Bộ trưởng Tài chính: Luôn kiểm soát chặt chẽ giá cả
10:46 AM, 10/06/2010
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trả lời chất vấn tại Quốc hội - Ảnh Chinhphu.vn |
(Chinhphu.vn) – Tiền lương lãnh đạo SCIC, việc điều hành giá cả là những vấn đề đầu tiên được đặt ra đối với Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 10/6.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh là người đăng đàn đầu tiên. Tại kỳ họp này, Bộ trưởng nhận được 15 câu hỏi, trong đó có 2 câu Thủ tướng ủy quyền trả lời, 1 câu không thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính nên Bộ đã chuyển cho cơ quan liên quan.
Mô hình SCIC chưa hoàn chỉnh
Câu chất vấn đầu tiên được đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đưa ra là về vấn đề lương tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nêu lên vấn đề Bộ trưởng Tài chính kiêm nhiệm cả vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị SCIC. “Có Bộ trưởng nào trên thế giới kiêm nhiệm cả chức danh này không?”, đại biểu Thuyết chất vấn.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định, SCIC là mô hình đặc thù, mới được thành lập năm 2005, theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, để đại diện cho chủ sở hữu vốn nhà nước. Hiện nay, SCIC mới chỉ tiếp nhận 911 doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp 1 thành viên độc lập), chiếm 1,8% (7.000 tỷ đồng) tổng số vốn nhà nước tại tất cả các doanh nghiệp.
"SCIC cần có sự điều hành chính sách, quản lý phù hợp. Do đó, thời gian đầu, tôi được giao đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị SCIC”, Bộ trưởng cho biết. Theo Bộ trưởng, trên thế giới, có mô hình Temasek của Singapore giống như SCIC. Tại mô hình đó, Thủ tướng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Thành viên Hội đồng có Bộ trưởng Tài chính.
Về vấn đề lương của lãnh đạo SCIC, Bộ trưởng cho biết, có một số điểm dư luận chưa rõ, như nhiều khoản tiền khác không thuộc đơn giá tiền lương nhưng lại gộp vào tiền lương, chẳng hạn như khoản tiền làm thêm giờ (4,7 triệu đồng), tiền khoán sử dụng điện thoại (1,3 triệu), tiền ăn trưa 450.000 đồng/tháng, tiền thưởng (bình quân khoảng 1 triệu đồng/người), các khoản truy lĩnh từ các năm trước…
Bộ trưởng cho biết, đây là mô hình đặc thù, vừa là tổ chức tín dụng, vừa là doanh nghiệp nhà nước, vừa là quỹ đầu tư, nên trong thực tiễn, gặp một số vướng mắc, hạn chế. “Sau 3 năm triển khai, SCIC cần phải có một mô hình hoàn chỉnh và phù hợp”, Bộ trưởng nói.
Không có chuyện bao che doanh nghiệp
Đại biểu Danh Út chất vấn Bộ trưởng Vũ Văn Ninh - Ảnh Chinhphu.vn |
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, có trường hợp người tiêu dùng bị “làm giá”. “Các doanh nghiệp kinh doanh 14 mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá có thực hiện đầy đủ việc đăng ký giá, niêm yết giá hay không?”, đại biểu này chất vấn. Đồng thời, đại biểu cũng nêu lên vấn đề giá xăng dầu, khi giá thế giới giảm nhưng giá trong nước giảm chậm, khi giá thế giới tăng thì giá trong nước lại tăng cao. Về giá thuốc chữa bệnh, không thuộc mặt hàng thiết yếu phải bình ổn giá thì Bộ Tài chính có kiểm soát hay không?
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trả lời, theo Pháp lệnh về giá, doanh nghiệp nằm trên địa bàn nào thì cơ quan chức năng địa phương đó kiểm tra, kiểm soát về đăng ký giá và báo cáo với Bộ Tài chính. Các doanh nghiệp vi phạm quy định về đăng ký hay niêm yết giá sẽ công bố công khai trên báo chí, trên trang web của Bộ để toàn dân giám sát.
Bộ trưởng cũng nêu vấn đề, mức phạt đối với doanh nghiệp vi phạm còn thấp, chưa đủ sức răn đe và đã đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn.
Về giá xăng dầu, Bộ trưởng giải thích, tính đến tháng 5/2010, giá xăng dầu thế giới liên tục tăng, tuy nhiên, nhưng để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao trở lại (trong bối cảnh CPI tháng 3 hơi cao), Bộ Tài chính đã giữ ổn định giá xăng dầu từ tháng 3-5.
Để thực hiện việc này, phải giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, trích quỹ bình ổn giá. Sau đó, khi giá dầu thế giới giảm nhẹ, vẫn giữ giá vì trước hết, phải dừng trích quỹ bình ổn, tính thuế nhập khẩu để bù đắp cho ngân sách. Sau đó, khi giá dầu thế giới giảm tiếp, Bộ đã yêu cầu giảm giá (với 2 đợt giảm trong thời gian gần đây).
“Chúng tôi luôn kiểm soát chặt chẽ giá cả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý hài hòa với lợi ích nhà nước và doanh nghiệp, chứ không phải bao che cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói.
Về giá thuốc chữa bệnh, theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, thuộc phạm vi quản lý của nhiều bộ liên quan, đặc biệt là Bộ Y tế. “Chúng tôi cũng có kiểm tra, kiểm soát việc hình thành giá từ sản xuất trong nước và nhập khẩu và thấy rằng, có tình trạng gian lận giá thuốc ở khâu nhập khẩu, từ phía đối tác ngoài nước đã có sự làm giá với nhau”, Bộ trưởng cho biết đang đưa ra các giải pháp kiểm tra giá thuốc từ khâu nhập khẩu, cụ thể là khai báo giá CIF.
Được mời đăng đàn trả lời bổ sung về giá thuốc, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu nêu rõ, nhiều tháng nay, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này.
Theo Bộ trưởng, tổng số thuốc lưu hành trên thị trường là 22.000 mặt hàng thuốc, trong đó, có loại thuốc tăng dữ dội, có loại tăng ít, có loại không tăng, có loại giảm. Do đó, trong 5 tháng đầu năm, giá thuốc chỉ tăng trung bình 3,1% trong khi, các mặt hàng thiết yếu khác tăng bình quân 8,6%.
Hồng Phong