Không để tái diễn tình trạng cửa hàng ngừng bán xăng dầu

Thanh Hương

04:43 CH @ Thứ Năm - 24 Tháng Ba, 2011

24/03/2011 15:23:22 (GMT+7)

Các cửa hàng của doanh nghiệp nhà nước luôn bảo đảm đủ xăng dầu.

Mới đây, Bộ Công Thương đã có cuộc họp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên cả nước để đánh giá và rút kinh nghiệm công tác điều hành kinh doanh xăng dầu. Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú chủ trì.

CôngThương - Trong thời gian qua, đặc biệt từ sau Tết Nguyên đán tới trước ngày 24/2/2011 (thời điểm trước khi điều chỉnh giá xăng dầu), trên địa bàn các tỉnh, thành phố đã xảy ra tình trạng một số cây xăng bán lẻ có hiện tượng không có xăng dầu để phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân, gây tâm lý tiêu cực cho thị trường. Để không lặp lại hiện tượng này, khác với những lần trước là sau khi tăng giá các cơ quan quản lý không tiếp tục làm rõ những vi phạm thì lần này Bộ Công Thương đã chủ động họp với các Sở Công Thương để tìm ra nguyên nhân hệ thống phân phối bán lẻ xăng dầu trên địa bàn gặp khó khăn trong việc bảo đảm cung ứng, qua đó đánh giá, rút kinh nghiệm trong quản lý, điều hành và đưa ra giải pháp khắc phục.

Chưa “nắm” được tổng đại lý?

Theo phản ánh của Sở Công Thương Đăk Lăk, mặc dù nhu cầu xăng dầu trên địa bàn không lớn, khoảng 200.000 tấn/năm nhưng lại tập trung vào thời điểm sau Tết Nguyên đán phục vụ cho vụ tưới cà phê. Từ cuối tháng 12 đến trước ngày 24/2/2011 tại Đăk Lăk có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu đại lý của các doanh nghiệp tư nhân bán cầm chừng hoặc đóng cửa. Sở Công Thương Đăk Lăk đã tiến hành kiểm tra, phát hiện 49 cửa hàng xăng dầu bán cầm chừng, 4 điểm bán sai giá và 2 điểm đóng cửa, xử phạt 43 triệu đồng.

Qua kiểm tra cho thấy, hiện nay tại Đăk Lăk có 7 đầu mối cung ứng xăng dầu cho 406 cửa hàng bán lẻ. Trong đó, Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên mặc dù chỉ có 31 cửa hàng nhưng lại đảm nhận trên 60% nhu cầu trên địa bàn. Tại thời điểm “nóng” hầu như chỉ có các cửa hàng của Petrolimex và các cửa hàng của PV Oil hoạt động liên tục. Thậm chí một số cửa hàng của Petrolimex Nam Tây Nguyên tại Đăk Lăk có lúc bán tăng 13- 15 lần sản lượng bình thường. Còn hầu hết các cửa hàng và đại lý của Công ty Xăng dầu Quân đội và 2 tổng đại lý khác ngoài tỉnh (Công ty tổng hợp Phú Yên và Công ty TNHH xăng dầu Bình Dương) hầu như không có hàng bán hoặc bán cầm chừng.

Theo Sở Công Thương Đăk Lăk, Sở chỉ có thể kiểm soát được hệ thống bán lẻ (các cây xăng) trên địa bàn mà không thể “nắm” được tổng đại lý (nằm ở ngoài tỉnh) có cung cấp hàng theo đúng tiến độ cho các đại lý hay không. Vì thế, khi các đại lý vi phạm kinh doanh xăng dầu viện cớ không được tổng đại lý cung cấp hàng thì không có cơ sở để quy trách nhiệm.

Tình trạng Sở Công Thương không “nắm” được các tổng đại lý cũng xảy ra tương tự ở Lâm Đồng, Tây Ninh, Bà Rịa- Vũng tàu, Bắc Ninh… Vì thế, khi dinh doanh xăng dầu bị lỗ, chiết khấu giảm, lẽ ra các đại lý và tổng đại lý cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp đầu mối thì nhiều đại lý và tổng đại lý tư nhân đã viện đủ mọi lý do để không bán hàng.

Tuy nhiên, ông Lữ Bằng- Phó giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng- chia sẻ kinh nghiệm: Tại Đà Nẵng, cũng có những cây xăng thực sự hết hàng vì tổng đại lý không cung cấp, nhưng Sở Công Thương Đà Nẵng kiên quyết kiểm tra cả nguồn cung và hoạt động của tổng đại lý, yêu cầu họ cấp hàng trở lại cho các đại lý của mình nên thị trường không căng thẳng như một số tỉnh.

Quy hoạch hệ thống bán lẻ xăng dầu- lấy DNNN làm chủ đạo

Hầu hết các Sở Công Thương đều nhận xét, trong lúc khó khăn nhất, kinh doanh xăng dầu chịu lỗ đã nổi lên vai trò chủ đạo của hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp nhà nước. Trong khi nhiều cửa hàng của các đại lý tư nhân dừng cung cấp hàng hoặc bán cầm chừng thì các cửa hàng của Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty thương mại kỹ thuật và đầu tư (Petec), Tổng công ty dầu Việt Nam (Pvoil) và Công ty cổ phần dầu khí Mê kông (Petro Mê kông) vẫn hoạt động bình thường, thậm chí lượng bán ra tại thời điểm này còn tăng vọt. Những địa bàn tập trung các cửa hàng đại lý tư nhân khi kinh doanh lỗ thì nơi đó lại “đứt nguồn” đầu tiên.

Ông Nguyễn Văn Đồng- Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội- cho biết: lực lượng quản lý thị trường Hà Nội luôn kiểm tra sát sao các đầu mối trong thời gian “nóng”, cùng phối hợp với họ giải quyết khó khăn, như xin phép Sở Giao thông vận tải cho xe chở xăng dầu vào nội thành cả ban ngày, đồng thời nhắc nhở, động viên các cửa hàng xăng dầu đóng cửa hoạt động trở lại. Ông Đồng đề xuất: Bộ Công Thương nên khen thưởng các doanh nghiệp đầu mối, nhất là Petrolimex vì mặc dù kinh doanh trong thời điểm rất khó khăn như vậy mà vẫn đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu cho Hà Nội.

Đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng cũng đồng tình với đánh giá trên, trong khi thị trường có dấu hiệu căng thẳng thì 4 đầu mối doanh nghiệp nhà nước trên, nhất là Petrolimex đã phải “căng ra”, bán tăng tới 40- 60% so với sản lượng những ngày bình thường để “đỡ” cho cả phần thiếu hụt do một số đầu mối rút lui khỏi thị trường.

Vì thế, đại diện Sở Công Thương Đăk Lăk kiến nghị, khi điều chỉnh quy hoạch mạng lưới phân phối xăng dầu, cần chú ý điều phối đồng đều các cửa hàng xăng dầu của doanh nghiệp nhà nước, tránh trường hợp như vừa qua, địa bàn tập trung nhiều cửa hàng đại lý của tư nhân khi khó khăn thì xảy ra “đứt nguồn” đầu tiên.

Kiên định thực hiện kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường

Theo bà Lương Ánh Quỳnh- Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Công: Thời điểm từ tháng 12/2010 đến nay, nguồn nhập xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối vượt trên 30% so với hạn mức. Cần phải làm rõ xem xăng dầu tồn ở đâu?.

Lý giải nguyên nhân trên, ông Phan Kim Sa- Phó giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp- phân tích: Việc điều chỉnh giá xăng dầu thời gian qua quá chậm, làm doanh nghiệp lỗ nhiều, tổng đại lý và đại lý cũng chịu ảnh hưởng theo. Hơn nữa, khi chiết khấu bị giảm xuống, có lúc chỉ còn 50- 100 đồng/lít xăng, dầu, không đủ bù đắp chi phí nên đại lý, tổng đại lý đã hạn chế nhập vào (nếu chiết khấu dưới 500 đồng/lít doanh nghiệp không có lãi).

Ông Nguyễn Văn Bán- Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Dương- cho biết, trên địa bàn Bình Dương có Công ty xăng dầu Thanh Lễ là đơn vị nhập khẩu xăng dầu trực tiếp. Thời gian qua, công ty không mua được ngoại tệ từ ngân hàng nên rất khó khăn trong việc nhập khẩu xăng dầu, bên cạnh đó kinh doanh xăng dầu lỗ nặng nên công ty phải cắt giảm hoa hồng, chỉ còn 150 đồng/lít, vì thế có những đại lý đã ngưng bán hàng. Ông Bán đề nghị, phải giải quyết ngay ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu cho doanh nghiệp đầu mối và kiên quyết thực hiện Nghị định 84/2009/NĐ-CP với mục tiêu chuyển kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường.

Theo đại diện của Sở Công Thương Đồng Nai, do chưa thực hiện triệt để giá thị trường mặt hàng xăng dầu nên hiện nay khó kiểm soát buôn lậu mặt hàng này qua biên giới, vì sau ngày điều chỉnh tăng giá 24/2/2011, giá xăng dầu trong nước vẫn thấp hơn giá Campuchia khoảng 2.000- 3.000/lít. Sở Công Thương Đồng kiến nghị, cần thực hiện đúng lộ trình giá thị trường theo Nghị định 84 và các doanh nghiệp đầu mối phải bảo đảm hoa hồng tối thiểu cho các đại lý, tổng đại lý đủ bù đắp chi phí trong bất kỳ trường hợp nào.

Tránh lặp lại tình trạng cửa hàng xăng dầu đóng cửa

Tại cuộc họp Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đánh giá cao cách điều hành, quản lý của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số tỉnh đã không để xảy ra tình trạng đứt nguồn trong thời gian qua.

Thứ trưởng cho rằng, Chính phủ vẫn kiên quyết điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, nhưng trước mắt, do ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội nên sau đợt điều chỉnh giá vừa qua, giá bán xăng dầu vẫn thấp hơn giá cơ sở khoảng 1.600- 1.800 đồng/lít, đó là chưa tính thuế nhập khẩu. Vì thế, chắc chắn thời gian tới còn nhiều sức ép vào thị trường và kinh doanh xăng dầu còn khó khăn.

Từ ý kiến của các Sở Công Thương cho thấy, hiện nay trong khi Bộ Công Thương nắm chắc hoạt động của 12 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, các Sở Công Thương đã kiểm soát được mạng lưới bán lẻ nhưng còn thiếu kiểm soát đối với các tổng đại lý. Vì thế Thứ trưởng đề nghị sắp tới, các Sở Công Thương cần kiểm soát tốt đối tượng này.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu các Sở Công Thương rà soát lại quy hoạch hệ thống bán lẻ xăng dầu, cần loại bỏ các cửa hàng không đủ tiêu chuẩn, chú ý có biện pháp để phát triển các cửa hàng thuộc đầu mối doanh nghiệp nhà nước. Cần quy hoạch đan xen, hài hòa các cửa hàng này trong địa bàn, tránh trường hợp như vừa qua, khi khó khăn, các cửa hàng của tư nhân có thể rút khỏi thị trường.

Các Sở Công Thương cần phối hợp với các doanh nghiệp đầu mối để nắm chắc cung- cầu cho địa phương, bên cạnh đó cần có trách nhiệm nắm chắc nhu cầu xăng dầu, bảo đảm cân đối cung- cầu tại địa phương. Các Sở cũng cần chia sẻ thông tin với Bộ Công Thương để kịp thời tháo gỡ khó khăn và sớm phát hiện vi phạm để đưa ra biện pháp xử lý hữu hiệu.

Theo Thứ trưởng, sắp tới, Bộ Công Thương sẽ có quyết định thành lập đoàn kiểm tra, phối hợp với Sở Công Thương rà soát lại vi phạm của các cửa hàng xăng dầu trong thời gian qua, từ đó truy ngược trách nhiệm đến tổng đại lý và doanh nghiệp đầu mối. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng để tránh lặp lại tình trạng cửa hàng xăng dầu thiếu hàng bán, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân.

Thanh Hương

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội