Ai xử đại lý găm xăng dầu?
11:41 | 07/05/2011
TP - Cơ quan chức năng khẳng định không điều chỉnh giá xăng dầu trong thời gian tới, các doanh nghiệp đầu mối tuyên bố đảm bảo cung cấp đủ hàng cho thị trường, nhưng tình trạng bán xăng dầu nhỏ giọt vẫn diễn ra ở nhiều địa phương.
Cây xăng này (Khoái Châu, Hưng Yên) viện cớ bận, hết hàng |
Doanh nghiệp, đại lý cùng lỗ
Ông Bùi Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Petrolimex (DN chiếm 60% thị phần xăng dầu), cho biết đã ký hợp đồng nhập khẩu 5,5 triệu tấn, đảm bảo cấp đủ xăng dầu cho thị trường hết quý 2-2011 và các quý tiếp theo với mức tăng trưởng khoảng 17%. “Do giá dầu lên cao nên một số địa phương có tình trạng găm hàng và không bán. Dù vậy Tổng Công ty luôn đảm bảo nguồn hàng giao theo đúng tiến độ cho các đại lý đến hết quý II”- Ông Bảo nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Vinh Sang, Tổng Giám đốc Saigon Petro, cho biết chỉ trong mấy ngày đầu tháng 5, doanh nghiệp này lỗ tới hơn 10 tỷ đồng do mỗi lít xăng bán ra bị lỗ hơn 1.000 đồng. Còn các đại lý bị lỗ trung bình 100 - 150 đồng do mức chiết khấu giảm từ 200 đồng xuống còn 150 đồng/lít. Dù lỗ nhưng việc cung cấp hàng cho các tổng đại lý vẫn được đảm bảo do hợp đồng đã được ký trước đó.
Theo ông Sang, do các đại lý gặp khó khăn, thù lao thấp, bị lỗ nên có tình trạng xăng dầu bán nhỏ giọt là điều dễ hiểu.
“Trong Luật Doanh nghiệp và các văn bản hiện nay không có quy định nào buộc doanh nghiệp, các đại lý bị lỗ vẫn phải kinh doanh cả. Tuy nhiên, kinh doanh có lúc lãi lúc lỗ vì có những lúc đại lý được chiết khấu 600 - 700 đồng/lít. Hiện mức lỗ của các đại lý là rất ít nếu so với doanh nghiệp đầu mối, mà đầu mối vẫn kinh doanh được thì đại lý cũng phải chấp nhận và nên cùng chia sẻ” - Ông Sang nói.
Lãnh đạo một doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, cho rằng để xóa bỏ tình trạng găm hàng, bán nhỏ giọt, phải điều chỉnh giá xăng dầu theo đúng tinh thần của Nghị định 84 (được điều chỉnh giá theo chu kỳ 30 ngày, nếu xăng dầu thế giới có biến động), không để ghìm giá như hiện nay.
Ai xử lý?
Ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, việc kiểm tra các đại lý, cây xăng găm hàng, bán hàng nhỏ giọt được giao cho các Sở Công Thương và Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố.
Còn Bộ Công Thương chịu trách nhiệm giám sát lượng xăng dầu các doanh nghiệp đầu mối nhập về theo hạn ngạch được giao. Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên các đại lý vẫn phải tuân thủ việc bán hàng, đáp ứng cho thị trường.
Trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên Tiền Phong xung quanh việc xử lý các cây xăng đầu cơ, găm hàng trục lợi, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú thừa nhận vừa qua cơ quan quản lý xử lý thận trọng. Chúng ta cũng phải nghĩ đến các khó khăn của đại lý chứ không phải cứ nhắm mắt xử lý ngay.
Đại diện Bộ Công Thương cũng nhận định, tình trạng bán xăng dầu nhỏ giọt có thể xuất phát từ các cây xăng, đại lý bán lẻ cho rằng giá xăng dầu sẽ tăng trong thời gian tới. Các tin đồn tăng giá xăng gây ảnh hưởng tâm lý và đời sống nhân dân, khiến nhiều người có xu hướng mua để tích trữ, khiến nguồn cầu tăng đột biến.
Theo vị cán bộ trên, hầu hết các đại lý bán lẻ đều có xe chở và lấy hàng trực tiếp từ tổng đại lý của các doanh nghiệp đầu mối. Các xe này sau đó được giấu ở đâu đó. Trong trường hợp này phải kiểm tra hợp đồng của các đại lý bán lẻ và tổng đại lý xem hàng được xuất từ bao giờ.
“Nếu do tổng đại lý không bán hàng thì Sở Công Thương địa phương có quyền rút giấy phép. Tôi cho rằng các tổng đại lý không dám làm việc này mà do các đại lý bán lẻ cố tình kìm hãm bán ra vì cho rằng ngày một ngày hai giá xăng dầu sẽ tăng. Từ đầu năm đến nay cơ quan chức năng đã rút giấy phép 2 đại lý và phạt hàng chục trường hợp khác có biểu hiện đầu cơ, găm hàng”- ông này cho biết.
Phạm Tuyên