Thường trực Chính phủ trao đổi với các chuyên gia về giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô

Nguyễn Hoàng – Nhật Bắc

11:20 SA @ Thứ Năm - 24 Tháng Hai, 2011

6:08 PM, 22/02/2011

(Chinhphu.vn) – Chiều 22/2, tại Trụ sở Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Chính phủ đã làm việc với các nhà khoa học, các chuyên gia nhằm trao đổi, thảo luận về các giải pháp chủ yếu điều hành kinh tế vĩ mô.

Thường trực Chính phủ làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học - Ảnh Chinhphu.vn

Tham dự buổi làm việc có các Phó Thủ tướng: Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo một số Bộ, ngành chức năng.

Quyết liệt kiềm chế lạm phát

Ý kiến của các chuyên gia đều bày tỏ sự đồng tình đối với nội dung cũng như sự cần thiết ban hành thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2011.

Cũng có những ý kiến đóng góp trực tiếp vào các nội dung của dự thảo trong việc chỉ đạo thực hiện chính sách tiền tệ; công tác tăng cường quản lý đầu tư công; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm nặng lượng, thực hiện lộ trình điều hành giá bán xăng dầu, điện theo cơ chế thị trường; tăng cường đảm bảo an sính, phúc lợi xã hội…

Ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, giá nguyên nhiên liệu, lương thực, thực phẩm trên thị trường thế giới liên tục tăng cao, lạm phát trong khu vực cũng đang leo thang, còn ở trong nước thiên tai, thời tiết khắc nghiệt, nhất là đợt rét đậm gần đây đã và đang tác động bất lợi đến nền kinh tế.

Một số mặt hàng là đầu vào quan trọng của sản xuất và đời sống như điện, xăng dầu vẫn chưa thực hiện theo giá thị trường nên không chỉ phát sinh lỗ lớn, làm méo mó các quan hệ thị trường mà còn vượt khả năng của các giải pháp điều tiết trực tiếp… Đây là các yếu tố gây nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô, đòi hỏi Chính phủ tập trung quyết liệt vào kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và phấn đấu tăng trưởng ở mức cao nhất có thể…

Đồng tình với các nhóm giải pháp cấp bách mà Chính phủ đề ra, các chuyên gia kinh tế cũng đề xuất cụ thể thêm nhiều biện pháp liên quan đến đảm bảo cân bằng cán cân thanh toán tổng thể; giảm mặt bằng lãi suất một cách phù hợp; xóa bỏ đầu cơ và buôn lậu vàng; nâng cao hiệu quả phân cấp đầu tư; kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản và danh mục đầu tư của các tập đoàn…

Một số chuyên gia kinh tế đề xuất Chính phủ thể hiện rõ quyết tâm chống đầu cơ ngoại hối, vàng cũng như điều hành giá xăng, dầu, giá điện...theo cơ chế thị trường, v.v...

Ảnh Chinhphu.vn

Hạ tăng trưởng tín dụng dưới 20%, giảm 10% chi tiêu công

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia kinh tế để Chính phủ hoàn chỉnh Nghị quyết ứng phó với tình hình đang diễn biến phức tạp, đồng thời xây dựng một đề án tổng thể về vấn đề này trong Quý I/2011.

Thủ tướng nêu rõ tên Nghị quyết phải thể hiện rõ mục tiêu phấn đấu là thực hiện những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2011, trong đó mục tiêu yêu cầu chính là tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát.

Trước hết Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, điều hành lãi suất phù hợp để chống lạm phát, điều chỉnh tỷ giá phù hợp... Chính phủ sẽ huy động mọi nguồn lực đảm bảo ngoại tệ cho nhu cầu của nền kinh tế, tăng cường quản lý kinh doanh ngoại hối và vàng- Thủ tướng khẳng định.

Về thực hiện chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu thực hiện thắt chặt chính sách tài khóa, giảm 10% chi tiêu công, giảm bội chi dưới 5%, các bộ ngành phải rà soát cắt giảm dự án đầu tư công báo cáo Chính phủ ngay trong tháng 3. Tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh, trước hết là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và kiểm soát chặt chẽ nhập siêu...

Thủ tướng cũng chỉ đạo tiếp tục tập trung bảo đảm sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu và kiên quyết cắt giảm nhập siêu, thực hiện lộ trình điều chỉnh giá xăng dầu, giá điện theo thị trường, giảm bao cấp của nhà nước nhưng phải gắn với bảo đảm hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn.

Cùng với tập trung cao cho việc thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, nhất là các chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong xã hội. Trong quá trình triển khai Nghị quyết, các bộ, ngành và các địa phương thường xuyên giao ban để nắm chắc tình hình, đề xuất bổ sung giải pháp và phản ứng chính sách kịp thời.

Nguyễn Hoàng – Nhật Bắc

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội