Bùng phát buôn lậu xăng dầu trên biển - Kỳ II

Nguyễn Hải - Thanh Hương

05:03 CH @ Thứ Sáu - 22 Tháng Tám, 2014

Mờ mắt bởi lợi nhuận khổng lồ, các đối tượng buôn lậu dùng đủ mọi “chiêu” tiêu thụ trên thị trường nội địa. Hành vi phạm tội của các đối tượng buôn lậu không chỉ xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến cơ chế, chính sách của Nhà nước về quản lý thị trường xăng dầu và DN kinh doanh chân chính.

Tàu đánh bắt hải sản nên tìm mua xăng dầu chính ngạch, đảm bảo chất lượng

CôngThương - Kỳ II: DOANH NGHIỆP LAO ĐAO VÌ BUÔN LẬU XĂNG DẦU

Lợi nhuận khủng - “sức hút” lớn

Trong trường hợp của Công ty TNHH Hoàng Sơn, theo ước tính của cơ quan điều tra, trung bình mỗi tháng, công ty này nhập lậu vào thị trường nội địa 5.000-10.000 tấn xăng dầu. Tạm tính thuế theo giá thời điểm hiện nay, riêng thuế nhập khẩu, các đối tượng đã trốn khoảng 20-25 tỉ đồng/tháng.

Việc tàu Nang Nual 27 (Thái Lan) nhận dầu từ một tàu lớn ở khu vực biển Singapore bán cho tàu Ninh Thuận NT90139TS. Tàu Ninh Thuận NT90139TS mua dầu của tàu Nang Nual 27 với giá 18.000 đồng/lít chở về Hòn Khoai (Cà Mau) bán giá 22.000 đồng/lít, lãi 4.000 đồng/lít. Trung bình 1 năm tàu Ninh Thuận NT90139TS nhập lậu 600.000 lít, kiếm lời tới 240 tỷ đồng.

Chỉ qua hai vụ việc điển hình đã cho thấy, lợi nhuận khủng khiếp mà các đối tượng buôn lậu xăng dầu thu được nếu hàng được tiêu thụ trót lọt.

Không chỉ các tàu trong nước, nước ngoài tham gia buôn lậu, mà trên thực tế, ở “quy mô” nhỏ hơn, một số ngư dân đã bị lợi nhuận làm “mờ mắt” nên xem nhẹ việc đánh bắt hải sản, xem nặng việc buôn lậu xăng dầu, vừa mua dầu để sử dụng, vừa tiếp tay cho buôn lậu. Theo đó, ngư dân mua dầu của các tàu chở dầu lậu với giá rẻ, rồi mang về bờ để bán, trong trường hợp bị kiểm tra, họ khai mua để sử dụng chứ không phải để bán. Chênh lệch diezen buôn lậu so với Nhà nước quy định khoảng 3.000 - 5.000 đồng/lít dầu (tương ứng với trốn thuế và phí) nên mỗi chuyến họ cũng kiếm lời vài chục triệu đồng.

Vì xăng dầu nhập lậu, mỗi năm, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Kiên Giang thiệt hại tới 250.000m3, tương đương 250 triệu lít. Nếu tính thuế 4.822 đồng/lít thì 1 năm, riêng tỉnh Kiên Giang thất thu 1.200 tỷ đồng thuế.

Hậu quả khôn lường

Ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương) - cho biết, nguồn xăng dầu lậu vào thị trường nội địa và cung ứng cho các phương tiện của ngư dân trên biển cũng như trên thị trường gây áp lực lên quan hệ cung - cầu, giá bán và làm rối loạn thị trường. Bên cạnh đó, buôn lậu xăng dầu còn xâm hại đến quyền lợi của người tiêu dùng do các loại xăng dầu nhập lậu đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ.

Còn theo ông Trịnh Quang Khanh - Phó Chủ tịch kiêm người phát ngôn của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA): Tại những điểm mà xăng dầu lậu “dễ như mua mớ rau” thì các cửa hàng xăng dầu của doanh nghiệp kinh doanh chân chính bán dầu diezel rất khó. Bởi vì, xăng dầu lậu trốn thuế bán rẻ hơn xăng dầu do các công ty xăng dầu đầu mối nhập về chịu thuế, phí.

Qua tìm hiểu của phóng viên tại huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu (Nghệ An): Hầu hết những cây xăng phục vụ tàu thuyền đánh bắt hải sản không có giấy tờ kinh doanh nhưng vẫn hoạt động. Mỗi khi đoàn kiểm tra của các cơ quan chức năng đến, các cây xăng này đều đóng cửa im ỉm. Một người dân trong khu vực tiết lộ: dầu diezel bán tại những cây xăng này phần lớn là dầu nhập lậu, rẻ hơn giá Nhà nước. Do đó, những cây xăng của DN kinh doanh xăng dầu chính thống nơi đây tiêu thụ dầu rất chậm.

Trong cuộc họp của các DN hội viên VINPA mới đây, ông Lê Thanh Mân - Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thương Mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex) - bức xúc: Buôn lậu xăng dầu trên biển đang ảnh hưởng đến sản lượng bán hàng các DN kinh doanh xăng dầu, trong đó có Petimex. Ông Trần Minh Khoa - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH-MTV Du lịch và Thương mại Kiên Giang (KTC) - cho biết, công ty không bán được giọt dầu diezel nào (khoảng 100.000 m3/năm), các công ty khác trên địa bàn thì mất khoảng 150.000m3 nữa. Như vậy mỗi năm, về sản lượng, các DN kinh doanh xăng dầu tại Kiên Giang thiệt hại 250.000 m3/năm, tương đương 250 triệu lít. Số dầu này được “bù đắp” bởi dầu nhập lậu. Nếu tính thuế Nhà nước thu 4.822 đồng/lít thì 1 năm, riêng tỉnh Kiên Giang thất thu 1.200 tỷ đồng thuế.

Từ hiện tượng trên, có thể khẳng định rằng, tại những địa bàn mà xăng dầu không rõ nguồn gốc, đặc biệt là dầu lậu làm mưa làm gió thì các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chỉ có nước “chào thua”. Một số DN nhờ vào nguồn xăng dầu trốn thuế này để trả thù lao cho các đại lý cao hơn hẳn các DN khác, gây tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Doanh nghiệp làm ăn chân chính sụt giảm sản lượng bán hàng, Nhà nước thất thu thuế còn lợi nhuận “khổng lồ” không ngừng “chảy” vào túi những đối tượng làm ăn phi pháp.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX)

Cam kết nỗ lực không ngừng để tiến xa hơn trên con đường phát triển và đưa cuộc sống của người Việt Nam cùng toàn thể người lao động Petrolimex lên tầm cao mới trong tương lai

Công ty kinh doanh Xăng dầu

Trong nước

Nước ngoài

Nhiên liệu hàng không

Kho ngoại quan xăng dầu

Tổng Công ty

Tổ chức chính trị và xã hội