Giá dầu tại thị trường châu Á lại đảo chiều đi lên

Minh Trang

05:32 CH @ Thứ Tư - 05 Tháng Mười, 2011

05/10/2011 | 16:30:00

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Trong phiên giao dịch ngày 5/10 tại thị trường châu Á, giá dầu đảo chiều đi lên, nhờ hoạt động săn lùng hàng hóa giá hời diễn ra sôi nổi, sau khi chứng kiến phiên giảm điểm mạnh mẽ vào hôm trước đó, giữa lúc xuất hiện những đồn đoán cho rằng dự trữ dầu của Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, đang có xu hướng giảm.

Kết thúc phiên này tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ hay còn gọi là dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giao tháng 11/2011 tăng 1,91 USD, lên mức 77,58 USD/thùng. Trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng 1,67 USD, lên 101,46 USD/thùng, sau khi để tuột dưới ngưỡng 100 USD/thùng vào phiên giao dịch trước đó.

Chuyên gia về hàng hóa thuộc Công ty Phillip Futures, Ker Chung Yang nhận định rằng xu hướng săn lùng hàng hóa giá rẻ sẽ mang lại sự hỗ trợ cần thiết cho các thị trường hàng hoá toàn cầu, trong bối cảnh Viện Dầu khí quốc gia Mỹ vừa dự báo rằng lượng dự trữ dầu của nước này sẽ giảm khoảng 3,1 triệu thùng, cho thấy nhu cầu năng lượng thế giới đang ngày càng gia tăng và là nhân tố kéo giá “vàng đen” đi lên.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch đêm hôm trước (4/10) tại Mỹ, giá dầu tiếp tục giảm sâu, trong bối cảnh triển vọng về tăng trưởng kinh tế Mỹ ngày càng trở nên “u ám” và những lo ngại gia tăng về nguy cơ sụp đổ nền tài chính toàn cầu, tác động tiêu cực tới tâm lý của giới đầu tư.

Chốt phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 11/2011 giảm 1,94 USD, xuống 75,67 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 24/12/2010. Trong khi tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng giảm 1,92 USD, xuống 99,79 USD/thùng, đánh dấu lần đầu tiên mức giá này giảm dưới ngưỡng 100 USD/thùng kể từ đầu tháng 2/2011.

Chuyên gia phân tích Phil Flynn, từ PFG Best Research, cho biết sự bế tắc dai dẳng trong việc tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp, thị trường cổ phiếu lao dốc, cũng như thông tin về cuộc bạo loạn của dân Hồi giáo dòng Shiite ở tỉnh phía Đông Arập Xêút, nơi tập trung hầu hết các mỏ dầu của nước này, đã ảnh hưởng đến trên thị trường “vàng đen” và kéo giá của loại nhiên liệu này đi xuống.

Ngoài ra, thị trường dầu còn chịu tác động tiêu cực bởi nhận xét thiếu lạc quan mới đây của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ben Bernanke về tình hình kinh tế Mỹ, khi ông này cho rằng có thể Chính phủ sẽ phải cắt giảm ngân sách, nhân tố đe dọa sự phục hồi đang trên đà suy yếu của nền kinh tế số một thế giới này./.

Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội