Thêm một bước tiến tới thị trường
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5401/VPCP-KTTH, giao Bộ Công Thương xây dựng và trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, đến nay chưa đầy một năm Bộ Công Thương đã hoàn thiện dự thảo nghị định thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành. Để bạn đọc hiểu rõ hơn những thay đổi tích cực trong dự thảo, phóng viên Báo Công Thương đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú trả lời phỏng vấn
CôngThương - * Xin Thứ trưởng cho biết, mục tiêu điều hành kinh doanh xăng dầu của Chính phủ và Liên Bộ Tài chính - Công Thương thể hiện như thế nào trong dự thảo Nghị định mới?
Mục tiêu điều hành kinh doanh xăng dầu của Chính phủ là không thay đổi: kiên định điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Theo quy định tại Dự thảo Nghị định mới, kinh doanh xăng dầu sẽ tiến thêm một bước nữa tới thị trường. Điều đó thể hiện qua các quy định nhằm tăng tính cạnh tranh về giá bán xăng dầu, về thị phần giữa các DN kinh doanh xăng dầu, qua đó người tiêu dùng có cơ hội được tiêu dùng xăng dầu với mức giá hợp lý hơn, việc điều hành giá xăng dầu cũng sẽ ít gây ra sự bức xúc trong xã hội…
* Thưa Thứ trưởng, việc điều hành giá xăng dầu là vấn đề dư luận rất quan tâm, thời gian gần đây việc điều hành giá của Liên Bộ Tài chính- Công Thương đã bám sát quy định của Nghị định 84, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của dư luận là giá trong nước phải biến động theo giá thế giới. Dự thảo đã giải quyết bức xúc này như thế nào?
Quan điểm của Chính phủ là phải khắc phục những hạn chế trong Nghị định 84, nhất là vấn đề giá. Dù Nghị định 84 là một bước tiến trong việc thị trường hóa kinh doanh xăng dầu nhưng do đây là Nghị định đầu tiên nhằm xóa bỏ bù lỗ đối với xăng dầu nên vẫn bộc lộ một số hạn chế. Ví dụ, Nghị định 84 quy định, giá cơ sở được tính toán trên cơ sở bình quân giá xăng dầu thế giới của 30 ngày trước kỳ tính giá nên gây ra độ trễ nhất định trong việc điều chỉnh giá bán lẻ trong nước theo diễn biến giá xăng dầu thế giới, giá trong nước có thể tăng, giảm chậm hơn giá thế giới, nhưng cũng có ưu điểm là tạo ra giá trong nước có diễn biến ổn định hơn so với biến động của giá thế giới; tần suất điều chỉnh giá theo Nghị định số 84 là 10 ngày/một lần cũng khá dày.
Để khắc phục hạn chế này, Dự thảo Nghị định mới quy định giá cơ sở được tính trên cơ sở bình quân giá xăng dầu thế giới của 15 ngày sát với ngày điều chỉnh giá; quy định này sẽ làm cho giá bán trong nước phản ánh sát hơn diễn biến giá thế giới, so với quy định hiện hành tại Nghị định số 84. Cùng với việc thay đổi cách tính giá cơ sở, tần suất điều chỉnh giá cũng tăng lên thành 15 ngày thay vì 10 ngày như trước đây.
* Cũng liên quan đến giá xăng dầu, việc trao quyền cho doanh nghiệp tự định giá trong một phạm vi nhất định vẫn gây nhiều tranh cãi, trong dự thảo Nghị định mới, Chính phủ đã quyết định quyền này như thế nào?
Theo Nghị định 84, nếu các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 7% trở xuống so với giá bán lẻ hiện hành thì thương nhân đầu mỗi được điều chỉnh giá tương ứng. Hiện nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước khoảng trên 24.000 đồng/lít, nếu áp dụng biên độ điều chỉnh như Nghị định 84 thì mỗi lần tăng khoảng trên 1.600 đồng/lít, mức tăng nhiều như vậy sẽ gây “sốc” cho nền kinh tế và tâm lý người tiêu dùng, ảnh hưởng đến kiểm soát lạm phát của Chính phủ.
Dự thảo Nghị định mới thay đổi biên độ điều chỉnh giá, quy định nếu các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 3% trở xuống so với giá cơ sở liền kề trước đó thì thương nhân đầu mối được điều chỉnh giá tương ứng. Vì sao quy định như vậy, vì qua theo dõi quy luật giá xăng dầu thế giới cho thấy, hàng năm giá thế giới tăng trong khoảng 5-7%. Với mức tăng 3% tương ứng với 700-750 đồng/lít mỗi lần điều chỉnh, phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế và khả năng tiêu dùng của người dân. Còn trường hợp các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng trên 3%, Dự thảo quy định: khoảng từ 3 đến 7% thương nhân đầu mối được điều chỉnh giá một phần, một phần sử dụng Quỹ bình ổn giá nhằm giảm bớt mức giá điều chỉnh. Nhưng phải khẳng định, dù Nhà nước trao quyền cho DN nhưng vẫn quản lý, giám sát qua công tác hậu kiểm, bảo đảm giá bán lẻ xăng dầu của các doanh nghiệp không được vượt quá giá cơ sở mà Nhà nước đã tính toán. Nếu DN tăng quá mức quy định thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu sẽ tạo tính cạnh tranh, minh bạch hơn rất nhiều
* Nguyên tắc trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu trong Nghị định mới như thế nào để quỹ phát huy tác dụng là công cụ bình ổn giá xăng dầu trong nước, thưa Thứ Trưởng?
Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Nghị định 84 mới chỉ nêu được phần định tính mà chưa có định lượng, vì thế mà Quỹ bình ổn chưa phát huy nhiều tác dụng. Có những thời điểm Quỹ bị lạm chi, khi giá xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng cao thì Quỹ lại hết, bắt buộc phải tăng giá xăng dầu thì mức tăng giá phải ở mức cao, gây sốc cho nền kinh tế (như đã có lần xăng dầu phải tăng giá thêm 2.000- 2.500 đồng/lít).
Vì thế, Dự thảo Nghị định mới đã tạo ra quy chế để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu một cách rõ ràng. Giá tăng đến mức độ nào đó mới được sử dụng quỹ để bình ổn giá trong nước. Quy định này tạo cơ chế sử dụng Quỹ và để giá trong nước luôn bám sát giá thế giới.
Một điểm mới nữa về bình ổn giá là theo quy định tại Dự thảo Nghị định, chỉ có Chính phủ mới có quyền quyết định bình ổn giá xăng dầu trong nước và giao trách nhiệm cho Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phối hợp triển khai thực hiện biện pháp bình ổn giá trong thời hạn áp dụng biện pháp bình ổn giá. Ví dụ áp dụng bình ổn theo phương án giữ giá bán hoặc tăng giá bao nhiêu, còn bao nhiêu sử dụng Quỹ bình ổn... Điều này khắc phục hạn chế của Nghị định 84 tuy đề cập đến bình ổn giá nhưng lại không quy định phải có quyết định bình ổn làm cho nhiều lúc Quỹ bị sử dụng quá mức cần thiết, thậm chí Quỹ bình ổn còn bị “âm”.
* Để tạo môi trường cạnh tranh hơn trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, Nghị định mới đã có thay đổi gì, thưa Thứ trưởng?
Có một điểm thay đổi rất mới trong Dự thảo Nghị định. Đó là ngoài việc thiết lập hệ thống phân phối xăng dầu theo phương thức đại lý như Nghị định 84 quy định, tức là chỉ có 1 loại hình duy nhất phân phối xăng dầu theo hệ thống chuỗi từ tổng đại lý xuống đại lý, thì nay Dự thảo Nghị định đã cho phép mở thêm hai đối tượng kinh doanh xăng dầu mới là thương nhân phân phối xăng dầu hoạt động theo hình thức mua đứt bán đoạn và thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu hoạt động theo pháp luật về nhượng quyền thương mại. Với việc có nhiều đối tượng thương nhân cùng tham gia hoạt động kinh doanh xăng dầu, tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu sẽ được nâng cao hơn.
Nếu như trước đây chỉ có thương nhân đầu mối được quy định giá bán xăng dầu trong hệ thống của mình, thì nay Dự thảo Nghị định mới cho phép đối tượng mới là thương nhân phân phối xăng dầu cũng được quy định giá bán xăng dầu trong hệ thống của mình, đồng thời thương nhân phân phối xăng dầu được mua hàng từ nhiều đầu mối. Ví dụ, một thương nhân phân phối xăng dầu mua xăng của Petrolimex với giá là 24.000 đồng/lít, mua xăng của PV Oil với giá là 26.000 đồng/lít, sau đó tự định giá bán xăng trong hệ thống phân phối của mình với mức giá là 25.000 đồng/lít để cạnh tranh trực tiếp với các đầu mối khác. Tuy nhiên, giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường không được cao hơn giá cơ sở do Nhà nước quy định.
* Thưa Thứ trưởng, công khai và minh bạch kinh doanh xăng dầu là tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và đòi hỏi của người dân, trong Nghị định mới thể hiện nội dung này như thế nào?
Tại Dự thảo Nghị định mới có riêng 1 điều về công khai, minh bạch trong điều hành giá và kinh doanh xăng dầu. Trong đó quy định trách nhiệm công bố thông tin kinh doanh xăng dầu của các bộ, các doanh nghiệp. Ví dụ, Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát việc điều hành giá xăng dầu, giám sát mức trích lập, mức sử dụng Quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp; Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố công bố giá thế giới, giá cơ sở, giá bán lẻ xăng dầu hiện hành…; thương nhân đầu mối có trách nhiệm công bố về giá bán lẻ hiện hành, số trích lập, số sử dụng và số dư Quỹ bình ổn giá hàng tháng, báo cáo tài chính trong năm tài chính khi đã được kiểm toán…
Xin cảm ơn Thứ trưởng!