Thị trường dầu mỏ đang bị nhiều nhân tố chi phối

Phương Thảo

10:36 SA @ Thứ Năm - 21 Tháng Tư, 2011

20/04/2011

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Trên thị trường New York và London phiên 19/4 và thị trường châu Á phiên 20/4, giá dầu tăng giảm bất nhất do sự giằng co của một loạt nhân tố, như đồng USD suy yếu, những lo ngại về triển vọng nhu cầu và tình trạng bất ổn tại thế giới Arập.

Tại New York, đóng cửa phiên 19/4, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 5/2011 đã phục hồi sau phiên giảm mạnh ngày hôm trước, khi tăng 1,03 USD lên 108,15 USD/thùng, do USD suy yếu thúc đẩy nhu cầu mua vào các loại hàng hóa tính bằng đồng tiền này. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 6/2011 tiếp tục giảm 28 xu xuống 121,33 USD/thùng.

Còn tại châu Á, phiên giao dịch ngày 20/4, giá dầu lại tăng trong bối cảnh các nhà giao dịch vẫn đang theo sát những diễn biến tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, nơi mà tình trạng bất ổn chính trị đã khiến chính phủ nhiều nước bị lật đổ trong vài tháng qua. Tại Sàn giao dịch điện tử Singapore chiều 20/4, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 6/2011 tăng 83 xu lên 109,11 USD/thùng; còn giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ tăng 60 xu lên 121,93 USD/thùng.

Hiện nay, các thị trường dầu mỏ thế giới đang chịu sự tác động của một loạt nhân tố. Theo Barclays Capital, trong dài hạn những tác động của việc giá dầu tăng cao đối với triển vọng nhu cầu cũng như đâu sẽ là động lực chính của thị trường vẫn là một mối lo ngại lớn.

Ngày 18/4, giá dầu ngọt nhẹ tại New York đã giảm hơn 2,50 USD sau khi tổ chức Standard & Poor's hạ mức đánh giá triển vọng trái phiếu của Mỹ từ ổn định xuống xấu, đồng thời cảnh báo nước tiêu thụ nhiên liệu nhiều nhất thế giới này có thể sẽ không còn giữ được mức xếp hạng AAA hiện nay.

Tuy nhiên, theo ông Matt Smith thuộc công ty Summit Energy, tâm lý thị trường sau đó đã phục hồi trở lại theo sau đà tăng điểm trên thị trường chứng khoán và sự suy yếu của đồng USD.

Bên cạnh đó, những lo ngại về nguồn cung trên thị trường cũng tăng theo tình trạng bất ổn tại thế giới A rập, khi đất nước Nigeria nổ ra các cuộc bạo động đẫm máu, sau khi ông Goodluck Jonathan, người đang giữ chức quyền Tổng thống, được chính thức bầu làm người đứng đầu nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất ở châu Phi.

Các nhà phân tích của ngân hàng Commerzbank cho biết dầu mỏ của Nigiêria là nguồn bổ sung thích hợp cho nguồn cung từ Libya, cho nên nếu sản lượng tại Nigeria cũng giảm sút, thị trường sẽ thiếu đi nguồn dầu chất lượng cao, điều đặc biệt có lợi cho giá dầu Brent./.

Phương Thảo (TTXVN/Vietnam+)

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội