Nguồn cung xăng dầu… chờ ngoại tệ ngân hàng
Nhiều cửa hàng ngừng bán với lý do hết xăng (ảnh Dân Trí) |
19/02/2011 11:03:00 (GMT+7)
Theo Tổ giám sát giá xăng dầu Liên bộ Tài chính- Công Thương, do giá xăng dầu thế giới tăng cao, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang chịu lỗ 2.800- 2.900 đồng/lít đối với mặt hàng xăng, trên 3.600 đồng với dầu hỏa, và dầu diezel lỗ khoảng 3.700 đồng. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất để không “đứt” nguồn cung là ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu đang rất khó khăn.
CôngThương - Để giữ không tăng giá xăng dầu, trong nửa năm qua Bộ Tài chính đã sử dụng nhiều biện pháp như giảm thuế, trích quỹ bình ổn bù lỗ cho doanh nghiệp (DN). Hơn 11.000 tỷ đồng huy động từ quỹ và thuế đã được đưa ra sử dụng hết cho việc bù giá. Tuy nhiên, do giá xăng dầu thế giới tăng cao và vẫn hiện nay vẫn có xu hướng tăng tiếp, hơn nữa vừa qua việc điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND cũng gây thêm áp lực lỗ kinh doanh xăng dầu (vì tiền trả lãi vay ngoại tệ tăng lên) nên DN kinh doanh xăng dầu rơi vào tình trạng lỗ nặng.
Trong khi đó Liên Bộ cho biết, thuế không thể giảm tiếp (thuế nhập khẩu xăng và dầu diezen chỉ còn 0%), quỹ bình ổn giá cũng đã cạn, ngân sách nhà nước không thể tiếp tục trích ra bù lỗ cho DN. Vì thế, biện pháp hữu hiệu trong lúc này là sớm điều chỉnh giá bán để giảm áp lực kinh doanh xăng dầu.
Ông Nguyễn Lộc An- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, tổ phó Tổ giám sát giá xăng dầu Liên Bộ- cho rằng: DN rơi vào tình trạng lỗ nặng như hiện nay vì giá xăng dầu cũng như giá điện bị “dồn nén” quá lâu, do Nhà nước còn bao cấp qua bù giá những mặt hàng này khá lớn để khống chế lạm phát, đảm bảo an sinh, xã hội. Nhưng Nhà nước cũng không thể duy trì sự mãi bao cấp, điều đó là không thể và sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều mục tiêu phát triển kinh tế, làm giảm năng lực của các DN. Mà Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ chuyển kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường ban hành từ ngày 15/10/2009, có hiệu lực hơn 1 năm nay. Vì thế, hướng tới đây là Nhà nước sẽ kiên quyết thực hiện Nghị định 84 đối với kinh doanh xăng dầu và Nghị định 21 đối với điện, xóa bao cấp xăng dầu cũng như điện, thực hiện giá các mặt hàng này theo cơ chế thị trường. Nhưng để tránh việc tăng giá điện, giá xăng dầu gây “sốc” thị trường, ảnh hưởng đến đời sống người nghèo và cận nghèo, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Theo Liên Bộ Tài chính- Công Thương, phương án điều chỉnh giá xăng dầu sẽ thực hiện sớm và không để DN bị lỗ. Hai Bộ cũng sẽ trình Chính phủ xem xét việc do điều chỉnh tỷ giá mà DN bị tăng nợ trả lãi vay ngân hàng.
Nhưng điều quan trọng nhất hiện nay theo Liên Bộ không phải là giá, mà chính là nguồn ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu. Nếu không đảm bảo bán đủ ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu thì có khả năng sẽ xảy ra tình trạng “đứt” nguồn.
Để giải quyết nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu xăng dầu, Liên Bộ Tài chính- Công Thương đã nhiều lần báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về việc ngân hàng không bảo đảm bán ngoại tệ cho DN nhập khẩu xăng dầu. Thủ tướng đã có chỉ đạo tới Ngân hàng Nhà nước và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cam kết quan tâm, bảo đảm ngoại tệ nhập khẩu đủ hạn mức tối thiểu xăng dầu. Nhưng tới nay sau 2 tháng Thống đốc cam kết, lượng ngoại tệ của các ngân hàng thương mại bán cho DN nhập khẩu xăng dầu, nhất là Petrolimex (đơn vị nhập khẩu xăng dầu lớn nhất) vẫn nhỏ giọt, không đáp ứng được yêu cầu.
Liên Bộ Tài chính- Công Thương khẳng định, việc đảm bảo nguồn xăng dầu hay không, hiện nay đang chờ câu trả lời từ phía Ngân hàng Nhà nước.
Thanh Hương