Người phát ngôn Bộ Công Thương trả lời một số vấn đề được dư luận, báo chí quan tâm

Văn phòng Bộ Công Thương

09:41 SA @ Thứ Tư - 02 Tháng Mười Hai, 2015

Bộ Công Thương xin trân trọng giới thiệu nội dung trả lời của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải – Người phát ngôn của Bộ Công Thương đối với một số vấn đề mà báo chí và dư luận quan tâm:

Câu 5: Xin Bộ Công Thương thông tin về công tác điều hành giá xăng dầu của Liên Bộ Công Thương – Tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thời gian qua?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, giá cơ sở là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

Giá cơ sở bao gồm các yếu tố và được xác định bằng (=) {Giá CIF cộng (+) Thuế nhập khẩu cộng (+) Thuế tiêu thụ đặc biệt} nhân (x) Tỷ giá ngoại tệ cộng (+) Thuế giá trị gia tăng cộng(+) Chi phí kinh doanh định mức cộng (+) mức trích lập Quỹ Bình ổn giá cộng (+) Lợi nhuận định mức cộng (+) Thuế bảo vệ môi trường cộng (+) Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong đó: Giá CIF được tính bằng (=) giá xăng dầu thế giới (giá Platt Singapore) cộng (+) các khoản chi phí để đưa xăng dầu từ nước ngoài về đến cảng Việt Nam. Các yếu tố này được xác định ở nhiệt độ thực tế. Trong đó, giá xăng dầu thế giới được được tính bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá của chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc.

Trong quá trình kinh doanh, các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối chủ động lựa chọn giá cả, thời điểm giao dịch mua bán xăng dầu trên thị trường thế giới, phù hợp và có lợi đối với hoạt động kinh doanh của mình. Giá thành phẩm xăng dầu thế giới biến động lên xuống hàng ngày; trường hợp doanh nghiệp chốt được giá mua xăng dầu trên thị trường thế giới vào thời điểm thấp hơn giá thành phẩm xăng dầu bình quân 15 ngày sát ngày tính giá thì doanh nghiệp có thể thu được kết quả kinh doanh tốt; trường hợp doanh nghiệp chốt giá mua xăng dầu trên thị trường thế giới vào thời điểm cao hơn giá thành phẩm xăng dầu bình quân 15 ngày sát ngày tính giá thì kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ không thuận lợi.

Như vậy, trong cùng một chu kỳ kinh doanh, có thể doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu này bị lỗ nhưng doanh nghiệp khác kinh doanh có lãi, thậm chí có doanh nghiệp thu được lãi nhiều nếu thỏa thuận mua được xăng dầu trên thị trường thế giới với giá thấp, có chiến lược kinh doanh, hạch toán các chi phí kinh doanh một cách hợp lý… Tương tự, trong một chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp, có giai đoạn doanh nghiệp thu được lãi cao, có giai đoạn thu được lãi thấp, có giai đoạn bị lỗ, điều này thể hiện đúng quy luật thị trường.

Trong quá trình điều hành giá xăng dầu, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã tuân thủ đúng các quy định của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Trên thực tế kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp có giá vốn và chi phí khác nhau nên mức độ lỗ lãi cũng khác nhau.

Trong tháng 11 năm 2015, thực hiện quy định và căn cứ nguyên tắc tính giá cơ sở theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC của Liên Bộ Công Thương – Tài chính quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã có 02 đợt điều hành giá xăng dầu trong nước. Cụ thể:

1. Ngày 03 tháng 11 năm 2015, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định:

- Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: Trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng khoáng là 300 đồng/lít; Trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu khác như hiện hành.

- Sau khi thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá như trên, điều chỉnh giảm giá các mặt hàng xăng dầu: Xăng RON 92 giảm 771 đồng/lít; Xăng E5 giảm 881 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S giảm 432 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 481 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S giảm 316 đồng/kg.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng RON 92 không cao hơn 17.232 đồng/lít; Xăng E5 không cao hơn 16.737 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 13.513 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 12.523 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 9.571 đồng/kg.

2. Ngày 18 tháng 11 năm 2015, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định:

- Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: Trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với dầu diesel là 208 đồng/lít; Trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu khác như hiện hành.

- Sau khi thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá như nêu trên, điều chỉnh giá các mặt hàng xăng dầu: Xăng RON 92 giảm 178 đồng/lít; Xăng E5 giảm 178 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S giảm 83 đồng/kg; Giữ nguyên giá bán hiện hành đối với dầu diesel; Dầu hỏa tăng 124 đồng/lít.

Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng RON 92 không cao hơn 17.054 đồng/lít; Xăng E5 không cao hơn 16.559 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S không cao hơn 13.513 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 12.647 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 9.488 đồng/kg.

Câu 7: Ngày 01/12, xăng sinh học E5 chính thức được triển khai bán đồng loạt trên toàn quốc theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22 tháng 11 năm 2012 về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Theo Quyết định này, Bộ Công Thương được giao làm đầu mối triển khai. Vậy, công tác này đã được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhiên liệu sinh học, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống tại Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg năm 2012 (Lộ trình) trong đó quy định chi tiết về thời gian, tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống tại các địa phương trên cả nước. Theo Quyết định này xăng sinh học E5 sẽ được triển khai thí điểm từ ngày 01 tháng 12 năm 2014 tại 07 tỉnh bao gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu và bắt đầu triển khai trên toàn quốc từ ngày 01 tháng 12 năm 2015.

Tiếp Đại sứ Mexico tại Việt Nam và Tổng giám đốc Cơ quan XTTM&ĐT Mexico ProMexico

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã cùng các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nhiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ và các địa phương chỉ đạo quyết liệt các doanh nghiệp triển khai thực hiện Lộ trình và đã thu được một số kết quả quan trọng, cụ thể là:

1. Tình hình sản xuất, kinh doanh xăng E5 tại các địa phương và các đầu mối kinh doanh xăng dầu

a. Tình hình sản xuất, kinh doanh xăng E5 tại các đầu mối kinh doanh xăng dầu

Các doanh nghiệp đầu mối lớn về kinh doanh xăng dầu như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH MTV Dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh - Sài Gòn Petro đã chủ động triển khai thực hiện Lộ trình, thực hiện đầu tư trang bị bồn, bể, phương tiện phối trộn, tồn trữ, vận chuyển phù hợp cho kinh doanh xăng E5 RON92.

Theo báo cáo của các đầu mối kinh doanh xăng dầu, hiện nay có 05 doanh nghiệp tổ chức sản xuất, pha chế xăng E5 là: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty Xăng dầu và dịch vụ hàng hải S.T.S, Công ty TNHH Thương mại & dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh.

Có thể thấy sau 3 năm, số cửa hàng kinh doanh xăng E5 trên cả nước đạt gần 800 trong khi tại Thái Lan sau 13 năm kể từ năm 1991 đến năm 2004 mới chỉ có 300 cửa hàng.

b. Tình hình kinh doanh xăng E5 tại các địa phương

Từ việc kiểm tra thực tế và theo báo cáo của các địa phương, xăng E5 đã được kinh doanh rộng rãi tại 07 tỉnh mục tiêu theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hà Nội, Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ và bước đầu mở rộng ra các địa phương khác.

* Về lộ trình triển khai thực hiện phân phối xăng sinh học E5 RON92

Các địa phương thuộc các tỉnh mục tiêu của Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu và một số địa phương khác đã tích cực triển khai đưa xăng E5 RON 92 vào lưu thông trên thị trường.

Sau thời gian triển khai đã đạt được một số kết quả ban đầu: số cửa hàng bán xăng E5 tăng lên, tỷ lệ cửa hàng bán xăng E5 ở các tỉnh khác nhau (7% ở Hải Phòng; 97% ở Quảng Ngãi). Các địa phương đi đầu trong việc triển khai phân phối xăng E5 là Quảng Ngãi, Đà Nẵng. Quảng Nam là địa phương không thuộc các tỉnh mục tiêu của Quyết định 53/2012/QĐ-TTg nhưng cũng đã tích cực triển khai thực hiện và thu được các kết quả tốt. Thành công bước đầu ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Nam là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xăng dầu cùng với yếu tố thuận lợi là các địa phương này gần nguồn cung xăng E5 RON 92. Các địa phương còn lại kết quả thu được còn hạn chế, việc triển khai các địa phương này còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các địa phương đều đã có kế hoạch triển khai trong thời gian tới.

Nhiều địa phương khác cũng đã và đang triển khai tích cực đưa xăng E5 vào lưu thông trên thị trường theo đúng Lộ trình bằng việc chuẩn bị các cơ sở vật chất, ban hành kế hoạch hành động. Các địa phương đã ban hành kế hoạch hành động để triển khai Chỉ thị 23/CT-TTg và Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg. Trong kế hoạch hành động các nội dung về truyền thông về nhiên liệu sinh học ở địa phương, kế hoạch pha chế và phân phối xăng E5 và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn bắt buộc sử dụng xăng E5 được chú trọng. Tiêu biểu trong các địa phương là Thừa Thiên – Huế, Lào Cai, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Phước, Hà Tĩnh, Đắk Lắk Đắk Nông, Kon Tum... Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức hội nghị triển khai phân phối xăng sinh học E5 vào tháng 9 năm 2015. Lào Cai và Lâm Đồng dự kiến sẽ tổ chức hội nghị triển khai phân phối xăng sinh học E5 trong tháng 11 năm 2015.

* Công tác kiểm tra kiểm soát đảm bảo chất lượng xăng E5

Để đảm bảo sản phẩm xăng sinh học E5 với chất lượng được quản lý chặt chẽ theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường, ngay sau khi ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nhiên liệu sinh học, các cơ quan chức năng đã tổ chức việc chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy cho sản phẩm và liên tục thực hiện việc kiểm tra định kỳ, đột xuất để giám sát việc tuân thủ trong quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Kết quả kiểm tra định kỳ và đột xuất cho thấy không có vi phạm nào trong việc bảo đảm chất lượng sản phẩm E5.

Trong suốt thời gian kể từ khi xăng sinh học E5 được đưa vào kinh doanh trên thị trường, chưa có một khiếu kiện nào của người tiêu dùng liên quan đến vấn đề chất lượng xăng E5.

* Về công tác truyền thông và thái độ của người tiêu dùng và các đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu

Để cung cấp đầy đủ thông tin về chương trình phát triển nhiên liệu sinh học, tạo sự đồng thuận trong xã hội Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về nhiên liệu sinh học. Bộ cũng đã tổ chức thực hiện Đề án tuyên truyền về nhiên liệu sinh học, xăng E5. Nội dung Đề án bao gồm các bài viết: phỏng vấn Lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan; vai trò của nhiên liệu sinh học trong kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, kết quả thực hiện và kinh nghiệm triển khai sản xuất kinh doanh xăng E5 tại các đơn vị; nhiên liệu sinh học với an ninh năng lượng; hành vi tiêu dùng xăng E5 và nhiên liệu sinh học. Đề án được thực hiện từ tháng 10 năm 2015 đến tháng 10 năm 2016. Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai truyền thông về nhiên liệu sinh học và xăng E5 thông qua các hội nghị hội thảo và phổ biến kiến thức về xăng E5 thông qua sử dụng tài liệu “Cẩm nang xăng sinh học”.

Các địa phương, các đầu mối kinh doanh xăng dầu đã tích cực triển khai tuyên truyền đến người tiêu dùng về lợi ích của xăng E5. Tuy nhiên về thái độ của người tiêu dùng ở các địa phương còn khác nhau. Tại các đại phương như Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Nam người tiêu dùng đã chấp nhận sử dụng xăng E5 mà không phân biệt so với xăng khoáng. Tại các địa phương khác như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu người tiêu dùng còn e ngại khi sử dụng xăng E5.

2. Đánh giá tình hình thực hiện Lộ trình

Như vậy có thể nói sau 07 năm kể từ khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển nhiên liệu sinh học, ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học nước ta đã bước đầu hình thành với các cơ sở sản xuất nhiên liệu sử dụng nguyên liệu là các sản phẩm nông nghiệp, hệ thống phân phối sản phẩm, hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các cơ chế chính sách liên quan cũng như nhận thức của cộng đồng xã hội. Để đánh giá hiệu quả kinh tế của một ngành cần phải dựa trên nhiều yếu tố nhưng đánh giá tổng quát có thể thấy việc sản xuất nhiên liệu từ nông sản làm tăng giá trị gia tăng của nông sản, tạo đầu ra ổn định của sản phẩm nông nghiệp, tránh tình trạng xuất khẩu bị phụ thuộc vào thị trường nước ngoài và luôn bị thua thiệt do bị ép giá. Việc thay thế một phần nhiên liệu truyền thống cũng đã góp phần giảm nhập khẩu sản phẩm xăng dầu, tiết kiệm ngoại tệ. Việc thay thế nhiên liệu truyền thống bằng nhiên liệu sinh học cũng góp phần tích cực vào việc giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.

Cũng như các loại nhiên liệu khác, nhiên liệu sinh học khi đi vào cuộc sống cũng phải tuân theo quy luật của kinh tế thị trường cho nên tại từng thời điểm, đối từng dự án cụ thể, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa được như kỳ vọng do phải vượt qua các thách thực trở ngại của quá trình phát triển. Chính vì vậy cần phải có chính sách phù hợp và thống nhất để đạt được mục tiêu tổng quát.

Thực hiện Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg các Bộ ngành đã tích cực chỉ đạo, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện các nhiệm vụ được giao như: Về kinh doanh xăng dầu nói chung và xăng E5 nói riêng; về tuyên truyền; rà soát hoạt động của các nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu; kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương, các thương nhân kinh doanh xăng dầu đảm bảo sử dụng, phối trộn, phân phối xăng sinh học.

Các địa phương đã khẩn trương triển khai các kế hoạch, các giải pháp về truyền thông về nhiên liệu sinh học ở địa phương; kế hoạch pha chế và phân phối xăng E5; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn bắt buộc sử dụng xăng E5.

Các doanh nghiệp đầu mối đã tích cực triển khai thực hiện: xây dựng các trạm pha chế, phối trộn xăng E5, mở rộng mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng E5; Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kinh doanh xăng dầu rà soát tiến độ phát triển các cửa hàng bán lẻ xăng E5 tại địa phương. Các kết quả đạt được là rất khả quan, tuy nhiên cũng xuất hiện nhiều khó khăn.

Từ hiện trạng sản xuất và kinh doanh xăng E5 và các thuận lợi, khó khăn đang tồn tại trong thực tế triển khai phân phối xăng E5, Bộ Công Thương đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành thực hiện các giải pháp như sau:

- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu cơ chế ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp sản xuất ethanol; cơ chế về giá cho E100; giá, thuế các loại đối với E5.

- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông về nhiên liệu sinh học ở phạm vi quốc gia, khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học nói chung, xăng E5, E10 nói riêng, trong đó cần làm rõ lợi ích của việc sử dụng nhiên liệu sinh học, khẳng định về chất lượng, kỹ thuật để người tiêu dùng yên tâm sử dụng nhiên liệu sinh học;
- Các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu ban hành cơ chế bắt buộc sử dụng xăng E5 đặc biệt đối với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam các đơn vị liên quan chủ động tạo nguồn E100 và nghiên cứu cơ chế tạo nguồn E100 ổn định gửi Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội