Những điểm mới của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu
Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương giới thiệu những điểm mới của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP) tới bạn đọc của Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương. Cụ thể như sau:
Tư tưởng và nội dung chủ đạo của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP
Hoạt động kinh doanh xăng dầu tiếp tục vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, phát huy quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Bảo đảm thực hiện tốt vai trò kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước.
Tăng cường tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong kinh doanh xăng dầu; quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối xăng dầu, bảo đảm cung ứng ổn định xăng dầu trong hệ thống, bảo đảm chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường.
Giá xăng dầu trong nước phản ánh kịp thời diễn biến giá xăng dầu thế giới; tần suất, biên độ điều chỉnh giá xăng dầu phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, tâm lý người tiêu dùng.
Khuyến khích phát triển nhiên liệu sinh học nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
Những điểm mới chủ yếu của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP
Về điều hành giá xăng dầu:
Nhằm tăng cường tính cạnh tranh giá giữa các thương nhân, đồng thời bảo đảm giá bán lẻ trong nước bám sát giá thế giới, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 83) quy định tần suất điều chỉnh giá là 15 ngày/một lần (Khoản 1 Điều 38) thay vì 10 ngày/một lần như Nghị định số 84/2009/NĐ-CP quy định; giá cơ sở được tính toán trên cơ sở bình quân giá thế giới 15 ngày sát với ngày tính giá (Khoản 9 Điều 3) thay vì bình quân giá thế giới 30 ngày gần ngày tính giá như Nghị định số 84/2009/NĐ-CP quy định.
Biên độ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu
Biên độ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu được sửa đổi để phù hợp với khả năng chấp nhận của nền kinh tế nước ta hiện nay và công khai rõ ràng để mọi người quan tâm đều nắm bắt được. Cụ thể:
Biên độ điều chỉnh tăng giá bán lẻ là từ 3% trở xuống, trên 3% đến 7%, trên 7% (Khoản 3 Điều 38) thay vì biên độ từ 7% trở xuống, trên 7% đến 12%, trên 12% như Nghị định số 84/2009/NĐ-CP quy định.
Thương nhân thực hiện giảm giá bán lẻ ngay khi giá cơ sở giảm, không hạn chế mức giảm, khoảng thời gian giữa hai lần giảm và số lần giảm (Khoản 2 Điều 38), thay vì biên độ điều chỉnh giảm giá từ 12% trở xuống, trên 12% như Nghị định số 84/2009/NĐ-CP quy định.
Biên độ điều chỉnh giá bán lẻ quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP là hợp lý vào thời điểm đó, khi giá xăng dầu lúc đó còn thấp. Đến nay, xu hướng giá xăng dầu thế giới biến động theo chiều hướng tăng là chủ yếu (so với năm 2009 là năm ban hành Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, giá xăng dầu thế giới đối với xăng RON 92 bình quân năm 2013 là 116,208 USD/thùng, tăng 48,243 USD/thùng, tương đương 170,98%; bình quân 8 tháng đầu năm 2014 là 116,624 USD/thùng, tăng 48,659 USD/thùng, tương đương 171,59%).
Với biên độ điều chỉnh giá quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, nếu quy về con số tuyệt đối sẽ rất lớn, ví dụ giá bán lẻ xăng RON 92 hiện nay là khoảng 23.710 đồng/lít, ứng với mức 7% là xấp xỉ 1.660 đồng/lít, với mức 12% là khoảng trên 2.800 đồng/lít, v.v… Nếu thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ theo các biên độ này, mức điều chỉnh này thì sẽ gây “sốc” cho nền kinh tế và tâm lý người tiêu dùng. Với biên độ quy định tại Nghị định là 3%, tương ứng khoảng trên 700 đồng/lít thì sẽ ít tác động tới nền kinh tế và tâm lý người tiêu dùng.
Nghị định 83 quy định rõ trình tự, thủ tục điều hành giá xăng dầu, thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều hành giá xăng dầu để công khai, minh bạch và để người dân cùng giám sát (Điều 38).
Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu
Nguyên tắc, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp bình ổn giá tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP chưa được quy định rõ ràng dẫn đến trong công tác điều hành giá có lúc còn lạm dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá.
Để khắc phục tình trạng này, Nghị định 83 đã quy định rõ nguyên tắc trích lập, sử dụng và quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: “Việc sử dụng Quỹ bình ổn được thực hiện khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân…” (Khoản 2 Điều 37). Đồng thời quy định rõ Chính phủ mới được quyết định bình ổn giá xăng dầu trong nước và giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính triển khai thực hiện các biện pháp bình ổn giá trong thời hạn áp dụng biện pháp bình ổn giá (Khoản 1 Điều 38).
Hệ thống phân phối xăng dầu
Nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu, bên cạnh việc kinh doanh xăng dầu theo phương thức tổng đại lý, đại lý hiện đang quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, Nghị định 83 bổ sung thêm 2 phương thức phân phối xăng dầu mới là phương thức mua đứt bán đoạn và nhượng quyền thương mại. Theo đó, đưa ra thêm đối tượng là thương nhân phân phối xăng dầu (Điều 13,14, 15) được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối, đối tượng là thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu (Điều 22, 23) hoạt động theo pháp luật về nhượng quyền thương mại.
Thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối, được quyền quy định giá bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình theo nguyên tắc, trình tự như thương nhân đầu mối. Thương nhân phân phối xăng dầu phải xây dựng thương hiệu riêng của mình, chịu trách nhiệm trước pháp luật về số lượng, giá cả, chất lượng xăng dầu trong hệ thống phân phối của mình, phải có phòng thử nghiệm (thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu hoặc theo hợp đồng thuê dịch vụ với cơ quan nhà nước) đủ năng lực kiểm tra, thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng xăng dầu. Thương nhân phân phối xăng dầu phải kiểm tra, giám sát hoạt động của đại lý thuộc hệ thống phân phối của mình, liên đới chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm của đại lý trong hoạt động kinh doanh xăng dầu theo quy định của pháp luật.
Thương nhân nhận quyền bán lẻ được kinh doanh bán lẻ xăng dầu bằng phương thức nhượng quyền thương mại: nhận quyền từ thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu để bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng sở hữu, đồng sở hữu.
Tăng cường công khai, minh bạch
Nghị định số 84/2009/NĐ-CP chưa quy định chế độ công khai, minh bạch thông tin về giá cơ sở, sử dụng Quỹ Bình ổn giá, báo cáo tài chính của doanh nghiệp… dẫn đến việc người dân khó nắm bắt được thông tin về điều hành giá, người dân ít đồng thuận với việc điều hành giá.
Để khắc phục tình trạng này, Nghị định 83 quy định riêng một Điều 39 về công khai, minh bạch trong điều hành giá và kinh doanh xăng dầu. Trong đó, quy định Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính điều hành giá công khai, minh bạch, đúng quy định tại Nghị định 83; Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố thông tin về giá thế giới, giá cơ sở, giá bán lẻ xăng dầu hiện hành, số trích lập, sử dụng và số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo hàng quý, v.v… Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát việc điều hành giá xăng dầu, giám sát mức trích lập, mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá của doanh nghiệp đầu mối. Doanh nghiệp đầu mối chịu trách nhiệm công bố thông tin về giá bán lẻ hiện hành, số trích lập, sử dụng, số dư Quỹ Bình ổn giá của doanh nghiệp, công bố báo cáo tài chính trong năm tài chính của doanh nghiệp khi đã được kiểm toán.
Về Thông tư quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Ngày 24/10/2014, Bộ Công Thương đã chính thức ban hành Thông tư số 38/2014/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/11/2014.