Phóng viên Báo Công Thương đoạt giải báo chí viết về doanh nghiệp - doanh nhân

Thuận Ánh

03:18 CH @ Thứ Năm - 09 Tháng Mười, 2014

Nhân kỷ niệm 10 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2014), hôm nay (9/10/2014), Phòng Thương mại và Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức trao giải báo chí “Chân dung Doanh nghiệp - Doanh nhân” lần thứ III. Phóng viên Báo Công Thương đã đoạt giải C bài viết “Gian nan xăng dầu ngược núi” viết về những người lái xe xăng dầu Petrolimex nỗ lực đưa xăng dầu đến những bản làng miền núi vùng sâu, vùng xa.

Nhà báo Nguyễn Hải và Thanh Hương, Báo Công Thương nhận giải cho tác phẩm "Gian nan xăng dầu ngược núi".

CôngThương - Lễ trao giải báo chí viết về doanh nghiệp - doanh nhân được tổ chức trong khuôn khổ diễn đàn “Báo chí đồng hành cùng Doanh nghiệp - Doanh nhân”.

Tới tham dự có nhà báo Hà Minh Huệ- Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam; TS. Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; TS. Trần Bá Dung - Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Gia Thụy - Ủy viên BCH, Chánh văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam; ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội… cùng nhiều doanh nghiệp tiêu biểu.

Giải báo chí nhằm tôn vinh những tác giả có các bài viết xuất sắc về doanh nghiệp, doanh nhân trên toàn quốc, Ban tổ chức đã lựa chọn trao giải cho 9 tác phẩm xuất sắc nhất được đăng tải trong 10 năm (từ ngày 13/10/2004 đến ngày 15/9/2014).

5 giải C thuộc về các tác giả với các tác phẩm: Bài viết hai kỳ “Gian nan xăng dầu ngược núi” - Nhóm tác giả: Trần Thanh Hương, Nguyễn Văn Hải, Báo Công Thương; bài “Doanh nhân Phan Minh Thông - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh” - tác giả Mỹ Ý, Báo Diễn đàn doanh nghiệp; bài viết "Đức trị ở Ba Nhất"- tác giả Thượng Tùng, Báo Nhịp cầu đầu tư; Bài viết “Đãi vàng xanh" nơi rừng phòng hộ"- tác giả Anh Minh, Báo Đầu tư; Bài viết "Ông Trần Xuân Kiên, chủ tịch công ty thế giới số Trần Anh: Lớn lên từ phần "xương xẩu"" - tác giả Chí Tín, Báo Đầu tư.

3 giải B thuộc về các tác giả với các tác phẩm: "Vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ: "Chính trị nhất thời, cà phê vĩnh cửu"- tác giả Nguyễn Hương, Báo Diễn đàn doanh nghiệp; “Chuyện đời "lão đại gia" và đại gia đình doanh nhân” (2 kỳ) – tác giả Nguyễn Thiêm, Báo Công an nhân dân; “Bà Thái Hương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH Group: Tôi tự tạo ra một lớp khách hàng mới”- tác giả Tâm Hà - Báo Đầu tư.

1 giải A thuộc về nhóm tác giả Phúc Nguyên, Huy Thiêm, Đặng Trung Hội báo Quân đội nhân dân với tác phẩm báo chí “Giữ "phên giậu" Tây Nguyên” (4 kỳ).

Phát biểu tại buổi lễ, ông Hà Minh Huệ chia sẻ: Tính đến đầu năm nay, cả nước có 838 cơ quan báo chí, 70 báo điện tử, 19 tạp chí điện tử và 265 trang thông tin điện tử tổng hợp; 67 đài phát thanh truyền hình Trung ương và địa phương. Đội ngũ người làm báo lớn mạnh hơn bao giờ hết với 17.000 phóng viên được cấp thẻ hành nghề. Tuy “lượng” tăng nhanh là vậy, nhưng “chất” vẫn chưa tăng tương xứng. Ấn phẩm báo chí trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán vẫn còn thiếu những thông tin độc quyền, có tính chuyên sâu, đáp ứng đòi hỏi ngày càng khó tính của đối tượng độc giả vốn là những người am hiểu sâu về hai lĩnh vực này. Đây là thử thách không nhỏ đối với các cơ quan báo chí trong nỗ lực để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc. Bởi vậy, để khẳng định chỗ đứng trong lòng độc giả, các cơ quan báo chí cần đầu tư mạnh hơn vào việc nâng cao chất lượng thông tin.

Phát biểu về vấn đề doanh nghiệp và báo chí cùng đồng hành, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, nhiều cơ quan báo chí đã đưa ra những thông tin sâu có tính chất bản chất để giúp cho doanh nghiệp có thể định hướng được chiến lược kinh doanh của mình. “Có thể thấy rằng, mối quan hệ thân thiết giữa doanh nghiệp và báo chí là một đòi hỏi tất yếu. Nó thể hiện qua tính xác thực và độ tin cậy của thông tin, là sự tương hỗ hai chiều: doanh nghiệp cần báo chí và báo chí cũng cần doanh nghiệp. Trong quan hệ báo chí với doanh nghiệp cần luôn khẳng định là quan hệ hợp tác bình đẳng chứ không phải cơ chế xin - cho. Doanh nghiệp luôn cần đến báo chí để thu thập thông tin, nắm bắt tình hình, quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình. Ngược lại, báo chí cũng cần đến doanh nghiệp để có đối tượng phản ánh, nguồn tin...”.

Tuy nhiên, theo TS Vũ Tiến Lộc, thời gian qua việc quan hệ và hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp trên thực tế vẫn tồn tại những khoảng cách, những “góc khuất” khiến thông tin bị sai lệch, khiến hoạt động của các cơ quan báo chí và doanh nghiệp đều không được thuận lợi, thậm chí là rơi vào tình trạng khủng hoảng.

Các đại biểu của doanh nghiệp đã lắng nghe các phát biểu, đồng thời cũng chia sẻ những suy nghĩ của mình, mong muốn tìm được tiếng nói chung giữa báo chí và doanh nghiệp, góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa hai bên, để báo chí thực sự là cầu nối hữu hiệu giữa doanh nghiệp và cộng đồng.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội