Một số nhân tố làm giá dầu tăng trong tương lai

Nguyễn Hữu Trung

10:48 SA @ Thứ Ba - 17 Tháng Năm, 2011

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

16/05/2011 | 15:39:00

Kết quả của cuộc khảo sát năng lượng thường niên lần thứ chín, do Viện Năng lượng Toàn cầu KPMG (Mỹ) thực hiện mới đây, cho thấy hầu hết nhà lãnh đạo các công ty năng lượng trên thế giới đều dự báo giá dầu thô toàn cầu sẽ tăng trên 121 USD/thùng trong thời gian còn lại của năm 2011.

Các nhà khảo sát trên đã phỏng vấn 550 giám đốc tài chính trực thuộc các công ty năng lượng trên thế giới, và kết quả cho thấy 32% giám đốc dự kiến giá dầu thô năm 2011 sẽ tăng lên 121-130 USD/thùng; 1/3 giám đốc dự đoán giá dầu sẽ cao hơn, trong đó 17% dự đoán giá dầu đạt khoảng 131-140 USD/thùng; 9% dự đoán từ 141-150 USD/thùng và 6% dự đoán giá dầu thô có thể tới 151 USD/thùng vào cuối năm 2011.

Để lý giải tại sao giá dầu thô toàn cầu tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm 2011, bên cạnh những nguyên nhân đáng chú ý gần đây như tình hình rối loạn chính trị đang lan tràn khắp khu vực Trung Đông và Bắc Phi; động đất và sóng thần tại Nhật Bản; động đất ở New Zealand; lũ lụt ở bang Queensland của Australia... còn do một số nguyên nhân trực tiếp khác.

Chính quyền Iraq sẽ cắt giảm một nửa mục tiêu sản xuất dầu mỏ: Gần đây Chính phủ Iraq loan báo, từ năm 2017 mỗi ngày Iraq chỉ khai thác 6,5-7 triệu thùng dầu, thấp hơn so kế hoạch khai thác ban đầu là 12 triệu thùng dầu/ngày.

Không phải giá dầu thấp khiến Chính phủ Iraq cắt giảm sản lượng, ngược lại giá dầu đã tăng gấp đôi kể từ khi Baghdad đề ra mục tiêu sản xuất 12 triệu thùng dầu/ngày cách đây hai năm. Hiện Iraq sản xuất khoảng 2,68 triệu thùng dầu/ngày, cao hơn mức tương ứng được khai thác dưới thời cựu Tổng thống Saddam Hussein.

Iraq là nguồn cung dầu mỏ hàng đầu cho thị trường thế giới và trong những năm gần đây, nhiều nước, trong đó có Mỹ và phương Tây, luôn tìm cách ký các hợp đồng khai thác dầu với Iraq.

Với quyết định trên, rõ ràng là sắp tới các nước sẽ bị hạn chế trong việc tìm kiếm các hợp đồng khai thác và nhập khẩu dầu từ Iraq. Do đó, ngay từ bây giờ họ phải tìm kiếm các nguồn cung thay thế, đồng thời với việc tăng cường mua dầu để dự trữ chiến lược. Vì thế, giá dầu không thể ngừng tăng trong năm 2011 và những năm tiếp theo.

Sản xuất dầu mỏ của Arập Xêút không thể bù đắp lượng dầu mỏ thiếu hụt của Libya để cung cấp cho thị trường quốc tế: Libya là nước sản xuất dầu lửa lớn thứ 17 trên thế giới, đứng thứ ba ở châu Phi và có lượng dầu lửa dự trữ lớn nhất lục địa "Đen." Nhưng từ khi rơi vào cuộc nội chiến tháng 2/2011, Libya nhanh chóng cắt giảm một nửa lượng dầu sản xuất mỗi ngày, trước đó ở mức 1,6 triệu thùng.

Trong bối cảnh này, Chính phủ Arập Xêút tuyên bố sẽ tăng sản lượng dầu khai thác để bù vào khoản dầu thiếu hụt của Libya từ tháng 2/2011. Tuy nhiên, mới đây Bộ trưởng Dầu lửa Arập Xêút cho biết sản xuất dầu thô của Arập Xêút trong tháng 3/2011 đã giảm khoảng 833.000 thùng/ngày so với tháng 2/2011.

Arập Xêút cho rằng nhu cầu của các nước đối với loại dầu thô kém chất lượng của nước này giảm. Trước khi xảy ra khủng hoảng ở Libya, Arập Xêút còn tuyên bố có thể cung cấp 4,2 triệu thùng dầu/ngày ở bất cứ thời điểm nào.

Trong thời gian khủng hoảng tại Libya, Arập Xêút lại giảm khả năng sản xuất dầu lửa xuống 2,5-3,5 triệu thùng/ngày. Một số nhà phân tích cho rằng Arập Xêút chỉ có khả năng sản xuất 1 triệu thùng dầu/ngày. Đó là chưa kể nếu tình hình Arập Xêút cũng diễn ra các cuộc nổi dậy.

Nền kinh tế toàn cầu đang hồi phục và tiếp tục dựa vào dầu mỏ để phát triển: Một báo cáo gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2011 đạt 4,4%. Tốc độ tăng trưởng này sẽ gây căng thẳng nhiều hơn cho nguồn cung dầu mỏ, sau khi tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu đã tăng 2,6% trong quý I/2011.

Quý II/2011, nhu cầu dầu thô sẽ tiếp tục tăng do nhiều nhà máy lọc dầu ngừng hoạt động để bảo trì và nguồn cung xăng dầu hạn chế sẽ đẩy giá dầu mỏ lên cao hơn.

Nhu cầu dầu mỏ của châu Á tăng mạnh. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự kiến tăng trưởng kinh tế của khu vực đạt khoảng 7,8% năm 2011 và 7,7% năm 2012. Tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy sẽ làm tăng giá dầu.

Tháng 2/2011, trong khi nhu cầu dầu thô của châu Âu không thay đổi, nhu cầu dầu thô của Mỹ có thể tăng 2,9%, nhưng nhu cầu dầu thô của châu Á nói chung tăng 5,9%, đặc biệt nhu cầu dầu thô của Trung Quốc tăng 9,6%.

Trên đây là một số vấn đề lý giải tại sao giá dầu mỏ toàn cầu sẽ tiếp tục cao trong thời gian tới. Nhưng liệu giá dầu trên thế giới có thể giảm? Có thể, nhưng chắc chắn đó là điều không ai mong muốn. Bởi vì, một trong những cách mà chúng ta có thể chứng kiến giá dầu thô giảm là thế giới lại rơi vào một cuộc suy thoái toàn cầu khác.

Cuộc suy thoái đó sẽ nhanh chóng tàn phá các nền kinh tế đang tăng trưởng và đưa giá dầu trở lại mức thấp hơn. Nhưng giá dầu thấp hơn không thể kéo dài vì các nước đang khai thác dầu mỏ tối đa, khiến nguồn năng lượng hóa thạch này cạn kiệt trung bình 5,1% mỗi năm.

Bên cạnh đó, dự kiến các khoản chi cho các dự án khai thác dầu mỏ mới sẽ làm giá dầu tăng từ 79-92 USD/thùng. Vì vậy giá dầu thô chắc chắn sẽ cao ở bất cứ thời điểm nào trong tương lai./.

Nguyễn Hữu Trung (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục

Bàn giao 100 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tại huyện Khánh Vĩnh

Petrolimex trên báo chí |  27/09/2024

Petrolimex khẩn trương khắc phục thiệt hại, bảo đảm phục vụ người dân sau bão Yagi

Petrolimex trên báo chí |  09/09/2024

Khen thưởng đột xuất 4 nhân viên kịp thời chữa cháy

Petrolimex trên báo chí |  02/08/2024

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Báo Tuyên Quang viếng các Anh hùng liệt sỹ Mặt trận Vị Xuyên

Petrolimex trên báo chí |  23/07/2024

Thành lập Công ty Xăng dầu Bình Thuận

Petrolimex trên báo chí |  16/07/2024

6 tháng đầu năm 2024, Công ty TNHH MTV Xăng dầu An Giang nộp ngân sách trên 109 tỷ đồng

Petrolimex trên báo chí |  10/07/2024

Petrolimex: Nửa thế kỷ phát triển và hội nhập

Petrolimex trên báo chí |  12/01/2006

Thị trường phía Nam: Vi phạm kinh doanh xăng dầu gia tăng

Petrolimex trên báo chí |  13/05/2011

Giá dầu mỏ tại châu Á phục hồi sau phiên lao dốc

Petrolimex trên báo chí |  13/05/2011

Giá dầu ngược chiều đi xuống ở thị trường châu Á

Petrolimex trên báo chí |  11/05/2011

Thủ tướng Chính phủ gửi thư chúc mừng cán bộ, công nhân viên chức, người lao động Ngành Công Thương

Petrolimex trên báo chí |  09/05/2011

Thư chúc mừng của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Ngành Công Thương Việt Nam

Petrolimex trên báo chí |  09/05/2011

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội