, nhớ anh em chiến sĩ Trường Sa.

Việc đầu tiên, chúng tôi bắt tay vào làm ngay là báo cáo lãnh đạo Đảng ủy và lãnh đạo Tập đoàn về kết quả chuyến công tác cùng với đề xuất những việc làm tiếp theo ủng hộ Trường Sa và lực lượng chấp pháp Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa Việt Nam.

Các đề xuất của đoàn công tác chúng tôi đã được lãnh đạo Đảng, chính quyền chấp thuận; Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội, tất cả CBCNV-NLĐ Petrolimex hưởng ứng nhiệt tình, thành một phong trào rộng lớn.

Chúng tôi thi đua lao động sản xuất với ước mong nước mình ngày càng giầu mạnh để tiếp sức cán bộ chiến sĩ, lực lượng chấp pháp Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn vùng trời, vùng biển, hải đảo Tổ quốc Việt Nam.

Bình minh trên biển Việt Nam

Một ngày mới bắt đầu.

Nơi đảo xa, “Chiến sĩ Trường Sahát tiếp bài ca về những tấm gương anh Bộ đội Cụ Hồ, đem chí trai giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta”.

Nơi đất liền,ta tự hỏi lòng mình: Hôm nay, mình sẽ làm gì để xứng đáng với người Chiến sĩ Trường Sa?

Ngoài kia, biển Tổ quốc - vẫn chưa yên …

Cùng chuyên mục

Petrolimex ủng hộ 2 tỷ đồng góp phần mang “mùa xuân cho em” dịp Tết Ất Tỵ

Văn hoá - Trách nhiệm Xã hội |  20/12/2024

Petrolimex hỗ trợ Hà Giang 1,5 tỷ đồng và trao 1.000 bình lọc nước tặng người dân huyện Bắc Quang, Quảng Bình

Văn hoá - Trách nhiệm Xã hội |  19/12/2024

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đồng hành cùng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X năm 2024

Văn hoá - Trách nhiệm Xã hội |  11/12/2024

Petrolimex bế mạc Hội thao chào mừng 70 năm Ngày thành lập tại khu vực Bắc Trung Bộ

Văn hoá - Trách nhiệm Xã hội |  30/11/2024

Petrolimex khai mạc Hội thao khu vực Bắc Trung Bộ chào mừng 70 năm Ngày thành lập

Văn hoá - Trách nhiệm Xã hội |  30/11/2024

Petrolimex bế mạc Hội thao khu vực Tây Nam Bộ chào mừng 70 năm Ngày thành lập

Văn hoá - Trách nhiệm Xã hội |  24/11/2024

Ra đảo nhớ đất liền, về đất liền nhớ đảo (kỳ 2)

Văn hoá - Trách nhiệm Xã hội |  09/06/2014

Petajico Hà Nội hướng về biển đảo Tổ quốc Việt Nam

Văn hoá - Trách nhiệm Xã hội |  06/06/2014

Vui tết thiếu nhi 01.6

Văn hoá - Trách nhiệm Xã hội |  31/05/2014

Chung sức hướng về biển Đông

Văn hoá - Trách nhiệm Xã hội |  29/05/2014

CBCNV-NLĐ PLC ủng hộ quân, dân huyện đảo Trường Sa hơn 170 triệu đồng

Văn hoá - Trách nhiệm Xã hội |  27/05/2014

Hướng về Biển Đông thân yêu

Văn hoá - Trách nhiệm Xã hội |  23/05/2014

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội