Nguyên nhân dẫn đến CPI tháng 4 tăng khá cao

Văn Chính

08:09 SA @ Thứ Năm - 28 Tháng Tư, 2011

2:01 PM, 27/04/2011

(Chinhphu.vn) - Cục trưởng Cục Quản lý Giá Nguyễn Tiến Thỏa (Bộ Tài chính) đã có cuộc trao đổi với một số cơ quan thông tin đại chúng về những nguyên nhân chính dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng khá cao.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính - Ảnh: Chinhphu.vn

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 3,32% là không bất ngờ bởi các yếu tố như tác động thị trường thế giới, ảnh hưởng từ thời tiết, dịch bệnh, chu kỳ giáp hạt ở miền Bắc cùng việc tăng giá xăng dầu, giá điện... đều đã được phân tích, tính đến từ trước.

Ông cho biết, Tổ điều hành thị trường trong nước và cả bản thân ông đã đều cho rằng CPI tháng 4 ít nhất sẽ ở mức tương đương với tháng 3 (CPI tháng 3 ở mức 2,17%).

Còn bất thường bởi tháng 4 thường là tháng có mức tăng CPI rất thấp và có năm còn giảm. Mức tăng 3,32% là cao nhất của tháng 4 trong suốt 17 năm qua.

Nghị quyết 11 - liều thuốc đặc trị cần có thời gian

PV: Nghị quyết 11 đã được Chính phủ ban hành hơn 2 tháng nhưng dường như vẫn cần có thời gian để phát huy tác dụng?

Ông Nguyến Tiến Thỏa: Các tổ chức quốc tế đều cho rằng Nghị quyết 11 đã đưa ra những biện pháp đúng đắn, "đặc trị" vào gốc rễ của lạm phát cao. Ông Dominic Mellor - Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam nhấn mạnh ADB nhiệt liệt hoan nghênh Nghị quyết 11, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng có thể thực hiện thành công Nghị quyết này.

Tôi cũng đồng tình như vậy. Biện pháp quan trọng trong Nghị quyết 11 là chính sách giảm tổng cầu của nền kinh tế. Đây được coi liều thuốc “đặc trị” kiềm chế lạm phát hiện nay, nhưng nó có độ trễ nhất định. Không thể đòi hỏi biện pháp vừa áp dụng đã dập tắt ngay được lạm phát cao.

Vấn đề quan trọng nhất là tăng cường sự đồng lòng, đồng thuận của toàn hệ thống chính trị trong tình hình hiện nay để nhất quán, quyết liệt thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cao các biện pháp đã đề ra tại Nghị quyết 11.

Hơn nữa, phải nói rằng sau hai tháng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, tình hình đang có nhiều chuyển biến tích cực: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý I vẫn đạt khá, bội chi ngân sách ở mức 2,6%GDP (chỉ tiêu cả năm dưới 5% GDP); tăng trưởng tín dụng và tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán được kiềm chế, lãi suất tuy còn cao nhưng cơ bản đã ổn định; thị trường vàng, ngoại tệ đã có chiều hướng bình ổn hơn; kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2011 đạt 26,9 tỷ USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước, gấp 3 lần chỉ tiêu đề ra. Nhập siêu có chiều hướng giảm, tính cả 4 tháng nhập siêu 4,9 tỷ USD, bằng 18,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tốc độ tăng CPI trong tháng 4 vẫn ở mức cao là do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Chúng ta không thể chủ quan vì tình hình còn có biến chuyển, nhất là kinh tế thế giới có thể sẽ có những diễn biến khó lường. Cần theo dõi tiếp tình hình để có điều chỉnh phù hợp, nhưng cũng không quá nôn nóng để áp đặt những giải pháp chủ quan hành chính, bất chấp các quy luật thị trường dẫn đến những bất ổn khác.

Giá thị trường sẽ gạt bỏ tác động tâm lý với lạm phát

PV: Việc tiếp tục thực hiện lộ trình cơ chế giá thị trường với xăng dầu, giá điện, liệu có gây thêm sức ép lạm phát?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Cần thực hiện cơ chế giá thị trường để có sự minh bạch trong giá và xóa bỏ tâm lý bao cấp trong giá. Không thể kéo dài cơ chế điều hành giá theo cách kìm nén giá đầu ra trong khi giá đầu vào tăng theo giá thế giới.

Tâm lý chung là không ai muốn phải chi tiêu nhiều hơn với giá cả đắt đỏ hơn. Nhưng nếu chúng ta thực hiện cơ chế giá thị trường thì mỗi lần có sự điều chỉnh giá, sẽ không gặp tâm lý nặng nề như vậy. Tôi cho rằng khi thực hiện cơ chế giá thị trường, người dân sẽ quen dần và chấp nhận.

Hơn nữa, theo tôi, nếu không thực hiện cơ chế giá thị trường, giá sẽ không thể trở thành bàn tay vô hình điều hành và phân bổ, sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả nhất.

Khi theo cơ chế giá thị trường, doanh nghiệp sẽ buộc phải tính toán từ chi phí đầu vào đến sản xuất, tổ chức phân phối lưu thông, để có giá hợp lý và cạnh tranh.

Tất nhiên, điều quan trọng là phải có thị trường cạnh tranh với thông tin đầy đủ và minh bạch. Cũng cần phải nói là đang có tình trạng, nhiều cơ quan, nhiều tổ chức đưa ra thông tin, dự báo, nhưng điều quan trọng là thông tin nào chính thức.

PV: Việc tăng lương cơ bản sắp tới liệu có tác động đến lạm phát?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Điều chỉnh tăng lương tối thiểu lần này nằm trong lộ trình cải cách tiền lương. Sự phát triển của nền kinh tế đã tạo điều kiện để tăng thu ngân sách. Chúng ta dành một phần tăng thu, kết hợp với phần tiết kiệm chi thường xuyên để tăng lương, chứ không in thêm tiền.

Như vậy, về nguyên lý, tăng lương thế này không tăng tổng tiền của nền kinh tế, không gây sức ép đến mặt bằng giá. Tuy nhiên, việc này vẫn có thể gây sức ép tâm lý đến giá cả.

Để hạn chế hiện tượng tăng giá theo lương, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường mạnh hơn giải pháp thanh tra kiểm tra thị trường, giá cả… và xử lý thật nghiêm những hiện tượng lợi dụng làm bất ổn thị trường.

Văn Chính

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội