Bình ổn giá: Những câu hỏi chưa có lời giải - Người đáng hưởng, không được hưởng (phần 2)

Xuân Phú- Thanh Hương

10:09 SA @ Thứ Tư - 29 Tháng Mười Hai, 2010

Cập nhật: 10:00:00 28/12/2010

Nhu cầu tiêu dùng xăng dầu ở thành phố nhiều hơn ở nông thôn lại được bù giá nhiều hơn

Có công bằng hay không, trong lúc nhiều người nông dân chỉ dám thắp 1 cái bóng đèn sáng, nhưng nhiều nhà ở thành phố dùng từ 2 máy điều hòa trở lên, có hộ tới 3-4 triệu đồng tiền điện/tháng vẫn được hưởng bù giá.

CôngThương - Trả lời về nhiệm vụ bình ổn giá, ông Vương Thái Dũng- Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam- cho rằng: Hiện nay chúng ta đang lẫn lộn giữa khái niệm giữa bình ổn giá và giữ giá. Tất nhiên, các “ông lớn” của DNNN luôn phải có trách nhiệm với thị trường, giá cả tăng đột biến, thị trường lên “cơn sốt, phải đảm bảo nguồn hàng, giá cả hợp lý. Ví dụ giá thành một kilogam gạo là 10.000 đồng, DN không thể lợi dụng khi khó khăn nâng lên thành 12.000- 13.000 đồng/kg. Bình ổn giá không thể là giá thành là 10.000 đồng nhưng bắt DN chỉ bán 8.000 đồng, làm DN mất vốn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhưng thực tế hiện nay, gánh nặng giữ giá đang là nỗi ám ảnh của các DN lớn. Như giá thành điện khoảng 1.000 đồng/kw nhưng giá bán khởi điểm chỉ 550 đồng/kw, hay giá xăng khoảng 20.000 đồng/lít, nhưng chỉ bán 16.400 đồng/lít để giữ vai trò bình ổn, làm DN bị lỗ, mất vốn không có vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.

Từ góc độ của các DN nhà nước (DNNN), tiến sĩ Nguyễn Đình Cung- Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương- phân tích: Nhiệm vụ số một của các DNNN chỉ nên là tập trung sản xuất, kinh doanh đảm bảo hiệu quả, có lợi nhuận, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo công ăn việc làm. Đó cũng là nhiệm vụ chính trị duy nhất mà các tập đoàn, tổng công ty nên gánh. Còn những khuyết tật của thị trường như giá cả, lạm phát thì cần phải xử lý bằng những chính sách khác của Nhà nước, do các cơ quan Chính phủ như Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) thực hiện. Càng khoác cho các DNNN nhiều vai trò thì chính các DN đó lại có cơ sở để nói rằng: vì tôi phải tập trung làm việc bình ổn giá nên không thể làm được nhiệm vụ đảm bảo kinh doanh có lãi… Còn nếu trong những trường hợp đặc biệt, phải giữ giá để kìm chế lạm phát thì cũng nên thực hiện trong một giai đoạn ngắn, chứ không phải hàng nửa năm, cả năm như hiện nay. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động, làm giảm năng lực cạnh tranh của DN, thậm chí dẫn DN đến bờ vực phá sản.

Mặc dù vừa qua, Chính phủ và nhiều bộ, ngành đánh giá cao chương trình bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Địa phương đã thu xếp vốn nhàn rỗi cho DN vay với lãi suất ưu đãi 0% để trữ hàng, bình ổn giá những thời điểm căng thẳng. Thực tế, nhờ những chương trình này, CPI của thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các thành phố lớn đã được kiềm chế đáng kể.

Tuy nhiên, các giải pháp bình ổn giá chỉ tập trung ở khu vực đô thị, ở các siêu thị dành cho những người thu nhập trên trung bình, còn người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vẫn phải mua sắm qua các kênh phân phối của tư nhân với giá cao vì phải gánh chịu thêm chi phí vận chuyển, hàng hóa phải qua nhiều đầu mối bán hàng. Cán bộ ngành công thương nhiều tỉnh thừa nhận, việc thực hiện bình ổn giá ở thị trường nông thôn rất khó, vì không có lực lượng, chi phí vận chuyển hàng hóa cao. Vì thế có chuyện, trước đây CPI cả nước thường ở mức trung bình giữa CPI của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, vì đây là 2 thành phố giá cả tiêu dùng thường tăng mạnh nhất; nhưng 1-2 năm trở lại đây, CPI của các địa phương, đặc biệt là các vùng núi, vùng sâu, vùng xa lại có xu hướng tăng cao hơn các thành phố lớn?

Nhiều ý kiến đặt ra rằng, chúng ta đang thực hiện cào bằng việc hỗ trợ cho mọi đối tượng, từ giàu đến nghèo, từ thành thị đến nông thôn, như đối với việc bù giá điện, xăng dầu, than... điều đó có công bằng hay không? Trong khi thực tế ở Việt Nam, người dân nông thôn chiếm phần lớn nhưng nhu cầu sử dụng điện, xăng dầu không lớn. Việc thực hiện bình ổn giá (mà thực chất là bù giá) điện, xăng dầu toàn tập trung vào những người có “điều kiện” được hưởng. Bởi vì, người thành phố sử dụng nhiều xe máy, ô tô, thậm chí chúng ta đang bù giá cho cả những người đi ô tô hạng sang. Như vậy, người đáng được bù giá thì lại không được hưởng, chính sách công bằng xã hội không thực hiện được.

Hay trong lúc nhiều người nông dân chỉ dám thắp 1 cái bóng đèn sáng, nhưng nhiều nhà ở thành phố dùng từ 2 máy điều hòa trở lên, có hộ tới 3-4 triệu đồng tiền điện/tháng vẫn được hưởng bù giá.

Phần III- Giá thị trường: Lợi nhiều hơn mất
Xuân Phú- Thanh Hương

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội